16:16 10/11/2024 Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vị trí chiến lược và truyền thống cách mạng, Hải Phòng được tin tưởng, giao nhiệm vụ cùng với các địa phương: Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định đưa một số lượng không nhỏ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam và con em của họ tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.
Ngày 21/7/1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Trung - Nam - Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.
Lời khẳng định của Chỉ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong bối cảnh đất nước vừa tạm yên tiếng súng và ngổn ngang công việc phải làm. Trong đó, việc chuyển quân và tập kết ra Bắc được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thậm chí là sự định hướng mang tính chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để rồi, quá trình chuyển quân, tập kết của cán bộ, bộ đội, đồng bào, học sinh miền Nam ra Bắc, còn gắn liền với nhiều khung cảnh, nhiều câu chuyện đầy xúc động và ấm áp tình người.
Chiến tranh chấm dứt, Nhân dân được trở lại cuộc sống hòa bình, nhưng đây lại là “cái tang” lớn của địch. Chúng coi đây là “ngày quốc hận” và ra lệnh cho tất cả công sở ở vùng chúng kiểm soát treo cờ rủ 3 ngày. Trong khi đó, khắp nơi từ Cà Mau đến Vĩ tuyến 17, hàng triệu lượt quần chúng đã tham dự các cuộc mít tinh, hội thảo mừng hòa bình, liên hoan văn nghệ, chiếu phim, xem văn công biểu diễn...
Sau ngày ngừng bắn, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu V tổ chức hai cuộc mít tinh lớn ở Gò Su (Quảng Ngãi) và sân bay Phù Cát (Bình Định). Các cuộc mít tinh có bộ đội diễu binh, đông đảo Nhân dân diễu hành, phát huy khí thế chiến thắng, động viên quyết tâm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ở các vùng giải phóng cũ Nam bộ, vùng tự do Liên khu V, hàng vạn người tập trung liên hoan, có nơi kéo dài hai, ba ngày. Nhiều ngả đường tràn ngập cờ đỏ sao vàng, cờ xanh hòa bình, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng muốn gặp nhau để trò chuyện, nói cho nhau nghe nỗi niềm vui mừng và những băn khoăn trong lòng khi phải chia tay người thân đi tập kết cùng những khó khăn trên bước đường đấu tranh sắp tới. Họ tha thiết dặn dò người ra đi an tâm làm nhiệm vụ, người ở lại quyết tâm đấu tranh để sau hai năm gặp lại nhau trong ngày Bắc - Nam thống nhất.
Ở các tỉnh, đều diễn ra các cuộc mít tinh, liên hoan chia tay giữa quân với dân. Hàng vạn đồng bào các vùng căn cứ, vùng bị tạm chiếm, vùng đối phương mới tiếp quản, nô nức về dự mít tinh. Nhiều bà mẹ, người vợ, người yêu suốt mấy năm không gặp mặt người thân, nay vượt qua đồn bốt địch để ra vùng tự do tìm gặp nhau.
Rồi sau đó, họ lại lưu luyến chia tay, kẻ xuống tàu ra Bắc, người ở lại quê nhà tiếp tục đấu tranh, hứa hẹn gặp lại nhau ngày thống nhất nước nhà.
Vùng Trị - Thiên, nơi địa đầu tiếp giáp miền Bắc, theo hiệp định, hai tỉnh bàn giao lại ngay cho đối phương quản lý và chuyển quân tập kết sớm nhất. Ngày 18/8, tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Phước Môn, có trên 6.000 người dự để tạm biệt, tiễn con em của quê hương lên đường tập kết.
Lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên tổ chức thành Trung đoàn 269. Ngày 26/8, Trung đoàn đã chỉnh tề đội ngũ hành quân ra Bắc. Tại khu vực tập kết 80 ngày ở miền Đông Nam bộ, các Tiểu đoàn chủ lực 300, 303, 306 của các tỉnh Bà Chợ, Thủ Biên, Gia Định và Sài Gòn cùng với bộ đội địa phương các huyện tổ chức thành hai trung đoàn hành quân bộ và cơ giới ra bến Hàm Tân, Xuyên Mộc.
Ở khu vực tập kết 100 ngày, các tiểu đoàn chủ lực 302, 304, 309, 311, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở miền Đông Campuchia, rút về nước, cùng với bộ đội địa phương Long Châu Sa, Mỹ Tho hành quân về Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười.
Bộ đội hành quân có lúc phải băng qua vùng tạm chiếm cũ, có đơn vị phải qua thành phố đầy lính quân đội Sài Gòn, lính Pháp. Bất chấp sự ngăn cản của đối phương, đồng bào vẫn đổ ra đường hoan hô và tiễn chân bộ đội. Đặc biệt, những ngày cuối cùng của việc chuyển quân, mặc dù địch kiểm soát chặt chẽ, nhưng không ngày nào không có người dân từ vùng địch kiểm soát ra thăm. Có người từ cực Nam ra Quy Nhơn, có người từ Sài Gòn xuống Cà Mau.
Thấy bộ đội không nhận quà bánh, các má, các chị đã để lại vọng gác rồi về. Họ tiễn đưa và tặng nhau kỷ vật là quyển sổ tay, chiếc huy hiệu, tấm khăn... để nhắc nhở nhau làm tròn nhiệm vụ. Có chị bán hàng vải đến phút cuối cùng xé ngay tấm lụa hồng ký tên vào, rồi mọi người xúm nhau ký tên không còn một chỗ trống. Một bà má ôm bộ đội hôn rồi tặng một cây cờ: “Đây cờ đấu tranh/ Con giữ bên mình/ Thấy cờ con nhớ học hành/ Thấy cờ con nhớ mối tình Bắc - Nam”.
Đặc biệt, trong ngày chuyển quân cuối cùng của Nam Bộ, Nhân dân Cà Mau đã gửi bộ đội nắm đất ở mũi xa nhất của miền Nam, mang ra dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dặn dò: “Con ra thưa với Bác Hồ/ Đất này chỉ cắm một cờ vàng sao”!
Ngày 16/5/1955, chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ, chiến sĩ miền Nam rời cảng Quy Nhơn ra Bắc. Công cuộc chuyển quân tập kết, sắp xếp lực lượng của ta ở lại miền Nam đã hoàn thành thắng lợi. Khoảng 12 vạn bộ đội, cán bộ các ngành ở miền Nam tập kết ra Bắc, đem theo 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc, khí tài và 236 xe ô tô các loại.
Đây là lực lượng rất quý của đồng bào miền Nam gửi ra Bắc, để tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức và năng lực, góp công, góp sức xây dựng miền Bắc vững mạnh làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Cùng với việc chỉ đạo chuyển quân tập kết, sắp xếp lực lượng ở miền Nam, thì ngoài miền Bắc, Đảng và Nhà nước cũng tập trung chỉ đạo đấu tranh với địch, tiếp quản vùng mới và chuẩn bị các điều kiện để đón đồng bào, chiến sĩ tập kết. Cũng từ đây, nhiều câu chuyện thấm đẫm lòng nhân ái của đồng bào miền Bắc dành cho những người con tập kết, đã trở thành minh chứng sinh động cho câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
VŨ DUYÊN
13:22 22/11/2024
16:04 21/11/2024
22:36 20/11/2024