Khi điều tra viên hỏi: “Tại sao giết anh trai?” thì Tuyên nhất địnhkhông trả lời. Điều tra viên hỏi tiếp: “Đêm có ngủ được không?” thìTuyên thủng thẳng: “Thích thì ngủ, không thích thì thôi”!
| |
Nguyễn Văn Tuyên, sinh 1988, trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt. Người anh cả cũng như Tuyên đều mắc bệnh tâm thần và đang điều trị tập trung tại Trại tâm thần Vĩnh Bảo. Người anh thứ 2 tên là Nghĩa, được coi là “tỉnh” nhất nhà cũng mắc chứng tâm thần phân liệt và phải kiểm soát bằng thuốc suốt đời. Ở nhà hiện chỉ có Tuyên và Nghĩa sống cùng mẹ đẻ nhưng lúc nào Tuyên cũng hoang tưởng sợ bị Nghĩa giết!?
Bình thường cũng có lúc Nghĩa bỏ nhà đi lang thang vài ngày mới về nên gia đình cũng đã quen với chuyện đó. Hôm đấy, sau mấy ngày không thấy bóng Nghĩa đâu, người mẹ chợt giật mình gọi Tuyên vào hỏi: “Mày biết anh đi đâu không?”, Tuyên thản nhiên trả lời: “Đập chết ném xuống ao rồi!”. Nghĩ con bị tâm thần, người mẹ không tin. Nhưng vài ngày sau đó bà thấy xác Nghĩa nổi lên và đã bị phân hủy...
Khi cơ quan công an vớt xác Nghĩa và khám nghiệm tử thi Tuyên vẫn đi chơi nhà hàng xóm. Người nhà chạy đôn đáo tìm Tuyên về, đến nhà, Tuyên vẫn thong thả mở ti vi xem như chẳng có gì xảy ra. Khi điều tra viên hỏi: “Tại sao giết anh trai?” thì Tuyên nhất định không trả lời. Điều tra viên hỏi tiếp: “Đêm có ngủ được không?” thì Tuyên thủng thẳng: “Thích thì ngủ, không thích thì thôi”! Sau 5 tuần cơ quan giám định pháp y tâm thần theo dõi, điều trị thì thấy thỉnh thoảng Tuyên lại rú lên rồi dúm người lại và miệng luôn lẩm bẩm: “Anh Nghĩa đừng giết tôi...”.
Cuối cùng, cơ quan giám định đã kết luận: Tuyên mất khả năng nhận thức và không điều khiển được hành vi. Tuyên hành động theo bản năng do bị hoang tưởng ảo giác, rằng luôn nghĩ có người sẽ giết mình. Đến khi bệnh lý bột phát thì không còn ý thức và Tuyên đã bị sự hoang tưởng đó chi phối hành động. Với kết luận này, Nguyễn Văn Tuyên đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và phải điều trị bắt buộc tại Viện GĐPYTT Trung ương.
Còn vụ án Lại Thị Tình, chủ “siêu thị” ma túy ở An Đồng, An Dương lại là một trường hợp khác. Tình vốn có bệnh động kinh. Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh quốc tế lần 10 (ICD 10), động kinh là một bệnh tâm thần dạng muộn, chưa bị rối loạn nhân cách. Trong cơn co giật thần kinh, bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức trong vòng từ 2 - 5 phút. Tại thời điểm Tình gây án, cơ quan chức năng đã xác nhận: Tình không bị hạn chế khả năng nhận thức và mất điều khiển hành vi nên thị vẫn bị truy tố.
Có thể nói đây là 2 vụ án điển hình trong thời gian gần đây đã khiến các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Hải Phòng và các giám định viên pháp y tâm thần tốn rất nhiều công sức, bởi các đối tượng gây án là những người bị bệnh lý tâm thần. Nhưng, như chúng ta đã thấy ở trên, không phải người tâm thần nào cũng mất khả năng nhận thức và không điều khiển được hành vi. Khác với giám định y khoa thông thường, giám định pháp y là giám định hình sự và GĐPY TT là một loại giám định riêng, giám định người bệnh tâm thần có hành vi phạm tội. Vì vậy, công tác GĐPYTT có ý nghĩa vô cùng quan trọng và kết luận của cơ quan GĐPYTT sẽ là căn cứ để các cơ quan tố tụng, xét xử ra quyết định cuối cùng về vụ án, nó quyết định đến sinh mạng con người.
Thạc sỹ Đoàn Hồng Quang - Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Hải Phòng kiêm Phó giám đốc Trung tâm GĐPYTT - chia sẻ: “Đặc tính của bệnh tâm thần rất phức tạp, tiến triển lâu dài, khó chẩn đoán do không có định lượng tâm thần. Không như các bệnh nội, ngoại khoa có xét nghiệm, chụp, chiếu... để định bệnh tức thì, bệnh tâm thần chỉ được xác định chủ yếu qua hỏi, điều tra, tìm hiểu khách quan... Thế nên, mỗi giám định viên pháp y tâm thần không khác gì một cán bộ điều tra của lực lượng công an”.
Quả thật, đã có những trường hợp khi cơ quan chức năng trưng cầu giám định tâm thần và bàn giao đối tượng giám định tâm thần, các giám định viên phải chia nhau đi tìm hiểu tại tận địa phương, hiện trường rồi mới tiến hành tiếp cận đối tượng. Chưa hết, các trường hợp GĐPYTT phải ở phòng riêng biệt, có hệ thống giám sát bằng camera 24/24h và các giám định viên phải liên tục qua lại. Công tác GĐPY TT phải được tiến hành một cách khoa học, chính xác, khách quan theo hình thức giám định tập trung. Trung tâm GĐPYTT ra quyết định thành lập hội đồng giám định, cử các giám định viên trực tiếp theo dõi, thăm khám hàng ngày, sau đó, hội đồng tổ chức hội chẩn, tổng hợp ý kiến của các giám định viên và đưa ra kết luận thống nhất.
Khó và phức tạp như thế nên phải khẳng định GĐPYTT là một lĩnh vực nhạy cảm, và hậu quả của việc thiếu các yếu tố, phẩm chất trên của một giám định viên thì sẽ dẫn đến một xu hướng khác là sai lệch về chẩn đoán cũng như kết luận về người bệnh. Điều đó chắc chắn gây phức tạp và khó khăn cho quá trình điều tra cũng như xét xử. Đã có những vụ án, đối tượng cố tình làm “có bệnh” để được miễn truy cứu, hoặc được hưởng tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn không thoát bởi “cây gậy” GĐPYTT.
Nhân đây, nhắc lại vụ án Nguyễn Văn Tuyên, theo bác sỹ, cử nhân luật Nguyễn Văn Phương - Thường trực Trung tâm GĐPYTT Hải Phòng - thì với trường hợp của Tuyên, sau một khoảng thời gian, theo định kỳ, Viện GĐPYTT Trung ương sẽ giám định lại, nếu Tuyên trở lại bình thường thì việc phục hồi điều tra vụ án sẽ có thể vẫn diễn ra. Như vậy, không có gì là cứu cánh cho những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, cũng theo bác sỹ Phương, quy định pháp luật của Việt Nam cũng cho phép cơ quan có thẩm quyền đình chỉ vụ án để cho đối tượng đồng thời là người bệnh được điều trị vĩnh viễn. Trong trường hợp này, đối tượng coi như thoát. Nhưng trên thực tế, chưa có trường hợp nào như thế và các cơ quan chức năng vẫn phải theo dõi đối tượng để nhằm không bỏ lọt tội phạm cũng như gây oan sai.
Còn tại Trung tâm GĐPYTT Hải Phòng, năm 2009 đã thực hiện 30 trường hợp giám định hình sự và 10 tháng của năm 2010 vừa qua đã giám định 20 trường hợp, kết luận 16/20 trường hợp (trong đó, 8 trường hợp hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, 2 trường hợp đủ khả năng, 6 trường hợp mất khả năng). Với đội ngũ giám định viên có trình độ chuyên môn cao, 100% có trình độ trên đại học, có trách nhiệm, trung thực trong công việc nên trung tâm đã không để xảy ra sai sót trong công tác giám định, không có trường hợp nào tái giám định hoặc giám định bổ sung và không có đơn thư khiếu nại liên quan đên công tác GĐPYTT, góp phần cùng các cơ quan chức năng đảm bảo ANTT và ổn định xã hội.
THẠCH THẢO |