Ngày 24-7, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Trung Quốc chớ có những hành động “đơn phương” trên biển Đông sau khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý các vùng lãnh hải đang tranh chấp.
| Tàu chiến lớn nhất của Philippines mới mua từ Mỹ, đã tham gia vụ chạm mặt với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP |
Trước đó, ngày 20-7, giới chức quân sự Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và đến ngày 24-7 thì triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam). Đây là bộ tư lệnh cấp phân khu thuộc bộ tư lệnh tỉnh Hải Nam và chịu trách nhiệm quản lý sự huy động về quốc phòng, quân phòng bị cũng như tiến hành các hoạt động quân sự tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Ngay trong ngày 24-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc. Chính phủ Philippines cũng triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Manila để phản đối kế hoạch của Trung Quốc triển khai quân đồn trú trên biển Đông cũng như việc đội tàu nước này có mặt ở Trường Sa.
“Khiêu khích không cần thiết”
Trong cuộc họp báo ngày 24-7, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói về các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc: “Chúng tôi quan ngại liệu có nên có bất kỳ động thái đơn phương nào giống như thế này (thành lập “Tam Sa”) mà dường như đặt vào sự đã rồi một vấn đề mà chúng tôi đã nhiều lần nói là chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại và bằng tiến trình ngoại giao phối hợp giữa tất cả các bên tranh chấp”. Bà Victoria cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công du châu Á vừa qua “đã bày tỏ quan ngại trước mọi tình trạng ép buộc về kinh tế hay quân sự” liên quan tới những tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á thông qua những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ra tuyên bố cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là khiêu khích một cách không cần thiết. Tuyên bố của ông McCain viết: “Quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở biển Đông mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền là khiêu khích một cách không cần thiết”. Thượng nghị sĩ McCain cho rằng việc Trung Quốc cử đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và biển ở Biển Đông “chỉ làm củng cố thêm lý do tại sao rất nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc”.
Đặc biệt, ông McCain cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là “không có cơ sở trong luật quốc tế”. Ông McCain nhận xét các hành động của Trung Quốc trong trường hợp này là “đáng thất vọng và không phù hợp với một cường quốc có trách nhiệm”. Tuyên bố của Thượng nghị sỹ này cũng khẳng định rằng: “Chúng ta (Mỹ) phải tiếp tục hối thúc tất cả các bên tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế”.
Tham lam vô đối
Trong khi truyền thông các nước có tranh chấp với Trung Quốc đưa tin thể hiện sự khách quan trên tinh thần xây dựng thì một loạt báo đài Trung Quốc lại đưa ra một giọng điệu hết sức hiếu chiến. Đơn cử, trong một bài xã luận đăng đầu tháng này, tờ Thời báo Hoàn Cầu hối thúc chính quyền Bắc Kinh không chỉ đòi chủ quyền quần đảo Senkaku mà còn xem xét việc đòi sở hữu đối với tỉnh Okinawa của Nhật Bản (tỉnh nằm trên quần đảo Ryukyu). Trên đài phát thanh Trung Quốc, tướng Kim Nhất Nam, đứng đầu viện nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, không biết ngượng miệng khi nói “...đảo Senkaku nhỏ hẹp quá, do đó chúng ta nên đặt vấn đề sở hữu toàn bộ quần đảo Ryukyu”.
Cả thế giới đều biết tỉnh Okinawa là lãnh thổ Nhật Bản, hiện có 1,4 triệu dân Nhật sinh sống và đây cũng là nơi đồn trú của 10.000 lính Mỹ. Lý lẽ của tờ Thời báo là hồi thế kỷ 15, tỉnh Okinawa có vương quốc nhỏ Ryukyu từng triều cống các hoàng đế Trung Quốc cho nên bây giờ tỉnh đảo này thuộc về Trung Quốc thì cũng không có gì quá đáng (?). Trong diễn biến liên quan, Chỉ huy quân đội Nhật Bản nói hải quân Trung Quốc ngày càng ngang ngược, vì thế Nhật sẽ giám sát mọi diễn biến trên biển và đưa ra cảnh cáo cần thiết.
Việt Anh (tổng hợp) |