Chúng tôi để ý phạm nhân nào bồn chồn, bỏ ăn, không ngủmấy ngày thì y như là điềm báo trước - sau đó sẽ bị thi hành án.
| |
1. Phạm nhân trong trại thường gọi số có án tử hình là “ma sống”, vì nhiều khi họ tâm thần hoảng loạn, sống mộng mị nghiêng về “phần âm”. Họ thường loan truyền trong nhau nhiều chuyện nghe như liêu trai chí dị… Thực hư thế nào không rõ, nhưng khi xếp vào những buồng đó, số phạm nhân này thường nằng nặc nhờ quản giáo cho gặp Ban giám thị, họ nỉ non hứa hẹn chấp hành tốt và chỉ đề nghị chuyển buồng, trong số này có P. là đối tượng trong nhóm “cây xăng Đông Á”. Khi Ban giám thị xuống gặp, P. khóc thảm thiết và một mực đòi chuyển buồng.
2. Quản giáo được lựa chọn phụ trách buồng khu vực kỷ luật và giam phạm nhân tử hình là những đồng chí có trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp. Vì có phạm nhân tử hình đòi hỏi yêu sách không được, lợi dụng khi quản giáo mở cửa buồng, họ đã úp cả bô phân vào người và còn tuyên bố đã tử hình rồi thì chẳng sợ ai, chẳng sợ kỷ luật cùm hai chân. Những lúc như vậy có anh em chỉ muốn bỏ nghề, khi trấn tĩnh lại, bằng mọi biện pháp răn đe, thuyết phục, kỷ luật cắt thăm gặp thân nhân… số tử tội mới nghe và khóc lóc van xin.
Tôi rất khâm phục lòng vị tha không chấp ngã của anh em quản giáo, vì tử tội khi bị đi thi hành án tử hình đều có thư riêng viết lại xin lỗi Ban giám thị và quản giáo vì hành động không đúng của mình. Buồng giam của phạm nhân sau khi thi hành án tử hình được quản giáo quản lý và thực hiện một số thủ tục theo tục lệ như: cho thắp hương ba ngày rồi mới dọn dẹp, lau rửa, thu xếp tư trang gửi cho gia đình. Số tiền trong sổ lưu ký còn lại đều được các tử tội viết dặn lại là để mua đồ cho số phạm nhân ở lại.
Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thi hành bản án tử hình là tối mật. Lạ nữa, chúng tôi để ý phạm nhân nào bồn chồn, bỏ ăn, không ngủ mấy ngày thì y như là điềm báo trước - sau đó sẽ bị thi hành án. Do vậy tôi cứ suy nghĩ câu của các cụ: “Sinh có hạn, tử bất kỳ” chẳng sai một chút nào. Có phạm nhân sau khi tuyên án rất lâu mới thi hành, có lúc xuống kiểm tra họ đều gặng hỏi “Ban ơi sao cháu lâu đi thế?”! Lúc đó chỉ còn biết nói với họ rằng bao giờ đến hãy hay, sao phải sốt ruột. Tôi biết đó là chuỗi ngày dài thê lương của họ vì thà rằng kết thúc một cách kinh khủng còn hơn là sự kinh khủng chưa được kết thúc.
Phạm nhân tử hình luôn ý thức được đến lúc họ phải ra đi. Vì vậy, họ chuẩn bị cho mình rất kỹ, từ tất tay, tất chân, thậm chí cả son phấn nếu là phụ nữ. Khi bị gọi dậy để chuẩn bị làm thủ tục thi hành án, họ tắm táp sạch sẽ và cẩn thận, nhưng có khi lại quên tất cả mọi thứ đã chuẩn bị. Lúc ấy ở trại bao giờ cũng chuẩn bị riêng cho từng người theo phong tục Á Đông.
Tôi nhớ có một phạm nhân nữ, hàng ngày đều trang điểm kỹ càng như thể chuẩn bị đi dự hội, đêm hôm đi thi thành án lại quên cả trang điểm và đồ dùng riêng của phụ nữ, chợt nhớ ra liền khẩn khoản nhờ quản giáo xuống buồng lấy hộ. Mọi người thông cảm và cho thực hiện vì phụ nữ kể cả chết đều muốn toàn thây và đẹp đẽ. Hôm đó, khi đến phút cuối cùng, từ trong khu vực thi hành án ngoài pháp trường, tự nhiên còn gọi ra: “Ban ơi (chỉ quản giáo), cháu quên son phấn rồi…”. Tôi nói bây giờ không vào được, bao giờ niệm Ban để vào quan tài, thế mà cô ta vẫn còn dặn với ra “đừng để nhầm của cháu vào quan tài của chị bên cạnh nhé”. Nghe vừa thương vừa có cái gì đó dâng lên ai oán cho kiếp làm người của chị ta.
Có một phạm nhân nữ khác, trong một lần tôi xuống kiểm tra buồng giam, cô ta hỏi: “Ban ơi, lúc cháu “đi” có đau không? Xin Ban đừng niệm cháu nằm sấp mặt”. Tôi bảo không bao giờ có chuyện đó, Ban trực tiếp chỉ đạo việc khâm niệm nhưng tại sao hỏi thế, cô ta nói nghe người ta nói vậy. Họ sợ niệm sấp mặt thì không siêu thoát và ngày cúng giỗ không về được. 3. Lúc rỗi, số phạm nhân tử hình thường bàn nhau rôm rả là khi chết xuống âm phủ làm nghề gì, nghe vậy cũng còn ham kiếm tiền lắm. Nào là mở quán café, sửa xe… đủ cả, ấy thế mà có người nói xuống đấy nếu có hàng trắng thì lại buôn. Thế mới tài, các cụ nói “chết không chừa” là phải.
Khi tôi về công tác ở Trại giam thì quá nửa số phạm nhân bị án tử hình do đơn vị công tác cũ điều tra bắt giữ, nên khi mới về kiểm tra khu giam đặc biệt này là họ đều biết tôi ngay và chào hỏi rối rít. Quá trình chuẩn bị cho hội đồng thi hành bản án, tôi bao giờ cũng là người cuối cùng vào động viên phạm nhân ăn uống, viết thư và hỏi xem có gì riêng tư dặn lại. Có một phạm nhân tên là B. nói với tôi: “Cháu giết người nên bị bắt, vào đây gặp Ban lại trông nom, cháu biết Ban ghét cháu, cháu “ra đi” chỉ biết cảm ơn các cán bộ và nhờ Ban chuyển thư đến tận gia đình cháu nhé...”.
Khi Trại mở lớp dạy văn hóa, anh em quản giáo buồng riêng báo cáo có một phạm nhân tử hình không biết chữ và đề nghị được dạy riêng cho N. Thế rồi khi lớp xóa mù chữ của trại kết thúc, N. là người tiến bộ nhất, chữ viết đẹp nhất được đưa ra ngoài lớp học để đọc bài cảm ơn của mình. Sau khi biết đọc biết viết, N. xin chúng tôi một quyển kinh sám hối. Tôi lên chùa và xin được một số quyển và cho N. Thấy vậy phạm nhân khác ở buồng bên ai cũng đòi xin. Vì số lượng ít nên nói với họ là tài sản chung. Từ khi họ có quyển kinh sám hối họ đọc chăm chỉ, còn đọc to cho nhau nghe, thậm chí còn giảng giải ý nghĩa từng đoạn. Ít nhiều họ cũng hiểu ra và đỡ quậy phá hơn, lành hơn, anh em quản giáo cũng đỡ khổ. Có điều đã nói là tài sản chung, nếu ai đi trước thì để lại cho người sau, nhưng khi họ phải ra đi đều khẩn khoản xin với Ban được mang theo và nhờ khi niệm thì đặt lên đầu cho họ.
Chuyện tâm linh ở đâu cũng có, những câu chuyện vừa kể ra có thể là những chiêm nghiệm của cá nhân, xin mọi người đừng suy luận. Chỉ biết rằng ở cõi xa xôi, góc khuất của con người cho dù họ là ai thì đều có những phút trải lòng mình. Họ là người bị kết án tử hình do tội lỗi họ đã gây ra, khi sống thì một nghìn lần đáng chết, nhưng khi họ chết thì lại là con người - con người nhỏ bé với chính số phận và kiếp trần ai của họ. Tôi tự hỏi không biết tôi có kể về tâm trạng lúc cuối của họ không…(!)
ĐỊA LAN
(Ghi theo lời kể của đồng chí TB) |