16:33 07/01/2017
Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em. Ngay sau đó lực lượng chức năng đều đã tìm được các cháu và đưa trở về nhà an toàn, đồng thời làm rõ nguyên nhân vụ bắt cóc. Tuy nhiên lại có nhiều thông tin đồn đoán về việc bắt cóc trẻ em lan truyền nhưng hoàn toàn không kiểm chứng được độ xác thực, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng… Giải mã những vụ bắt cóc trẻ em Vụ bắt cóc bé trai Lương Minh Đức, sinh 2014, ở tổ Lãm Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An, vừa mới xảy ra chưa đầy 1 tuần thì ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, cháu Trịnh Hoàng Gia Huy, sinh 2012, cũng bỗng dưng mất tích bí ẩn. Sau đó, nạn nhân cả 2 vụ việc được lực lượng công an nhanh chóng tìm thấy và đưa trở về an toàn, đồng thời bước đầu xác định động cơ bắt cóc của các đối tượng. Cụ thể, vụ bắt cóc cháu Lương Minh Đức, thủ phạm không ai khác mà chính là người hàng xóm Đỗ Tú Anh, sinh 1996, đã rủ thêm 2 người bạn vào bắt cóc cháu bé hòng trả thù người trông giữ trẻ do những mâu thuẫn cá nhân. Còn cháu bé 5 tuổi Trịnh Hoàng Gia Huy cũng vô tình trở thành nạn nhân của bố và người tình là Hoàng Thị Thu, sinh 1968, ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên. Mục đích của Thu là bắt cóc con trai của người tình để làm con tin, khống chế giải quyết dứt điểm chuyện tiền bạc và tình cảm. Các đối tượng bắt cóc bao giờ cũng nhằm những mục đích xấu, có thể là để uy hiếp tinh thần, bắt cha mẹ các cháu trả món nợ làm ăn đối với chúng. Hoặc có vụ, đối tượng nhắm vào tài sản các cháu đang mang trên người để cướp. Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít vụ đối tượng bắt cóc trẻ em, biến những đứa trẻ ngây thơ, trong trẻo thành những món “hàng” mua đi, bán lại. Dư luận cả nước vẫn còn chưa hết bàng hoàng về việc Lê Thị Bích Trâm, sinh 1989, ở huyện Nhà Bè, TP HCM, cả gan vào Bệnh viện quận 7 bắt cóc bé trai mới được 1 ngày tuổi mang đi bán lấy tiền trả nợ. Từ vụ việc này, CATP Hồ Chí Minh kết hợp cùng Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra làm rõ một đường dây mua bán trẻ em xuyên quốc gia gồm gần chục đối tượng, do Tưởng Đình Thương, sinh 1979, ở Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng, cầm đầu. Theo điều tra của cơ quan công an, nguồn “hàng” cung cấp cho Thương là do Ngô Thị Lan, sinh 1970, ở quận 1, TP HCM, gom về từ “cò mồi” là những người cắt móng tay dạo, xe ôm, hoặc những kẻ vô gia cư sống lang thang quanh các bệnh viện phụ sản ở TP HCM. Theo đó, đám chân rết này tiếp cận các gia đình sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ đơn thân… để dụ dỗ mua những đứa bé mới sinh. Chúng thường dựng lên tương lai huy hoàng cho các bé, bảo rằng con của họ sẽ được những gia đình giàu có nhưng hiếm muộn mang về nuôi dưỡng. Mỗi lần môi giới thành công, những người này được Lan trả cho một triệu đồng tiền công. Trong một thời gian dài, Lan đã giao dịch thành công, bán hơn chục bé sơ sinh cho Nguyễn Thanh Hằng, sinh 1988, ở quận Tân Phú, TP HCM, chuyển sang Trung Quốc. Mỗi phi vụ thành công, Lan kiếm lời hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Hằng bị bắt ở Quảng Ninh, Lan quay sang hợp tác với Thương. Cơ quan điều tra cũng làm rõ, ngoài việc kết hợp làm ăn với Lan, Thương còn lập hẳn trang web để “kinh doanh” trẻ em, mua bán tinh trùng... Thương cho biết, những ai cần có con, chỉ cần báo cho hắn thì vài tuần sau sẽ được toại nguyện với chi phí hàng chục triệu. Để “phủ sóng” rộng rãi, Thương còn cho người phát tờ rơi ở các bến xe, bệnh viện… Khi có người muốn bán trẻ em, hắn báo cho Lan hoặc tìm khách hàng ở các vùng Đông Nam bộ. Trong thời gian ngắn, Thương đã mua bán hơn 20 trẻ. Thận trọng với những tin đồn Từ những vụ việc trẻ em mất tích bí ẩn đã xuất hiện hàng loạt thông tin, hình ảnh về bắt cóc trẻ em được lan truyền, nhất là trên các mạng xã hội. Mới đây một số trang mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ được cho là đối tượng bắt cóc trẻ em ở thôn Chanh Chử 1, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo. Người phụ này bị bắt giữ, ngồi ở góc nhà, ôm mặt khóc lóc, xung quanh rất đông người dân bức xúc, liên tục dùng những lời lẽ hăm dọa…
Khi lực lượng chức năng tiến hành điều tra đã xác định người phụ nữ này có biểu hiện tâm thần. Trước đó người phụ nữ này có hành động gần gũi với một cháu bé nên người dân sinh nghi. Khi phát hiện trong xe đạp của người này có sữa tươi, bánh, kẹo khiến người dân càng thêm nghi ngờ đây là đối tượng bắt cóc trẻ em nên đã bắt giữ. Hay mới đây, tại Trường tiểu học Dư Hàng, quận Lê Chân, cũng đã xảy ra vụ một học sinh… mất tích và sau đó được gia đình thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc điều tra, đã xác định nguyên nhân do bố mẹ cháu bé mâu thuẫn nên cháu bé được bố đẻ bí mật đón đi. Còn trước đó tại thôn Hy Tái, xã Hồng Thái, huyện An Dương, người dân cũng đã hùa nhau đánh đập 3 người lạ mặt bởi nghi là bắt cóc trẻ con. Tuy nhiên đến khi lực lượng chức năng tiến hành điều tra xác minh thì hoàn toàn không có chuyện này. Trước đó ông Nguyễn Văn Sơn, sinh 1952, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, về Hải Phòng thăm người nhà. Khi qua thôn Hy Tái, xã Hồng Thái, ông Sơn định phóng xe ra cánh đồng đi vệ sinh thì bắt gặp 3 cháu nhỏ đang đi câu cá đã dừng lại nhờ mua hộ kẹo cao su. Trong lúc đang đứng đợi các cháu mang kẹo về thì ông Sơn bị một số người dân ép đưa về trụ sở công an xã. Ông Sơn đã cố thanh minh là không có ý đồ xấu và gọi điện thoại cho người nhà ở quận Kiến An sang bảo lãnh nhưng cũng bị người dân cho là gọi “đồng bọn” đến giải cứu nên bắt tất cả lại rồi đánh đập dã man… Trong khi đó, nhiều người dân ở phường Nam Sơn, quận Kiến An, vẫn kể vanh vách câu chuyện về những vụ 2 đối tượng sáng sớm mang theo bao tải định xông vào bắt cóc một cháu bé đang ở nhà một mình. Hay câu chuyện một đối tượng rình bắt một cháu bé đang đi học về trên đường Lê Hồng Phong nhưng bị người dân phát hiện nên bỏ chạy…(?). Và còn rất nhiều vụ được cho là bắt cóc trẻ em liên tiếp kể lại, lan truyền với những tình tiết rất khủng khiếp nhưng hoàn toàn không kiểm chứng được độ xác thực. Tuy vậy, những thông tin đó vẫn khiến người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh cực kỳ lo lắng. Theo cơ quan chức năng, người dân cần hết sức tỉnh táo, không hoang mang trước những tin đồn, đặc biệt là những thông tin giật gân lan truyền qua mạng xã hội. Khi phát hiện những thông tin liên quan đến bắt cóc trẻ em, cần bình tĩnh kiểm tra, xác định tính chân thực của thông tin, đồng thời báo cơ quan chức năng, tránh để những đối tượng xấu lợi dụng tung tin thất thiệt, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình và trật tự xã hội. Bên cạnh đó, theo thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về TTXH - CAQ Kiến An, qua điều tra khám phá một số vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn, các đối tượng đều là người quen biết với gia đình hoặc cơ sở giáo dục nên dễ dàng dụ dỗ nạn nhân đi theo. Chính vì thế, ngoài việc trang bị cho các em những kỹ năng tự bảo vệ mình, nhà trường cũng cần quán triệt tới các bậc phụ huynh nên quan tâm, đưa đón con, đừng vì mải công việc quên đón, hoặc giao cho những người không thân thiết trong gia đình đón, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. TRẦN VĂN |