Trải nghiệm “Từ nhà trường đến nhà máy”: Gắn giáo dục với thực tiễn cuộc sống

08:46 28/12/2017

Từ nhà trường đến nhà máy, xí nghiệp vẫn là một khoảng cách lớn mà học sinh còn nhiều điều cần biết. Chưa kể máy móc, kỹ thuật liên tục đổi mới và phát triển đòi hỏi sự cập nhật của chương trình học, mỗi học trò còn cần học hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp, tính kỷ luật trong lao động, cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai. Sáng 21-12, hoạt động trải nghiệm “Từ nhà trường đến nhà máy” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng và Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phối hợp tổ chức đã đem lại cho hơn 300 học sinh Trường THPT Ngô Quyền cách nhìn mới, “thực tế hóa” kiến thức các em đã học tại nhà trường...

Các lớp báo cáo chuyên đề nhóm

Chủ động tìm kiếm kiến thức mới

Sáng 21-12, các thầy cô giáo cùng hơn 300 học sinh Khối 12 Ban Khoa học Tự nhiên Trường THPT Ngô Quyền lên xe, khởi hành chuyến trải nghiệm thực tiễn tại Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng. Để chuẩn bị cho chương trình này, từ nhiều ngày nay, các lớp đã dày công chuẩn bị các chuyên đề nhóm.

Tại hội trường của công ty, các nhóm đã báo cáo các nội dung thu thập được từ sách vở, từ mạng xã hội và từ chính doanh nghiệp. Sau báo cáo của lớp 12A4 về nội dungTìm hiểu về lịch sử phát triển nhà máy nhựa Tiền Phong, các sản phẩm của nhà máy qua các thời kỳ và ứng dụng của các sản phẩm đó trong đời sống”, các học sinh đã có một hình dung tổng thể về đơn vị mà mình được tham quan trải nghiệm là một doanh nghiệp công nghiệp lớn, gắn liền với lịch sử thành phố Cảng, và cũng mang nhiều kỷ niệm với thế hệ trẻ nước nhà.

Cô trò Trường THPT Ngô Quyền tham quan quy trình sản xuất tại Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong

Báo cáo của lớp 12A6 tiếp đó trình bày vềNghiên cứu về vật liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm nhựa và ống nhựa” lại là những kiến thức từ sách vở để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Đó là các nội dung về chất liệu polyme thuộc môn Hóa học, song khi áp dụng vào thực tiễn lại cần có kiến thức liên ngành của Toán, Lý, Hóa thuộc các khâu sản xuất của nhà máy.

Các học sinh biết được có các chất liệu nhựa PE, PP, PVC... song để tốt ưu hóa những tính năng tốt của vật liệu xây dựng còn cần rất nhiều công đoạn mới có thể cho ra đời sản phẩm ống nhựa u-PVC chất lượng cao, phục vụ xây dựng các công trình lớn trên cả nước. Ngoài ra, học sinh các lớp 12A2, 12A3 cũng trình bày về tìm hiểu quy trình sản xuất ống nhựa hoàn chỉnh, nhất là các công đoạn về kiểm định chất lượng sản phẩm.

Trải nghiệm thực tiễn

Các thầy cô giáo và học sinh đã đi tham quan nhà máy, quan sát thực tế hoạt động sản xuất, tìm hiểu về các máy móc, nguyên liệu đầu vào, cách thức vận hành, quy trình sản xuất… Trong khuôn khổ thời gian 60 phút, mỗi nhóm sẽ tập trung quan sát ở các phân xưởng, khu vực được phân công.

Để định hướng, các thày cô đã thiết kế Phiếu học tập/ thu hoạch trải nghiệm. Dựa trên các yêu cầu này các em tham quan nhà máy, quan sát các hoạt động theo định hướng vận dụng lý thuyết môn học vào thực tiễn, đồng thời cũng giúp các thầy cô đánh giá các năng lực của học sinh qua hoạt động trải nghiệm.

Từ thực tiễn của công ty, các học sinh có thể nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất và kinh doanh - mối quan hệ liên quan đến sự sống còn của một doanh nghiệp.

Sản xuất ra sản phẩm tốt nhưng nếu không có kiến thức kinh doanh cũng không thể thành công, không thể mang sản phẩm đó đến thị trường rộng lớn; và ngược lại thì kinh doanh không thể thành công nếu sản phẩm mang ra thị trường kém chất lượng - đây cũng là cảm nhận của Trần Trường Độ, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Ngô Quyền.

“Qua đợt chuẩn bị báo cáo chuyên đề và trải nghiệm thực tế này, cháu được tìm hiểu rõ hơn quy trình kiểm tra sản phẩm ống nhựa tại công ty. Bình thường, cháu chỉ đơn giản nghĩ việc kiểm tra sản phẩm là trước khi đưa sản phẩm ra thị trường thì mới kiểm tra, nhưng khi quan sát thực tế tại nhà máy thì ra quy trình đó được chia làm 3 giai đoạn: ngay từ khâu nguyên liệu, xuyên suốt quá trình sản xuất, cho tới lúc đưa sản phẩm ra thị trường được kiểm tra một cách rất tỉ mỉ và công phu. Cũng qua trải nghiệm mà cháu hiểu hơn về những bài học đã được học trên lớp” - Trần Trường Độ nhận xét.

Hướng tới tương lai

Cô Cao Tố Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dựa trên lý thuyết về phương pháp “học tập qua trải nghiệm”, giáo viên các tổ Khoa học tự nhiên nhà trường đã thiết kế chuyên đề  “từ trường học đến nhà máy” với 5 bước.

Theo đó, dưới sự hướng dẫn của của thầy cô giáo, học sinh tự mình trải nghiệm, sau đó chia sẻ lại các kết quả (trong đó chú ý nêu quan sát, cảm nhận của mình), phân tích, thảo luận trong suốt quả trình trải nghiệm, đồng thời liên hệ giữa lý thuyết và thực tế.

Các học sinh thích thú khám phá, trải nghiệm các công đoạn sản xuất thực tế

Điểm đáng chú ý là, học sinh sẽ thu hoạch được rất nhiều kỹ năng “mềm” khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, như: kỹ năng khai thác, tìm hiểu thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, xử lý vấn đề, quan sát… để từ đó hình thành năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác, sử dụng CNTT và truyền thông, sử dụng ngôn ngữ, tính toán..

Thông qua hoạt động nhằm giúp các em tìm hiểu về việc vận dụng kiến thức đã học trong nhà trường vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đồng thời bồi dưỡng một số năng lực thực tiễn, phẩm chất, nhân cách, bước đầu phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Trường đã phát biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc “học đi đôi với hành” như lời Bác Hồ dạy và chương trình đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay: “Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn chúng ta, làm sao dạy học trò để “học đi đôi với hành”. Và, suốt quá trình đổi mới, ngành GD-ĐT luôn hướng tới làm sao để học sinh không những học được ở trên lớp mà còn học ở ngoài đời, học ở ngoài xã hội, học ở cơ quan, xí nghiệp và cũng học chính trong gia đình của mỗi em học sinh. 

Nhiệm vụ đó đặc biệt hơn khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng, khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Mục tiêu của GD-ĐT là hướng tới giáo dục thế hệ học trò hôm nay, nhất là các em học sinh lớp 12 ở đây, trong vài năm tới sẽ trở thành những người lao động tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và thời đại” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nhấn mạnh.

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông