09:26 30/04/2023 Đã gần 1 tuần trôi qua nhưng cuộc đối thoại của Thường trực Thành ủy với đoàn viên, thanh niên thành phố Hải Phòng vẫn để lại những cảm xúc rất đặc biệt. Đó không chỉ vì đây là lần đầu Thường trực Thành ủy trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thanh niên mà còn bởi không khí cuộc đối thoại rất thân tình, ấm áp, không có khoảng cách. Từ đó, đoàn viên, thanh niên thành phố thoải mái nói lên suy nghĩ của mình và các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng trả lời trực diện vấn đề, nhiều việc được quyết ngay tại chỗ. Từ đây, mỗi đoàn viên, thanh niên thành phố càng thêm xúc động, tự hào, tràn đầy sự tự tin và tự hứa sẽ nỗ lực cống hiến sức trẻ, đóng góp thiết thực xây dựng thành phố và đất nước.
Bài 1:
Những ước vọng chính đáng
Hội trường Trung tâm Hội nghị thành phố sức chứa hơn 400 người ngày 30-3 không còn một chỗ trống. Màu xanh thanh niên là chủ đạo khiến không khí hội trường dường như mát mẻ, tươi trẻ hơn nhưng cũng có nhiều “sức nóng” bởi những vấn đề mà thanh niên đề cập. Không ngại ngần, rụt rè, thanh niên đã dám nói, dám đề nghị, đề xuất, thể hiện ước vọng chính đáng của mình.
Ước mong lập thân, lập nghiệp
Được học tập, được cống hiến là khát khao của tuổi trẻ. Bởi vậy, tại cuộc đối thoại, rất nhiều ý kiến của thanh niên đề cập tới mong muốn được tạo điều kiện, cơ hội để làm việc. Bí thư Đoàn Trường Đại học Hàng Hải Lê Hoàng Dương đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo, định hướng những chính sách cụ thể cho việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng hiện đang được đào tạo tại các trường để phục vụ cho mục tiêu phát triển thành phố, đặc biệt đối với ngành nghề liên quan đến kinh tế biển đang là thế mạnh của thành phố Hải Phòng.
Lê Trần Tuấn Anh, Phó bí thư Đoàn trường Đại học Y Dược Hải Phòng thẳng thắn mong muốn thành phố có chính sách tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Theo Tuấn Anh, thành phố đã rất quan tâm khen thưởng ở mức cao đối với học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế; hàng năm đều biểu dương khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc nhưng con đường để được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước khá khó khăn và nhiều vướng mắc. Từ đó có thể lãng phí nguồn nhân lực, nhân tài bởi nếu không được tạo điều kiện, sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có thể tìm cơ hội ở các địa phương khác hoặc ở nước ngoài.
Nguyễn Đình Hưng, Bí thư Đoàn trường Đại học Hải Phòng nêu ý kiến, việc chọn ngành nghề khởi nghiệp của thanh niên hiện nay vẫn còn dựa vào thị trường và nắm bắt thị trường của từng cá nhân. Việc định hướng của các cơ quan chuyên môn chưa có hiệu quả đối với thanh niên. Từ đó, đề nghị lãnh đạo thành phố có các chính sách phát triển ngành nghề, đặc biệt chính sách dài hạn để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên phù hợp với xã hội và thành phố Hải Phòng.
Vũ Cao Sơn, cán bộ Văn phòng tư vấn, giáo dục và trợ giúp việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, Tổng đội TNXP Hải Phòng cho rằng, hiện nay, thanh niên có tiền án, tiền sự, từng lầm lỗi đã hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, hoặc tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Vũ Cao Sơn cũng từng là người như vậy và may mắn đã có việc làm, nhưng còn biết bao người trẻ khác vẫn luôn khắc khoải chờ mong từng cơ hội. Đây là mong ước cháy bỏng và những thanh niên có tiền án, tiền sự, từng lầm lỗi đã hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng thiết tha mong được thành phố quan tâm, có giải pháp cụ thể, thiết thực.
Tiếng nói của một vận động viên trẻ tiêu biểu cũng làm cả hội trường lắng nghe với sự cảm thông sâu sắc. Đó là nỗi lo việc làm của vận động viên sau khi giải nghệ. Em cho biết, theo đuổi thể thao chuyên nghiệp vô cùng vất vả, gian truân, là “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” với những áp lực cực kỳ nặng nề. Thế nhưng, đây cũng là nghề khá nghiệt ngã bởi khi giải nghệ cũng tức đi qua tuổi thanh xuân. Làm việc gì sau khi đã cống hiến hết mình cho thể thao thành phố và đất nước là điều mỗi vận động viên luôn suy tư, lo lắng và nếu được thành phố quan tâm sẽ giúp các em yên tâm cống hiến, mang lại nhiều thành tích hơn cho thể thao Hải Phòng.
Quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần
Tuổi trẻ nhiều hoài bão, ước mơ nhưng cũng có nhu cầu rất cao về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần. Dưới góc nhìn của thanh niên Hải Phòng, địa điểm vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao của Hải Phòng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là tiếng nói của Lê Thị Thùy Trang, Bí thư Quận đoàn Ngô Quyền và mong muốn thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục dành quỹ đất và kinh phí cho việc xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo, nâng cấp điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi.
Đào Quốc Huy, Trường Đại học Hàng hải cũng đề xuất thành phố tăng cường tạo sân chơi cho thanh thiếu niên bởi hầu hết các nhà thi đấu, sân vận động đều xuống cấp. Từ đó đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp Cung thanh niên; cải tạo nhà thi đấu các quận, huyện. Đào Quốc Huy cũng đưa ra một đề nghị chính đáng, mong muốn thành phố có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích thanh niên học ngoại ngữ, cụ thể là hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ bởi hiện nay các trung tâm đều có mức học phí khá cao.
Ý kiến của học sinh Đào Đức Trọng, trường THPT Quang Trung, huyện Thuỷ Nguyên cũng nhận được nhiều sự đồng tình khi đề nghị thành phố xây dựng tổng thể Khu tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam- liệt sỹ Phạm Ngọc Đa để góp phần giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức lói sống cho đoàn viên thanh niên.
Vận động viên trẻ tiêu biểu môn đua thuyền Đỗ Thị Thu Thảo đại diện cho gần 400 VĐV của thể thao Hải Phòng đề nghị thành phố tăng mức thưởng cho VĐV đoạt giải. Theo Thu Thảo, hiện mức thưởng 7 triệu đồng một HCV; 5 triêu đồng cho HCB; 3 triệu đồng cho HCĐ của Hải Phòng thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố khác và chưa thực sự khuyến khích, động viên VĐV cống hiến. Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng cho VĐV cũng cần được quan tâm nhiều hơn.
Một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay không chỉ với giới trẻ mà với cả xã hội là tệ nạn ma túy; tình trạng buôn bán và sử dụng các chất kích thích, thuốc lá điện tử trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường sống an toàn lành mạnh của thanh thiếu nhi; là tình trạng bán hàng rong tại khu vực cổng trường học với nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được đề cập với mong muốn thành phố có các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn.
Nguyễn Thị Diệu Anh,Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện Hoa Phượng đề nghị thành phố tạo điều kiện về địa điểm hiến máu; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền vận động hiến máu ngoài cộng đồng… Sinh viên Trần Thị Huyền Vi, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng thẳng thắn đề cập tới thực trạng ký túc xá tập trung của thành phố chưa bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu: chưa có căng tin phục vụ cơm cho sinh viên mà chỉ có quán tạp hoá, đồ khô; có phòng tự học nhưng hầu như để trống, khoá cửa; thang máy hoạt động không hiệu quả; đời sống văn hóa tinh thần của sinh viên chưa được quan tâm đúng mức…
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024