15:05 27/12/2022 Ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó có nội dung chỉ đạo giữ bình ổn thị trường.
Chủ động ổn định nguồn cung và giá cả
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, đồng thời chủ động xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Cùng với tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm là pháo nổ, pháo hoa nhập lậu. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan tại các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Chỉ thị 22 cũng yêu cầu chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để thiếu hụt trong mọi tình huống, đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ cho Nhân dân; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, không để thiếu điện trong mọi tình huống; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình khuyến mại trên toàn quốc, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đảm bảo an toàn và thông suốt thị trường
Đối với Bộ NN&PTNT, Thủ tướng chỉ đạo chủ trì, phối hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân; chủ động chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân vui Xuân đón Tết. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, cung ứng đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Cũng tại Chỉ thị 22, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết. Tăng cường phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Về tác động của thị trường tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý ngành Ngân hàng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp đi đôi với ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm an toàn hệ thống.
Thủ tướng Chính phủ đồng thời chỉ đạo tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ thanh toán của Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Quốc gia. Theo đó các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có biện pháp bảo đảm thanh khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn; tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM tăng cao trước và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Có thể nói, Chỉ thị 22/CT-TTg điều chỉnh tổng thể rất rộng đối với thị trường dịp tết Nguyên đán năm nay, bao hàm toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tính tác động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng chỉ đạo rất sâu với nhiều giải pháp cụ thể hướng tới an sinh xã hội, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho người dân đón tết truyền thống đầy đủ, vui tươi, an toàn nhưng cần phải tiết kiệm, trước những diễn biến khó lường của thị trường thế giới.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão