Trung thu ở Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng

15:28 22/09/2010

Nguyễn Thị Nhật Lệ, 17 tuổi, chị gái cả trong gia đình Sơn Ca của Làngbồi hồi nhớ lại tết Trung thu năm ngoái. Trước Tết, từ tận hè, các bác,các dì cùng các anh chị sinh viên nô nức chuẩn bị chương trình văn nghệcho các em để công diễn vào đúng đêm rằm. Đến hôm rằm, tất cả các concủa các gia đình học bài từ sớm để còn được đi phá cỗ.

Nhật Lệ đang cùng mẹ chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà
Nhật Lệ đang cùng mẹ chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà

Không thể nhận ra các diễn viên nhí nữa vì các em được hóa trang khác hẳn ngày thường, vui vẻ, hồn nhiên. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi, dồn hết nhiệt tình cho ngày trung thu của những mảnh đời bất hạnh ở đây. Cạn chương trình cũng là lúc trăng lên đến đỉnh đầu, tất cả xúm nhau lại cùng ngắm trăng, bên tai văng vẳng câu chuyện cổ tích về chị Hằng và chú Cuội...

Ngoài biểu diễn văn nghệ, các mẹ, các con còn được tham gia chương trình thi “Nấu ăn”, “Vẻ đẹp tuổi thơ”, “Mẹ hiền - con chăm ngoan” và “Ca hát - thời trang”. Năm ấy, gia đình Sơn Ca của Lệ giành giải nhất về thi nấu ăn. Món quà tinh thần ấy càng làm những đứa con và các bà mẹ nuôi thêm gắn bó. Lệ bảo, Làng cũng vừa phát tiền cho các nhà để các mẹ mua sắm quà trung thu cho từng con và đóng góp chung vào mâm cỗ trông trăng của cả Làng. Mới từ đầu tháng 8 âm lịch, gần 60 đứa trẻ của Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng đã rộn ràng lên cả rồi.

Không may mắn như những người bạn cùng trang lứa, Nhật Lệ sinh ra trong một gia đình chỉ có mẹ vì bố mất sớm và gia đình nhà nội không nhận 2 mẹ con. Để có tiền nuôi con, người mẹ đi kiếm tiền bằng nghề buôn ma túy. Thế rồi, vào một ngày khi Lệ còn rất nhỏ, mẹ em bị bắt quả tang đang tàng trữ heroin trong người phải vào tù. Từ đấy, Lệ ở với ông ngoại - một người đàn ông mù lòa. Rồi khi ông qua đời, em không còn ai để nương tựa, bấu víu nữa. Thấy tội, những người hàng xóm tốt bụng đã đưa Nhật Lệ tới Làng Hoa Phượng.

Lúc mới vào, em sợ lắm, vì thấy ai cũng xa lạ. Sống một thời gian trong gia đình Sơn Ca cùng các gia đình khác, em thấy đầm ấm bởi tình thương và sự chăm lo, đùm bọc của các cô, bác trong Làng. Đang học lớp 3, bỏ dở, vào làng em được cho ăn học tiếp và suốt từ bấy đến giờ, Nhật Lệ đều là học sinh giỏi. Hiện Lệ đang học lớp 8 Trường PTCS Đằng Lâm. Ngoài học, em còn giúp mẹ Vũ Thị Lền chăm sóc cho 6 em nhỏ khác của nhà Sơn Ca. Sau những giờ học và làm việc gia đình, 7 đứa con lại ngồi quanh người mẹ nuôi nghe kể chuyện về mẹ, vùng quê An Lão của mẹ và 19 năm gắn bó với Làng của người mẹ nuôi này.

Lệ tâm sự, có Làng Hoa Phượng mà em và các bạn, các em nhỏ có hoàn cảnh tương tự như em mới có ngày hôm nay. Mặc dù kém các bạn cùng tuổi tới 3 lớp nhưng Lệ vẫn quyết tâm học để luôn xứng đáng với những tháng ngày em được ở đây. Đặc biệt, cũng từ khi vào Làng, Lệ mới biết đến hương vị, không khí của tết Trung thu và em từng mơ ước học giỏi, sau này sẽ trở thành một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu với mọi người về Làng - ngôi nhà thứ 2 của em, nơi đã mang đến cho em những tiếng trống rộn ràng, những điệu múa lân đêm trăng sáng làm say đắm lòng con trẻ còn hằn sâu trong ký ức tuổi thơ.

Kém Lệ tới 4 tuổi, Phạm Thị Thanh Loan, 13 tuổi và em gái ruột Phạm Thị Linh của gia đình Vàng Anh cũng có hoàn cảnh thật đáng thương. Hai bố mẹ của em đều mất vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nhà trường, làng xóm kỳ dị, từ Vĩnh Bảo, ông bà nội em đã đưa cả 2 người cháu đến Làng vì không có điều kiện nuôi nấng. Làng bố trí cho 2 chị em ở cùng một nhà để dễ chăm sóc nhau. Nhìn gương mặt bầu bĩnh, ngây thơ của Loan, ít ai tưởng tượng được rằng tuổi thơ bé của em không được biết Trung thu là gì.

Vào Làng, chị em Loan được tình cảm của đồng loại bù đắp. Vào các dịp lễ, tết, các em được làng cho về quê thăm ông bà nội ở tận xã Việt Tiến xa xôi. Nói đến tết Trung thu, mắt Loan rực sáng lên, em ao ước tới ngày được cùng mẹ bày mâm ngũ quả và đồ chơi thì được chơi thỏa thích. “Con rất thích ở đây” - Thanh Loan nói với chúng tôi như vậy trước khi em về nhà nấu cơm giúp mẹ.

Chị Nguyễn Thu Hà - Giám đốc Làng - vui vẻ cho biết: Trung thu các năm trước, Làng tổ chức vui chung một buổi cho các em nhưng năm nay có khác, tới hai buổi, do có nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà và tài trợ kinh phí cho đêm rằm. Tối 12 tại gốc đa Làng và tối 14 tại sân bóng. Chị dẫn chúng tôi tới nơi sẽ trang trí đèn, hoa cho các em - rộng rãi và không khí thoáng đãng. Đặc biệt Trung thu năm nay, Đoàn ca múa Hải quân sẽ đến biểu diễn cho cả Làng thưởng thức và sẽ có những tiết mục diễn chung với mẹ, con của 8 gia đình trong Làng.

Chị bảo, Trung thu này còn ý nghĩa hơn nhiều vì thành tích học tập của 4 em trong Làng. Em Nguyễn Thùy Dương của nhà Họa Mi đỗ Đại học Báo chí; em Đào Thị Miên của nhà Hải Âu vào Trường trung cấp Thủy sản; 2 em của nhà Nam lớn là Kiều Quốc Hoàng đỗ Đại học Dân lập HP và Lê Xuân Tùng, chính thức là sinh viên của Trường cao đẳng Hàng hải.


THẠCH THẢO


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích