17:00 11/10/2014
Cách đây vừa tròn 60 năm, người Hà Nội tưng bừng trong rừng cờ hoa mừng vui chiến thắng, đón những người con trở về giải phóng thủ đô. Từ trái tim tổ quốc, tiếng hô “Việt Nam độc lập” vang vọng khắp non sông. Đối với Hải Phòng, dấu ấn ấy có ý nghĩa đặc biệt, bởi đất Cảng là nơi khởi lửa đầu tiên, cũng là điểm cuối cùng tiễn đưa những kẻ xâm lược rời khỏi miền Bắc. Từ Hải Phòng… Ngay sau ngày tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vận mệnh cách mạng có lúc tưởng “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình ấy, Hồ Chủ Tịch và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều giải pháp khôn khéo, bằng việc hòa hoãn với Pháp nhằm tránh một cuộc chiến tranh. Nhưng âm mưu của đế quốc Pháp ngày càng lộ rõ, chúng gây hấn ở Nam Bộ, rồi đưa quân ra phía Bắc, liên tục khiêu khích quân ta. Sáng 20-11-1946, quân Pháp kiếm cớ thu giữ một ca-nô chở xăng tại cảng Hải Phòng, ngang nhiên nổ súng vào lực lượng công an ta. Rồi chúng huy động một lực lượng lớn, có sự yểm trợ của xe bọc thép, tấn công rộng ra các địa bàn. Quân ta kiên trì đàm phán, nhưng phía Pháp tiếp tục leo thang… Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Khi phái đoàn Việt-Pháp từ Hà Nội xuống Hải Phòng…, cả thành phố sặc mùi thuốc súng. 7h sáng ngày 23-11, phía Pháp đưa tối hậu thư đòi quân ta rút khỏi một số điểm của thành phố, đòi tước vũ khí các đội tự vệ tại Lạc Viên…”. Không được đáp ứng, 9h45 ngày 23-11-1946, Pháp cho xe tăng, trọng pháo tiến công tàn bạo hơn, dùng máy bay đánh phá Kiến An. Các lực lượng cách mạng non trẻ tại Hải Phòng dựng những chiến lũy bằng giường, tủ, bàn ghế với những vũ khí thô sơ kiên cường giữ từng góc phố, khu nhà. Lịch sử luôn ghi nhớ những người con Hải Phòng quả cảm trong trận chiến khốc liệt tại Nhà hát Lớn, nơi 13 chiến sĩ do Trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã tiêu diệt được 50 lính Pháp, trước khi anh dũng hy sinh.
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết trong hồi ký: “Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự, mở đầu cho một quy mô mới của cuộc chiến tranh cướp nước của quân Pháp ra toàn miền Bắc…”. Đến “toàn quốc kháng chiến” Sau sự kiện Hải Phòng, quân Pháp lặp lại chiêu bài khiêu khích tại Hà Nội. Ngày 15-12-1946, Pháp nổ súng vào lực lượng công an của ta tại vườn hoa Hàng Đậu, ném lựu đạn làm bị thương 2 chiến sỹ Vệ quốc đoàn ở phố Hàm Long. Ngày 17-12, chúng cho xe bọc thép phá công sự của quân ta tại phố Lò Đúc, bắn chết bộ đội ta tại nhà máy điện Yên Phụ; đỉnh điểm là trận xả súng vào dân thường tại Hàng Bún khiến hàng chục người già và trẻ em bị thương vong. Bộ chỉ huy Pháp ra tối hậu thư: “Phải tước vũ khí của tự vệ Hà Nội…, trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố, chậm nhất là vào sáng 20-12-1946”. Một buổi tối mùa đông, Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Tiếng súng kháng chiến được ấn định vào 20h ngày 19-12-1946, Hà Nội chỉ có một đêm để chuyển sang tình trạng chiến tranh. Trong cuốn hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Bác hỏi tôi: Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu? Tôi đáp: Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng…”. Nhưng trước kẻ thù mạnh gấp bội phần, lời hiệu triệu của Bác Hồ có sức mạnh thần kỳ, quân và dân Thủ đô với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” đã cầm chân quân Pháp đúng hai tháng. Khúc tráng ca ngày về! Hà Nội 60 ngày đêm ghi dấu những tấm gươm sáng chói, có chiến sỹ như Lê Gia Định ôm bom cảm tử tại Bắc Bộ Phủ, có em nhỏ như Trương Công Lũy 7 tuổi đã ném lựu đạn giết 3 lính lê-dương… Họ đã viết nên những trang sử vàng mang hồn sông núi, khí giống nòi Việt Nam. Thư chúc tết của Bác Hồ xuân Đinh Hợi năm 1947 gửi tới đồng bào giữa tiếng đạn bom nổ ran khắp thủ đô: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông…”. 60 ngày đêm thử lửa, lực lượng vũ trang Hà Nội đã phát triển thành “Trung đoàn Thủ Đô”, mang trong mình lời thề quyết tử: “Ta thề thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”. Người Hà Nội không kể già hay trẻ, không kể đàn ông hay đàn bà, không kể đảng phái, tôn giáo, dân tộc… như lời dạy của Bác, ngược lên Việt Bắc, lạc quan trong khúc quân hành “Rồi ngày mai ta sẽ quay về đây, sông Hồng reo sóng đón mừng đoàn quân quay về, vang hát phố phường đỏ thắm say xuân mới, Hà Nội ơi!...”, tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tinh thần Hà Nội đã cùng cả dân tộc thắp sáng rừng hoa ban Tây Bắc, nở rộ trong chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Lời “thề thủ đô sẽ chiến thắng quân thù” đã thành hiện thực, ngày 10-10-1954, đoàn quân áo chân trần áo vải khi xưa trở về oai hùng trong cờ hoa chiến thắng. Gót giày quân viễn chinh Pháp lầm lũi rời Hà Nội, cuốn gói xuống Hải Phòng chờ ngày hồi quốc. Ngày 13-5-1955, đoàn quân chiến thắng tiến về từ các cửa ô tiến vào giải phóng thành phố Cảng, những người lính Pháp cuối cùng bước lên tàu từ bên Nghiêng, mang theo nỗi ô nhục hàng trăm năm không khuất phục được ý chí của dân tộc Việt Nam. Hải Phòng “đi trước, về sau”, nhưng những trang sử vàng luôn nối liền với Hà Nội. 60 năm đã trôi qua, từ trong đổ nát chứa đầy đau thương tang tóc của chiến tranh, sự gắn kết Hải Phòng-Hà Nội vẫn vẹn nguyên như lịch sử vốn thế. Hải Phòng vẫn “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”, với vai trò cửa ngõ đại dương, cùng Hà Nội, Quảng Ninh tạo thành vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, tiếp tục làm cho hai tiếng Việt Nam vang lên tự hào. |