Thủ tướng: Việt Nam luôn là quốc gia ổn định vững chắc

06:51 25/05/2014

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab.

Ngày 23/5, mục thông tin (blog) trên trang mạng chính thức của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2014 đã đăng bài viết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. TTXVN xin giới thiệu toàn văn bài viết:

Việt Nam - điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một hoạt động kinh tế đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam còn đang nỗ lực viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Tính đến tháng 4/2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư, và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Năm 2013, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012.

Những con số trên đã minh chứng Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Có rất nhiều lý do dẫn đến những thành công này.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Thứ nhất, Việt Nam luôn là một quốc gia ổn định vững chắc về chính trị - xã hội. Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng năng động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1991-2010 đạt khoảng 7,5% và trong giai đoạn 2011-2013 dù gặp rất nhiều khó khăn vẫn đạt 5,6%. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong giai đoạn 2014-2015 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với 60% người dân trong độ tuổi lao động; có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Á, nơi tập trung của nhiều nền kinh tế lớn và năng động. Việt Nam là nền kinh tế thị trường, là thành viên WTO, đã và đang tham gia nhiều khuôn khổ liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có các FTA với các đối tác trong và ngoài khu vực, đặc biệt Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những lợi thế cơ bản luôn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam luôn cam kết và hành động nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như không ngừng cải thiện khuôn khổ luật pháp và thể chế phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục câu chuyện thành công

Trong trung và dài hạn, Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên của Việt Nam sẽ hướng vào nguồn vốn FDI “chất lượng cao”, cụ thể là các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Để viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI, Chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Rất nhiều giải pháp đồng bộ đã được đặt ra, trong đó Chính phủ Việt Nam đặt trong tâm vào 3 lĩnh vực “đột phá chiến lược” thực hiện từ nay cho đến năm 2020. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và khung khổ pháp luật; xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia; thúc đẩy đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh đó, với việc coi thành công của các doanh nghiệp FDI cũng chính là thành công của mình, Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, các dòng vốn FDI đang dần phục hồi và sẽ gia tăng tại các nền kinh tế năng động. Với triển vọng tích cực của kinh tế toàn cầu và khu vực, chúng tôi chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, hoan nghênh các bạn tiếp tục lựa chọn Việt Nam và tin tưởng chắc chắn các bạn sẽ thành công tại đất nước chúng tôi.

Theo TTXVN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông