482 cơ sở y tế tại Hải Phòng tham gia Dự án PPM về phòng chống lao

    12:10 06/10/2022

    Sáng 6-10, tại hội trường Sở Y tế diễn ra hội nghị đánh giá hoạt động Dự án “Phối hợp y tế công – công, công - tư PPM Mô hình 5 tại Hải Phòng năm 2022”. TS.Phan Huy Thục, Phó Giám đốc thường trực Sở Y tế chủ trì hội nghị. Đây là chương trình do Sở Y tế phối hợp với Tổ chức Freundeskreis Fur Internationnale Tuberkulosehilfe E.V (FIT) và Chương trình chống lao quốc gia phối hợp với tổ chức.

    Từ năm 2017, Hải Phòng là 1 trong 6 tỉnh, thành phố được phê duyệt vào dự án ZERO TB CITY. Được sự quan tâm giúp đỡ của Dự án, Bệnh viện Phổi Hải Phòng đã tiến hành sàng lọc, phát hiện, quản lý điều trị các trường hợp lao tiến triển, lao tiềm ẩn và bệnh phổi tắc nghẽn cho đối tượng có nguy cơ cao.

    Quang cảnh Hội nghị

    Thông qua hoạt động của Dự án đã phát hiện đáng kể các trường hợp mắc lao đưa vào quản lý và điều trị. Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Chương trình chống lao Quốc gia đã có một chiến lược tiếp cận mới, can thiệp tích cực, toàn diện.

    Một trong những chiến lược đó là triển khai dự án PPM Mô hình 5 với sự phối hợp của toàn bộ hệ thống y tế công – công, công – tư đã được tiến hành và triển khai một cách tích cực, chủ động.

    TS. Phan Huy Thục, Phó Giám đốc thường trực Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị

    Hoạt động chính của dự án là mở rộng tiếp cận chuyển gửi người nghi lao từ các cơ sở y tế công và tư đi khám sàng lọc, chụp X-quang ngực và thực hiện xét nghiệm GeneXpert miễn phí cho đối tượng Xquang có tổn thương nghi lao, hỗ trợ bệnh nhân liên kết điều trị, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân báo cáo ca bệnh điều trị.

    So với 4 mô hình chống lao trước đây, dự án PPM Mô hình 5 đã cho thấy tính toàn diện và đạt hiệu quả tối ưu, giảm tối đa những rào cản không những cho người bệnh mà còn cả những cơ sở y tế ngoài chương trình chống lao có thể tiếp cận với chẩn đoán lao sớm nhất.

    Bà Đồng Thị Thu Thuỷ, Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức FIT tại Hải Phòng, phó Giám đốc chương trình trình bày báo cáo  hoạt động Dự án PPM mô hình 5 giai đoạn 2021 -2022 tại Hải Phòng

    Tại Hải Phòng, tính đến hết quý III/2022, dự án đã ký thỏa thuận hợp tác với 482 cơ sở bao gồm bệnh viện công – tư, phòng khám, phòng xét nghiệm, hiệu thuốc; tổ chức 293 buổi tập huấn dưới hình thức trực tiếp và online.

    Về hoạt động chuyển gửi chẩn đoán, phát hiện hơn 1.275 ca bệnh lao trong đó 1.105 ca bệnh đã đi vào điều trị (chiếm tỷ lệ 87%); hoạt động thông báo ca bệnh đã ghi nhận 471 ca bệnh lao điều trị từ các cơ sở y tế tư nhân.

    292 gói hỗ trợ Vitamin và 32 gói hỗ trợ dinh dưỡng hàng tháng đã được cung cấp cho bệnh nhân lao sau khi được phát hiện và thu dung điều trị.

    Dự án PPM đã đóng góp 50% tổng số ca phát hiện tại Hải Phòng, có thể nói đây là một đóng góp rất lớn của các cơ sở y tế công – tư ngoài mạng lưới chống lao Quốc gia trong việc chuyển gửi, chẩn đoán, phát hiện lao.

    Các đại biểu tham gia chương trình chia sẻ ý kiến thảo luận tại Hội nghị

    Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS. Phan Huy Thục, Phó Giám đốc thường trực Sở Y tế nhấn mạnh, Bệnh lao đang là mối nguy cơ của tất cả chúng ta – những người đang cùng chung sống trong một môi trường mà ở đó tỷ lệ người mắc bệnh lao còn khá cao.

    Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp là quốc gia có gánh nặng bệnh lao đứng thứ 14 trong 30 nước có số người mắc bệnh Lao cao nhất, đồng thời là nước đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao trên toàn cầu.

    Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 200 nghìn người mắc lao và 30 nghìn người chết do lao, trong khi đó chúng ta mới phát hiện và chữa khỏi bệnh được gần 60% số người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng.

    BS CKII Mạc Huy Tuấn, Giám đốc bệnh viện Phổi Hải Phòng phát biểu chia sẻ tại Hội nghị

    Thời gian vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chương trình Chống Lao Quốc gia, UBND thành phố, Sở Y tế; sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế, đặc biệt là tổ chức FIT, sự nỗ lực cố gắng của Bệnh viện Phổi, công tác phòng chống lao trên địa bàn thành phố đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

    Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên việc phát hiện và quản lý điều trị bệnh Lao/HIV còn gặp nhiều khó khăn, hơn 20% người bệnh nhiễm lao trong cộng đồng chưa được phát hiện.

    Đại diện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chia sẻ ý kiến thảo luận tại Hội nghị

    Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc còn cao, trang thiết bị thiếu thốn, kinh phí cho hoạt động chống lao còn hạn chế. Chính vì vậy, với mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhưng chúng ta quyết tâm thực hiện không những vì sức khỏe tính mạng con người mà còn vì sự phát triển ổn định kinh tế xã hội của đất nước và thành phố.

     Hội nghị cũng được nghe các ý kiến thảo luận từ các đơn vị tham dự chương trình về những vướng mắc trong việc tham gia dự án, nhu cầu của các đơn vị khi triển khai các hoạt động của dự án nhằm tăng cường phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao trên địa bàn thành phố, thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông