Trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết

16:05 26/03/2013

Qua gần 10 năm thực hiện, Luật đất đai năm 2003 đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập; khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong lĩnh vực này cũng ngày càng gia tăng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước thực tế trên, ý kiến chung của Ủy ban thường vụ Quốc hội là tán thành với sự cần thiết ban hành Luật đất đai sửa đổi thay thế cho Luật đất đai năm 2003. Thực hiện chủ trương trên, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết, sau khi triển khai lấy ý kiến của đông đảo đảng viên, CBCCVC và nhân dân, vừa qua, Chủ tịch UBND TP Dương Anh Điền đã trực tiếp chủ trì cuộc lấy ý kiến tham gia của các ngành, đoàn thể. Báo An ninh Hải Phòng xin lược ghi một số ý kiến sau:

Ông Phạm Thanh Dương - Phó giám đốc Sở Tài chính: Cần có cơ quan tư vấn định giá đất độc lập, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi như hiện nay. Đây cũng là xu hướng chung và tiến bộ. Song, tổ chức tư vấn phải đảm bảo chặt chẽ những yêu cầu về điều kiện, trình tự, thủ tục định giá đất, sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định và quyết định. Giá đất giữ ổn định trong 5 năm và được ban hành vào năm đầu kỳ (thay vì hàng năm như hiện nay). Trong trường hợp giá đất thị trường biến động liên tục trong thời gian 6 tháng thì cơ quan quản lý sẽ linh hoạt điều chỉnh đối với từng dự án cụ thể.

Ông Lã Thanh Tân - Phó giám đốc Sở Tư pháp: Việc quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất là cần thiết để hạn chế những giao dịch không hợp pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng thời đề nghị bổ sung những hợp đồng cho thuê, cho thuê lại cũng buộc phải công chứng, chứng thực vì theo quy định không phải tất cả các trường hợp sử dụng đất đều được cho thuê, cho thuê lại. Bên cạnh đó, trong khi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, thì việc quy định về điều kiện thực hiện các giao dịch về đất đai, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay. Đề nghị quy định cụ thể mốc thời gian để áp dụng điều kiện “có giấy chứng nhận” trong các giao dịch đất đai, đảm bảo khi đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận lần đầu trên toàn quốc.

Ông Võ Quốc Thái - Phó giám đốc Sở Xây dựng: Cần có riêng một điều quy định hình thức, trình tự, thủ tục, thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo nguyên tắc dân chủ và công khai. Đồng thời, định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển KT-XH trong từng giai đoạn. Nên quy định việc ký quỹ đối với các dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh tình trạng chủ đầu tư không có năng lực nhưng xin giao đất, thuê đất rồi bán dự án, gây dư luận xấu trong nhân dân, nhất là các dự án khu đô thị, nhà ở, khu CN, khai thác khoáng sản. Song không áp dụng với những dự án là công trình phúc lợi xã hội, nhà ở xã hội không nhằm mục đích kinh doanh.

Ông Lê Văn Nhã - Phó chủ tịch thường trực MTTQ VN TP Hải Phòng: Hiện trong xã hội có tình trạng tranh chấp đất dùng làm từ đường, nhà thờ họ… Nếu giấy chứng nhận đứng tên trưởng tộc thì là tài sản riêng, tất yếu phát sinh quyền thừa kế hay các giao dịch liên quan như cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng. Còn nếu giấy chứng nhận cấp cho Hội đồng gia tộc thì đó là tài sản chung của các thành viên dòng họ và do Hội đồng gia tộc quản lý. Vậy đề nghị quy định thêm: Đất tín ngưỡng, đình chùa, miếu mạo do thôn, làng quản lý; đất từ đường, nhà thờ họ do Hội đồng gia tộc là người đại diện sử dụng đất để tránh phát sinh tranh chấp sau này.

Đối với khoản 6 điều 5 nên thống nhất quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư, hoạt động văn hóa, khoa học hoặc sống tối thiểu 3 tháng trong năm thì được quyền mua, sở hữu nhà ở, đất ở. Bởi các cụm từ “hoạt động thường xuyên”, “sống ổn định” rất chung chung, khó xác định.

Ông Trần Hữu Xuân - Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền: Mặc dù Luật đất đai sửa đổi đang trong giai đoạn lấy ý kiến, dự thảo, song nhiều người dân đã có tâm lý chờ đợi luật mới. Do vậy, cần thiết phải bổ sung quy định xử lý các trường hợp thu hồi đất tại các dự án trước khi luật mới có hiệu lực, nếu không sẽ rất khó cho các địa phương khi giải quyết các tồn tại trong giai đoạn giao thời. Mặt khác cũng cần làm rõ khái niệm “bồi thường chậm”, bởi trên thực tế việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng có thể liên quan đến nhiều chủ thể, là cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và các hộ dân. Thiết nghĩ, trong dự thảo sửa đổi Luật đất đai, cùng với việc đề cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất thì cũng cần quan tâm đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó chánh thanh tra TP: Cần quy định cụ thể hơn các trường hợp thu hồi đất để xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, bởi đây là khu vực có giá trị chênh lệch lớn, dễ phát sinh khiếu kiện. Đối với các tranh chấp đất đai, cần quy định cụ thể thời hạn hòa giải, trình tự, thủ tục giải quyết, đồng thời mở rộng diện giải quyết cho các tòa án. Trên thực tế hiện nay, tòa án các cấp thụ lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai không nhiều. Song, các phán quyết của tòa án sau khi giải quyết lại có hiệu lực hơn rất nhiều và qua đó buộc người sử dụng đất phải có ý thức lưu giữ, kiện toàn và chứng minh được hồ sơ về đất đai của mình.


KIM OANH lược ghi


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông