Toàn thành phố tập trung khắc phục hậu quả bão số 8

15:47 30/10/2012

Bão số 8 với cường độ mạnh, đường đi phức tạp, bất ngờ, sau khi quét quacác tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đã đổ bộ trực tiếp khu vực Hải Phòng, duy trì gió mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 trong thời gian dài, gây mưa rất lớn trên toàn thành phố làm thiệt hại nặng nề…

Các chiến sĩ công an giúp thu dọn cây đổ
Các chiến sĩ công an giúp thu dọn cây đổ

Ngay trong sáng 29-10, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Thành và đoàn lãnh đạo thành phố đã trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả tại huyện đảo Cát Hải. Chủ tịch UBND TP Dương Anh Điền đã chủ trì cuộc họp khẩn thống kê sơ bộ về những thiệt hại do bão số 8 gây ra và bàn cách khắc phục hậu quả.

* Theo báo cáo sơ bộ của Ban chỉ huy PCLB và TKCN thành phố, tính đến sáng 29-10, thiệt hại của bão số 8 gây ra làm 1 người chết, 2 người mất tích và 8 người bị thương. Mưa bão đã làm đổ 7.200 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch, hư hại 4.825 ha hoa màu, 193 diện tích NTTS bị hư hại và 110.000 con gia súc, gia cầm bị chết. Các công trình công cộng, trường học cũng bị hư hại nghiêm trọng, gồm 5 nhà đổ, 2.896 nhà và 155 trang trại bị tốc mái, 44 tàu thuyền, phương tiện bị chìm và 750 cây cột điện bị gãy đổ, gặp sự cố. Hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ trồng trong khu vực nội thành bị bật gốc.

Tại huyện Cát Hải, công trình đê điều bị sạt lở nhiều vị trí, trong đó nghiêm trọng có 500m đê Hữu Thái Bình và vỡ khung đầm kè Cao Mật. Còn tại Công ty Quốc tế Hòn Dáu có 1.000m kè bị sạt và tại Đoàn 295 khu 1 (quận Đồ Sơn) cũng có 200m kè bị sạt. Ngoài ra, bão số 8 gây rất nhiều thiệt hại về nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, điện lực, công trình đê điều thủy lợi chưa được thống kê đầy đủ.

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các lực lượng chức năng và địa phương của thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra. Điển hình như chiều 28-10, Đồn Biên phòng Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) phát hiện 2 lao động người Thái Bình vẫn ở trên chòi nuôi ngao tại Bãi Triều thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, đã triển khai lực lượng biên phòng ứng cứu an toàn.

Cũng trong chiều 28-10, giàn khoan GSF KEY HAWAI có 35 người, trong đó có 21 người Việt Nam và 14 người nước ngoài bị đứt dây neo với tàu lai dắt, do sóng to, tàu lai dắt không thể tiếp cận được với giàn khoan. Ủy ban QG TKCN đã đề nghị Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam duy trì liên lạc với giàn khoan, tư vấn cho người trên giàn khoan các phương án tự bảo vệ. Đến 6h ngày 29-10, toàn bộ 35 người trên giàn khoan vẫn an toàn.

Tiếp đó, 19h ngày 28-10, tại khu vực hòn Cát Ông, vịnh Cát Bà, 6 lồng bè trên có 16 người bị trôi dạt, sau đó đã được Đồn Biên phòng Cát Bà cứu vớt được 6 ngư dân đang trôi trên vịnh đưa vào đồn an toàn. Cũng tại thời điểm này, tàu Vsico Pioneer bị rơi 6 container xuống biển. Hồi 20h50 ngày 28-10, tàu Sinar Bintan bị rơi 10 container xuống biển. Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã yêu cầu thuyền trưởng các tàu chủ động điều tàu tránh trú bão nhằm đảm bảo an toàn cho thuyền viên, hàng hóa và tàu. Đến 21h cùng ngày, Đồn Biên phòng Cát Bà tổ chức lực lượng cứu 5 thuyền viên ở trên cabin của tàu quặng neo đậu tại vịnh Cát Bà bị đắm.

Còn tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, các lực lượng chức năng đã cứu được 2 lao động trên tàu QN7118TS bị chìm. Cũng tại đây, phương tiện Comprosit/15CV/02 tấn do ông Vũ Xuân Thọ, ở Thủy Nguyên, bị đắm, trên phương tiện không có người. Ngoài ra, tại khu vực cảng Caltex (quận Hải An), vào lúc 0h10 ngày 29-10, có 2 phương tiện bị chìm, 4 người đã được cứu lên bờ an toàn.

Sau khi nghe các ngành, địa phương báo cáo, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền yêu cầu các ngành, địa phương huy động các lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức tìm kiếm người và phương tiện bị trôi dạt, mất tích; tập trung các nguồn lực khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, đồng thời xử lý, khôi phục các công trình bị thiệt hại. Các thành viên BCH PCLB&TKCN thành phố tổ chức, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.



Nhiều tuyến phố bị cô lập do cây đổ, ngập lụt


* Ghi nhận của PV ANHP ngay sau khi bão tan, các lực lượng công an đã có mặt trên đường phố, phối hợp với các đơn vị chuyên môn quản lý hạ tầng đô thị khắc phục hậu quả bão. Đại tá Bùi Đình Chiến, Trưởng phòng CSGT sắt - bộ cho biết, trong đêm bão, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Đến 5h30 ngày 29-10, 100% phương tiện, CBCS các đội, trạm trực thuộc phòng đã ra đường làm nhiệm vụ.

Lực lượng CSGT rà soát các tuyến không bị tắc đường do cây đổ, nước ngập để tổ chức phân luồng giao thông, phối hợp với lực lượng công an các quận tổ chức điều tiết giao thông giúp cho các đơn vị quản lý cây xanh, quản lý điện chiếu sáng, thoát nước thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão Sơn Tinh.

Công việc tập trung nhiều nhất trên các tuyến đường phố chính, các tuyến trục thuộc khu vực trung tâm thành phố như Trần Hưng Đạo, Mê Linh, Hồng Bàng, Minh Khai, Lê Đại Hành, Nguyễn Đức Cảnh, Hai Bà Trưng; các nút giao thông trọng yếu như ngã tư Thương Nghiệp, ngã tư Thành Đội, ngã tư Quán Bà Mau, ngã tư An Dương…

Trong đó điển hình, Đội CSGT số 3, Trạm Bến Bính 350, Đội CSGT số 2, Trạm Quán Trữ, Công an các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân đã triển khai 100% nhân lực, phương tiện vào việc khắc phục hậu quả bão, giải quyết thu dọn cây đổ cản trở giao thông, điều tiết giao thông phục vụ nhân dân đi lại.

Theo đại úy Đỗ Minh Bạch, Đội phó Đội CSGT-TT Công quận Hồng Bàng, từ 5h30 sáng 29-10, đơn vị triển khai 100% CBCS, chủ động trang bị các loại phương tiện gồm xe tải, cưa, dao… để phối hợp với các lực lượng Phòng PC67 Công an thành phố, Thanh tra giao thông vận tải, các lực lượng của đơn vị quản lý chuyên ngành như cây xanh công viên, môi trường đô thị làm nhiệm vụ thu dọn cây đổ, giải phóng mặt đường làm thông luồng giao thông, hướng dẫn cho người và phương tiện đi lại.

* Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng, cho biết: 5h sáng 29-10, Cty đã huy động 100% cán bộ công nhân viên với tổng số 500 người làm nhiệm vụ vớt hàng nghìn m3 rác, thu dọn hơn 300 cây đổ xuống hệ thống mương dẫn; cậy nắp hố ga và tập trung thoát nước cho những điểm ngập úng cục bộ, kéo dài, gần khu vực cửa xả. Đến 12h cùng ngày 29-10, cơ bản nước mưa đã được tiêu thoát hết, đảm bảo giao thông thông suốt.

Ông Nguyễn Khắc Hà, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV công viên, cây xanh Hải Phòng, cho biết có khoảng 1.800 - 2.000 cây bóng mát đường phố bị lật gốc, gẫy thân, gẫy cành xuống đường gây cản trở giao thông. Đến 16h cùng ngày 29-10, cơ bản cây bị bão quật đổ trên các tuyến phố chính đã được giải quyết, đảm bảo giao thông thông suốt.

Về công tác thu dọn rác, cành lá cây, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cho biết dự kiến khối lượng rác phát sinh khoảng 6.000m3. Từ 6h30 sáng 29-10, Cty đã huy động toàn bộ nhân lực gồm 850 công nhân để tổ chức thu gom rác. Đến 18h ngày 29-10, số lượng rác được thu gom, vận chuyển, xử lý vào khoảng 1.000m3. Với lượng nhân lực, phương tiện nói trên, kế hoạch tổ chức lao động 3 ca/ngày, dự kiến thời gian giải quyết hậu quả từ bão từ 3-5 ngày mới có thể hoàn thành.

* Trong cuộc họp khẩn sáng 29-10 tại Hà Nội nhằm đánh giá, khắc phục hậu quả do bão số 8 gây ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết mặc dù bão không đổ bộ  hoàn toàn vào đất liền nhưng đã gây ra thiệt hại nặng nề tại các địa phương ven biển ở miền Bắc.

Theo thống kê ban đầu, đã có 23 người mất tích, nhiều công trình hạ tầng của nhà nước và nhà cửa của người dân bị hư hỏng, hàng trăm tàu thuyền bị chìm và hư hại, hàng nghìn ha cây trồng bị ngập úng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu chính quyền địa phương các cấp khẩn trương phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng triển khai công tác tìm kiếm người bị mất tích, cứu hộ cứu nạn các ngư dân. Đồng thời, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, thực hiện các biện pháp tiêu úng, bảo vệ hoa màu vụ đông.

Bộ trưởng nhấn mạnh, công việc quan trọng nhất là khảo sát, kiểm tra những nơi có nhà cửa đổ sập để cứu chữa kịp người bị thương vong. Cùng với đó, tập trung lực lượng để cứu hộ giao thông, thông tuyến; gấp rút khôi phục hệ thống điện cho Thái Bình và Nam Định, bơm tiêu úng cứu cây vụ đông.

Các thành viên Ban chỉ đạo cho biết một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan đối phó cơn bão số 8. Mặc dù chính quyền địa phương liên tục kêu gọi người dân không ở lại trên thuyền và sơ tán đến nơi an toàn, nhưng nhiều người vẫn cố tình quay trở lại.

Nhóm PV


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông