Thương mại điện tử - Cách dữ liệu được sử dụng để tối ưu hoá các quy trình kinh doanh

15:49 04/05/2023

Hiện nay, thói quen mua hàng của người tiêu dùng dần dịch chuyển từ hình thức mua hàng truyền thống sang mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Bởi vậy, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) cũng ngày càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng dữ liệu số đang trở thành một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp thành phố để tối ưu hóa các quy trình kinh doanh, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

 

Thương mại điện tử - Cách dữ liệu được sử dụng để tối ưu hoá các quy trình kinh doanh

Dữ liệu trong TMĐT là những dữ liệu thu thập được từ các doanh nghiệp thương mại điện tử trên website, ứng dụng và tài sản truyền thông xã hội của các đơn vị này. Hình thức dữ liệu rất đa dạng, có thể là văn bản, giọng nói hoặc hình ảnh. Việc thu thập dữ liệu chủ yếu diễn ra trên các kênh bán hàng; các nhà tiếp thị và bán lẻ trực tuyến phân tích thông tin, đánh giá từ người tiêu dùng để hiểu rõ hơn hành vi, thái độ và trải nghiệm mua sắm của khách hàng, từ đó có giải pháp mở rộng thị trường, gia tăng trải nhiệm khách hàng và tăng doanh thu, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Nhằm phát huy tối đa những lợi ích là TMĐT mang lại, ngày 22-12-2020, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 -2025 với mục tiêu “Xây dựng Hải Phòng phát triển bứt phá về thương mại điện tử, trở thành lĩnh vực tiên phong, thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của thành phố, đưa thành phố Hải Phòng đến năm 2025 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, có vai trò trung tâm của vùng, cả nước và vị thế quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế”. Trong đó tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2025 đạt 80% số người sử dụng internet trên địa bàn thành phố và trên 90% dân số biết đến lợi ích của TMĐT; doanh số TMĐT đến năm 2025 tăng bình quân từ 16% đến 18%/năm. Đồng thời giúp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp để các doanh nghiệp có khả năng tận dụng các lợi thế sẵn có và khai thác các cơ hội tiềm năng nhằm phát triển kinh doanh trên môi trường số.

Theo số liệu thống kê, đến nay trên địa bàn thành phố 100% doanh nghiệp đã kết nối Internet với các hình thức kết nối khác nhau trong đó kết nối ADSL là hình thức chính được doanh nghiệp sử dụng; 100% doanh nghiệp lớn có website và website TMĐT, có bộ phận Marketing chuyên nghiên cứu thị trường, thị yếu tiêu dùng, chào bán sản phẩm và hỗ trợ khách hàng qua mạng muốn tìm hiểu cũng như mua sản phẩm rất thuận tiện; trên 8% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin. Nhiều phương thức đặt hàng đã được các doanh nghiệp áp dụng, đáng kể là thư điện tử chiếm khoảng 82,6% và mạng xã hội chiếm khoảng 26,5%; Nhiều hình thức thanh toán được sử dụng trong hoạt động của doanh nghiệp, hai phương thức thanh toán truyền thống được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là tiền mặt khi giao hàng chiếm khoảng 90,5% và chuyển khoản qua ngân hàng chiếm khoảng 69,4%, thẻ ATM và thẻ tín dụng có tỉ lệ khoảng 14,5%, ví điện tử được sử dụng là khoảng 2,9%. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh qua TMĐT thì doanh số TMĐT chiếm dưới 5% tổng doanh số.

Trong những năm qua lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử của thành phố đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động hiện nay là 901 doanh nghiệp, trong đó: Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng, điện tử là 216; Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm là 80; Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nội dung số là 4; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (trừ kinh doanh, phân phối) là150; Doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin là 451.

Song song, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đưa các sản phẩm, hàng hoá của mình lên sàn thương mại điện tử; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 15/9/2021 về việc Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Thành phố đã tổ chức các hội nghị kết nối đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử. Kết quả, đã đưa gần 100 sản phẩm nông sản địa phương và 15 sản phẩm OCOP của 7 nhà cung cấp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Shopee, Nowfresh. Các sản phẩm đưa lên sàn có chất lượng tốt, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; có bao bì, tem nhãn in đầy đủ thông tin sản phẩm; có nguồm gốc rõ ràng, minh bạch. Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tập trung tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc tham gia đăng ký gian hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com, Amazon.com,..., đồng thời duy trì phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương triển khai giải pháp Phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho doanh nghiệp Hải Phòng. Quảng bá thương hiệu nông sản, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng tem nhãn truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản cho 58 nhãn hiệu sản phẩm chủ lực; giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn cho 71 sản phẩm chủ lực; thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố để đưa lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Theo Sở Công Thương, tính đến hết năm 2022, thành phố hiện có tổng 228 tài khoản cá nhân và 760 tài khoản tổ chức, doanh nghiệp đăng ký, 514 website/ứng dụng đã được thông báo và 18 website/ứng dụng đã được đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định. Đồng thời, hiện nay, đã có hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia bán hàng trên Sàn TMĐT thành phố. Doanh nghiệp có thể tự mình quản lý toàn bộ dữ liệu về khách hàng, sản phẩm trong gian hàng của mình giúp Doanh nghiệp theo dõi và đánh giá hiệu quả của nhân viên chăm sóc khách hàng.

Với sự hỗ trợ của dữ liệu thương mại điện tử, khi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đưa các sản phẩm, hàng hoá của đơn vị lên sàn TMĐT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: Mở rộng thị trường vì nền tảng thương mại sử dụng internet để kết nối với người dùng nên quy mô tiếp cận khách hàng vô cùng rộng lớn, không có rào cản về vị trí địa lý, vùng lãnh thổ, biên giới; Tiết kiệm chi phí khi chỉ cần chi ra một khoản chi phí nhỏ, doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí bán hàng, chi phí marketing, truyền thông, phân phối và tối ưu chi phí lưu kho hiệu quả; Bán hàng, chăm sóc khách hàng 24/7 với công nghệ chatbot, thanh toán online giúp doanh nghiệp có thể bán hàng và giải đáp thắc mắc cho khách hàng 24/7 mà không cần có sự can thiệp của con người... Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh được tối ưu, giảm chi phí mà lợi nhuận của doanh nghiệp có cơ hội tăng cao. Không những thế việc quản lý mua bán, hàng hoá trên sàn thương mại điện tử cũng giúp tối ưu quy trình, giảm nhân lực từ đó tăng lợi nhuận.

CẨM TÚ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích