Về Đền Mõ nghe chuyện tích xưa

10:20 29/03/2023

Tọa lạc tại thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Đền Mõ không chỉ nổi tiếng về những giai thoại liên quan đến Công chúa Quỳnh Trân mà còn có sức thu hút rất lớn bởi những di sản có tuổi đời hàng trăm năm.
Đền Mõ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Lật lại lịch sử, đời xưa ghi lại rằng, Quỳnh Trân là con gái đầu của vua Trần Thánh Tông (trị vì từ năm1257 đến 1278). Công chúa cũng là chị gái của vua Trần Nhân Tông, người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và được tôn xưng là vua Phật Việt Nam. Ngay khi mới sinh, Công chúa đã có nhan sắc tuyệt mỹ: “Sắc như bình bạc, mặt tựa gương báu, thân thể vẻ hoa nở sáng trăng; dung nghi giống như xuân sơn, thu thủy, vẻ người đoan chính”.

Vua cha đặt tên cho công chúa là A nương Quỳnh Trân. Cách đây 740 năm, vào mùa Xuân năm 1283 (Năm Quý Mùi), lòng không muốn vấn vương bụi trần, công chúa đã xin phép vua cha giã từ lầu son gác tía, tìm nơi để tuệ đạo tu hành. Theo đó, khi đi đến vùng ven sông Văn Úc, bốn bề mênh mông trời nước, thấy có một gò đất cao, giống như con chim đang bay, nơi phong thủy hội tụ linh khí của đất trời, bà đã lập Am để tu hành.

Sau khi lập Am, công chúa Quỳnh Trân thường đem kiến thức của mình giáo hóa người dân; khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, lập điền trang cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, mở chợ cho dân buôn bán, quy tụ mọi người trong vùng đến làm ăn sinh sống và hình thành nên trang Nghi Dương (nay là xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Trải qua thời gian, điền sản của bà ngày một nhiều giúp dân có cái ăn, cái mặc, nô bộc kéo về ngày một đông.

Cây gạo cổ thụ trong khuôn viên Đền Mõ
 

Hàng ngày, công chúa điều hành công việc bằng hiệu lệnh tiếng mõ. Bắt nguồn từ đó, các địa danh đều có tên là Tổng Mõ, Đền Mõ, Chùa Mõ và Chợ Mõ. Hàng năm, bà còn lập đàn tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Năm mùa màng chưa thuận, bà còn xin vua miễn tô thuế, lao dịch cho dân trong vùng để bớt khó khăn.

Ngoài ra, công chúa Quỳnh Trân còn tỏ rõ là một nhà thao lược vẹn toàn, giàu lòng yêu nước. Khi bờ cõi có giặc Nguyên Mông xâm lược, bà đã chiêu tập binh sỹ, tích cóp lương thảo, góp phần giúp triều đình đánh đuổi ngoại xâm.

Khi công chúa viên tịch (ngày mồng 3 tháng 11 năm 1308), vua Trần Anh Tông ra chỉ, tặng sắc phong và cấp 300 quan tiền cho 5 xã: Nghi Dương, Xuân Dương, Mai Dương, Tú Đôi, Du Lễ rước sắc phong về và dựng điện đề thần hiệu thờ phụng bên chùa Nghi Dương. Đặc biệt, công lao của bà còn được các triều đại phong kiến tiếp theo ban tặng 11 sắc phong còn nguyên vẹn đến ngày nay. Trong tâm thức văn hoá tâm linh,  Quỳnh Trân công chúa được được Nhân dân tôn phong là Thánh - Phật, Thánh mẫu.

Vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân trong vùng và chính quyền địa phương mở hội Tế Lễ để ngưỡng vọng, tôn thờ và tri ân bà. Đây không chỉ phản ánh nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian mà còn cho thấy tấm lòng tôn trọng đạo hiếu, tôn sùng Quỳnh Trân công chúa đã có công lao to lớn với dân, với nước; luôn che chở cho mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đền Mõ nằm trong quần thể di tích Đền – Chùa Mõ với quy mô 14.428m2. Đền quay hướng Đông Nam. Kiến trúc chính gồm 3 tòa nhà bố cục theo kiểu tiền nhất với 5 gian tiền đường, 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung hình chuôi vồ về phía sau. Các tòa nhà kề sát nhau tạo cho không gian của Đền mang dáng vẻ thâm nghiêm và trang trọng.

Tam quan của Đền Mõ là chiếc cổng lớn ở ngoài xây theo kiểu ngũ môn, phía bên trong là tam quan 3 tầng vì hai bên là cột trụ hình hộp chữ nhật. Tam quan là một kiến trúc kiểu gác chuông 3 tầng 8 mái với các đao cong, cổng chùa mở lối đi rộng 2,4 m. Phía trên tạo vòm cuốn, hai bên xây tường gạch dày. Tầng dưới mái bằng trở thành sân nền của tầng 2.

Đặc biệt, Đền Mõ vẫn còn lưu giữ được cây gạo cổ thụ hơn 700 năm tuổi, cành lá xum xuê tỏa bóng, được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó cũng là cây Di sản đầu tiên tại Hải Phòng được xác lập kỷ lục: “Cây gạo cổ thụ nhiều năm tuổi nhất ở Việt Nam” vào ngày 4-3-2012.

Mang trong mình những giá trị lớn về lịch sử và nghệ thuật, năm 1992, khu di tích lịch sử Đền Mõ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 LIÊM ĐOÀN

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông