Thông tấn xã Triều Tiên (KCNA) ngày 9-3 cho biết, các lãnh đạo cấp caocủa CHDCND Triều Tiên đã ra lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng chiếnđấu. Lệnh này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tiến hành mộtcuộc tập trận chung từ ngày 9-3.
| Lính Mỹ và Hàn Quốc giáp mặt với lính Triều Tiên tại khu vực biên giới DMZ |
Bản tin phát đi quốc tế của KCNA có đoạn: "Bộ chỉ huy tối cao của Lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) ra lệnh cho tất cả quân nhân sẵn sàng chiến đấu. Đây chỉ là một biện pháp phòng vệ nhằm bảo vệ chủ quyền và danh dự của quốc gia. Sẽ không có giới hạn đối với những biện pháp đáp trả của KPA và không ai có thể dự đoán cũng như tránh được những đòn đáp trả đó".
Bình Nhưỡng cho rằng cuộc tập trận chung lần này giữa Mỹ và Hàn Quốc (quy mô lớn nhất từ trước tới nay) là hành động tuyên chiến với CHDCND Triều Tiên. Bản tin KCNA trích lời các tướng lĩnh KPA rằng "sẽ có chiến tranh nổ ra nếu Mỹ và Hàn Quốc huy động một lực lượng lớn quân đội và vũ khí phức tạp để tiến hành một cuộc tấn công". Được biết, Bình Nhưỡng đã cắt đường dây điện thoại quân sự liên Triều trong sáng 9-3. Đây là kênh liên lạc duy nhất giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Trong thông cáo báo chí cùng ngày, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Walter Sharp cho biết cuộc tập trận mang tên "Giải pháp then chốt" (Key Resolve) được tổ chức nhằm đánh giá khả năng ứng cứu của quân đội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận diễn ra trong 12 ngày với sự tham gia của 26.000 binh sỹ Mỹ (12.000 lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, 14.000 lính Mỹ đổ bộ từ biển) cùng các trang thiết bị tối tân như tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục và tàu sân bay. Số quân Hàn Quốc tập trận không được công bố, nhưng các nguồn tin phương Tây nói vào khoảng 30.000 người.
Được biết, tàu khu trục "Hoàng đế Sejong" của Hàn Quốc cũng được huy động để diễn tập liên lạc với tàu Mỹ. Đây là nhiệm vụ đầu tiên mà con tàu này thực hiện kể từ khi được hạ thủy vào tháng 12 năm ngoái. Tàu "Hoàng đế Sejong" được trang bị hệ thống phòng thủ tối tân cũng như khả năng tự tìm máy bay, điều khiển tên lửa và tấn công 20 mục tiêu cùng lúc... Các tưỡng lĩnh Triều Tiên gọi đây là khiêu khích nguy hiểm và là sự thao diễn cho một cuộc xâm lược.
Cùng ngày, một quan chức thuộc đại sứ quán Triều Tiên tại Trung Quốc tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ giáng trả Mỹ hoặc Nhật Bản bằng những vũ khí hùng mạnh nhất nếu hai nước này bắn hạ vệ tinh mà Triều Tiên sắp phóng trong khuôn khổ chương trình vũ trụ hòa bình. Quan chức này nói, là một thành viên của cộng đồng quốc tế, CHDCND Triều Tiên có quyền sử dụng không gian của mình vì mục đích hòa bình.
Còn từ Bình Nhưỡng, người phát ngôn KPA cảnh báo: "Chúng tôi sẽ đáp trả bất cứ hành động nào nhằm đánh chặn vệ tinh phục vụ mục đích hòa bình của chúng tôi, bằng những đòn giáng trả mau chóng của các phương tiện quân sự mạnh nhất. Việc bắn hạ vệ tinh vì các mục đích hòa bình của chúng tôi sẽ hoàn toàn đồng nghĩa với chiến tranh". Tuyên bố nói thêm hành động đáp trả sẽ "không chỉ nhằm vào các phương tiện đánh chặn có liên quan mà cả các thành lũy của những kẻ xâm lược và những kẻ bù nhìn đã ngấm ngầm âm mưu đánh chặn vệ tinh".
Theo giới quan sát nhận định, quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên đã xấu đi kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak theo đường lối cứng rắn của Hàn Quốc lên cầm quyền hồi năm ngoái. Ông Lee đã hủy bỏ các chính sách gắn viện trợ với giải trừ hạt nhân trước đó. Để trả đũa, Bình Nhưỡng cũng ngừng mọi thỏa thuận hòa bình với Seoul.
VIỆT ANH (tổng hợp) |