17:00 12/02/2016
Đã 6 năm rồi, người dân xóm chài Máy Chai (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) không còn phải sống lênh đênh trên những chiếc thuyền nan. Trên bãi sông hoang vu ngày nào nay đã mọc lên những nếp nhà, dù đơn sơ nhưng cũng đủ vững chãi để chống chọi với mưa bão. Những người lính công an đường thủy năm ấy đã dày công đưa bà con lên bờ, thì nay lại trở thành những người láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau với họ... Hành trình đổi đời Tìm đến căn nhà nhỏ của anh Vũ Văn Hậu ở xóm chài Máy Chai vào những ngày cuối năm thấy không khí tràn ngập niềm vui. Dường như cả gia đình anh Hậu đang háo hức chờ đón cái tết đầu tiên trong căn nhà vừa mới được dựng lên. Anh Hậu cho biết, có được như thế này là nhờ sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của các chú công an đường thủy. Từ khi ở dưới sông lên, gia đình anh Hậu được chia một khoảnh đất nhưng cũng chỉ có thể cắm cọc, che mấy tấm cót ép lên ở tạm. Phải mất mấy năm sau, nhờ các chú công an đường thủy góp sức hỗ trợ ngày công lao động mới dựng lên được căn nhà chắc chắn. Ngày gia đình anh Hậu chuyển lên nhà mới cũng là ngày đông đủ bà con chòm xóm cùng những người lính công an đường thủy đến góp mặt chung vui. Trong niềm hân hoan, những người dân xóm chài không khỏi bồi hồi nhớ lại hành trình từ dưới sông lên bờ của mình. Họ là những người dân tứ xứ, từ các vùng ngoại thành Hải Phòng và các địa phương khác như: Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Nhiều người do đã bỏ quê đi nhiều năm nên đến nay không còn nhớ chính xác gốc gác, quê quán ở đâu. Sông nước nơi cửa biển này mặc nhiên đã là quê hương thứ hai của gần 100 con người. Họ sống bằng đủ nghề, từ chài lưới, nhặt ve chai trên sông, mò sắt vụn, rồi buôn bán con cá, mớ rau, chai nước ngọt, làm thuê cho chủ tàu cá… Họ được lực lượng Cảnh sát đường thủy (Công an thành phố Hải Phòng) cùng Bộ đội biên phòng đưa về khu Được sự quan tâm của công an và nhà hảo tâm, trẻ em xóm chài đều được đến trường Và cho đến khi chiếc cầu tạm được làm bằng những cây cọc tre vớt trên sông, vắt vẻo, chòng chành nhưng cũng khiến những cư dân xóm chài khấp khởi bởi như được gần bờ hơn. Niềm vui như vỡ òa khi cuối năm 2012, chiếc cầu “khỉ” đã được thay bằng một con đường đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ. Con đường được xem như công trình của tình đoàn kết giữa cán bộ chiến sỹ Cảnh sát đường thủy cùng các nhà hảo tâm và người dân xóm chài Máy Chai. Gắn bó với bà con từ khi còn trên sông cho đến nay, trung tá Ngô Minh Tuệ, Phân đội trưởng Phân đội 2 (Phòng Cảnh sát đường thủy) cho biết, sau 3 năm vận động bà con, từ việc di chuyển rải rác trên sông, hành nghề tự do, 24 hộ dân xóm chài đều đã “an cư” để “lập nghiệp”. Cũng theo trung tá Ngô Minh Tuệ, bãi sình lầy ven sông được đổ đất, chia khu cho các hộ dân để dựng nhà. Điều kiện sống được cải thiện hơn rất nhiều so với trước kia trên thuyền, hệ thống nước sinh hoạt đã được cấp cho từng nhà, hệ thống điện cũng được mua lại từ các nhà máy, hộ dân xung quanh. Dù là tạm nhưng họ cũng thấy an tâm khi để con cái ở trên bờ, rồi tiếp tục bươn chải kiếm sống. Nhiều gia đình còn thuyền thì tiếp tục nghề chài lưới, buôn bán trên sông, nhà nào không còn thuyền thì đi phụ tàu cá, rửa bát thuê, làm công nhân… Theo chân các chiến sỹ cảnh sát đường thủy đến thăm mấy nhà trong xóm. Trong ngôi nhà khang trang, sáng sủa vừa mới được sửa lại, bà Vũ Thị Mai không giấu được niềm hạnh phúc cho biết, những tưởng cuộc sống của mình sẽ suốt đời lênh đênh, vạ vật nơi bờ sông, bãi sú. Sợ nhất những ngày mưa bão, gió to, nước lên, cả nhà chui trong thuyền lo bất cứ lúc nào cũng có thể bị lật. Vì thế, khi được vận động… lên bờ, gia đình bà lên ngay. Bà Mai cũng khoe với chúng tôi, sửa lại căn nhà cũng là để chuẩn bị cho cậu con trai lấy vợ. Còn ở ngôi nhà kế bên, bà Trần Thị Nghiêm thì vẫn ngỡ như mình đang trong một giấc mơ khi ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà và các con cháu lại được an cư trên bờ như thế. “Không nhờ các bác ở đường thủy nhân đạo bố trí tập trung về đây, chúng tôi cũng chả bao giờ được ở như thế này. Được các bác giúp đỡ mọi mặt, cuộc sống của chúng tôi đỡ hơn nhiều rồi, sung sướng quá…” - bà Nghiêm nói. Còn đó những nỗi trăn trở Hành trình đưa bà con ngư dân từ dưới sông lên bờ là cả một quá trình vật lộn với biết bao khó khăn. Trung tá Ngô Minh Tuệ cho biết, đầu tiên là phải thuyết phục được chính quyền và người dân địa phương. Bởi lẽ dân chài là người dân tứ xứ tụ về, công ăn việc làm không ổn định, sinh đẻ không kế hoạch, nhà nào cũng 4 đến 5 con, thành phần phức tạp, trộm cắp cũng có… Xong rồi lại phải thuyết phục, động viên chính những bà con ngư dân để họ hiểu rằng không phải bị “bắt” vào một chỗ là không được kiếm sống mà việc di chuyển tự do trên sông, neo đậu không đúng nơi quy định sẽ gặp nguy hiểm.
Và như thể là cái duyên với người dân vạn chài, nơi bà con ngư dân “an cư” nằm ngay sát nách trụ sở của Phân đội 2 Cảnh sát đường thủy. Không chỉ là “tình làng, nghĩa xóm”, những cảnh sát đường thủy còn phải có “trách nhiệm” chăm lo đời sống của bà con nơi đây. Rồi là hành trình đem con chữ cho trẻ em xóm chài cũng chẳng kém phần gian nan. Khi mới lên bờ, nhiều cháu 9, 10 tuổi trông nhỏ bé như lên 5, lên 6 không biết đọc, biết viết. Các anh cảnh sát đường thủy phải tổ chức cho các em đi học ở những lớp tình thương hoặc các lớp “đặc biệt” của trường. Thầy cô giáo cũng rất khó để giáo dục các em như những đứa trẻ bình thường khác, bởi chúng không biết tại sao phải đi học, hay học để làm gì. Nhiều cháu chỉ ngồi được một lúc là chúng chạy nhảy, phá phách. Bố mẹ chúng cũng không quan tâm con cái mình có đi học hay không, có trường hợp con học lớp mấy bố mẹ không hay biết. Trong khi đó hầu hết các cháu đi học hoàn cảnh đều khó khăn, vì giấy tờ xác minh không có nên lực lượng cảnh sát đường thủy lại phải đứng ra bảo lãnh để các cháu được miễn giảm học phí.
Khó khăn là vậy nhưng điều ghi nhận là đến nay nhiều bậc làm cha, làm mẹ ở xóm chài Máy Chai cũng ý thức hơn về việc học tập của con cái. Nếu như trước đây, cán bộ địa phương phải xuống tận nhà động viên các cháu đến tuổi tới các lớp học tình thương thì nay, vất vả kiếm ăn từng ngày là vậy nhưng vẫn có hộ dành ra hai, ba chục nghìn đồng một ngày để trả tiền xe ôm đưa con đến trường. Xóm chài Máy Chai như chộn rộn hơn khi có hai em là Nguyễn Thị Đào và Phùng Thị Thúy Nga đỗ đại học, Trường ĐH kỹ thuật công nghiệp Sao Đỏ và ĐH Hàng hải. Những ngôi nhà xóm chài hôm nay tuy chỉ được dựng lên từ những mảnh tôn cũ kỹ nhưng nhà nào nhà nấy đã có tivi, bàn ghế, giường ngủ đàng hoàng, họ không còn phải bấp bênh theo dòng nước như năm xưa nữa. Sáu năm là một hành trình không dài nhưng cũng đủ để thay đổi cuộc đời của gần 100 người ở xóm chài này. Những đứa trẻ trong màu áo đồng phục mới tinh tan học trở về chạy tung tăng trên con đường bê tông chạy dài dọc xóm, một hình ảnh mà mới chỉ vài năm trước thôi, những cư dân ở đây không dám nghĩ đến. Trần Văn |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão