08:04 03/12/2017 Hiện nay sức khỏe người dân đang bị đe dọa bởi ăn gì cũng có nguy cơ nhiễm độc.
Thực phẩm bẩn đang tràn lan thị trường. Người nội trợ lúng túng, bất an nhưng vẫn phải mua và sử dụng. Bởi, không ăn thì chết ngay mà ăn thì chết từ từ. Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa - chưa bao giờ ngắn đến thế!
Formol - một chất cấm, thuộc nhóm gây ung thư được sử dụng trong sản xuất bánh phở. Mỳ chính Trung Quốc được biến thành Miwon, Vedan. Thịt lợn siêu nạc, bị bơm nước, tiêm thuốc an thần, mỡ bẩn, nội tạng động vật để hàng năm trong kho, bốc mùi hôi thối được tẩy trắng, tuồn ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Các loại trái cây bày biện đẹp mắt, căng mọng, dán mác hàng ngoại nhập với giá khủng. Ai dám bảo đảm những loại hoa quả ấy không hề được ngâm tẩm hóa chất? Trong khi một quả táo, để cả tháng vẫn tươi ngon. Đó là chưa kể các loại rau với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao đang được bày bán trên thị trường…
Đó chính là một phần của bức tranh thực phẩm hiện nay, trong đó, số nhiễm “bẩn” tràn lan. Song hành cùng với đó là số người mắc và chết vì ung thư hàng năm tăng lên nhanh chóng mà nguyên nhân bắt nguồn từ thực phẩm chiếm số cao. Tình trạng lạm dụng hóa chất, các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất chế, biến thực phẩm đang đẩy đại bộ phận người tiêu dùng thấy nản, nghi ngờ. Trong khi cơ quan quản lý dường như vẫn ở thế “lực bất tòng tâm”.
Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nam Định phối hợp với các phòng nghiệp vụ kiểm tra, phát hiện xe tải chở nội tạng động vật
đang phân hủy đi tiêu thụ
Do thói quen và kinh tế hạn chế, đại bộ phận người dân vẫn giữ thói quen mua hàng tại chợ, của người bán rong. Đây là nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, độ an toàn chỉ dựa trên cam kết “miệng” của người bán. Người tiêu dùng đành nhắm mắt bỏ tiền mua sự bất an, sợ hãi, không biết mình đang ăn cái gì vào người. Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Mỹ Xá, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) cho biết: “Bây giờ đi chợ, mua gì cũng sợ bẩn, sợ nhiễm độc. Chả nhẽ lại chỉ cho chồng, con ăn trứng gà ở quê gửi ra”. Còn bà Nguyễn Thị Quyên (phường Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) lại bảo: “Nhiều lần, nhìn mớ rau xanh non quá mà không dám mua, sợ có thuốc kích thích. Thịt lợn nhìn đỏ, nạc quá cũng không dám ăn”.
Tâm trạng của chị Phượng, bà Quyên cũng là tâm lý chung của bao người nội trợ. Để hạn chế việc phải sử dụng thực phẩm bẩn, nhiều gia đình thành thị đã và đang tận dụng ban công, tầng thượng, khoảnh sân nhỏ trồng rau, nuôi gà... Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ diện tích trồng rau, chăn nuôi, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm sạch, họ vẫn phải mua đồ ăn ngoài chợ.
Ai kinh tế khá thì lựa chọn mua thực phẩm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng rau sạch, tạo sự an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình. Nhưng thực tế chứng minh, dù bỏ số tiền lớn so với giá chợ, chưa chắc người tiêu dùng đã mua được hàng chất lượng như mong muốn. Bởi sự pha tạp là hoàn toàn có. Hơn nữa, tờ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Cái đủ lại dựa trên lương tâm người làm ra thực phẩm.
Khổ nhất vẫn là người nghèo.Dường như người có thu nhập thấp không có cơ hội lựa chọn trong bão giá. Tiền chi tiêu hàng tháng đang còn phải đau đầu để khỏi thâm hụt chứ đừng nói tới chuyện kỳ công đi tìm đồ ăn an toàn.
Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nam Định kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh hải sản bơm bột agar vào tôm sú đông lạnh
Có một thực tế là, hiện nay, có không ít những tư thương chỉ vì nguồn lợi trước mắt đã bỏ qua những quy định của pháp luật, tìm cách tuồn thịt thối, rau tắm thuốc trừ sâu cùng nhiều loại thực phẩm bẩn khác vào tiêu thụ. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là một chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu với các sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng. Tiếp theo là khâu chế biến sản phẩm, sử dụng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm không nguồn gốc. Khâu kinh doanh dịch vụ thực phẩm phổ biến nhất là hàng lậu, hàng thải loại, không rõ nguồn gốc, điều kiện bảo quản không đảm bảo. Cuối cùng là khâu kinh doanh dịch vụ ăn uống. Để cả chuỗi quy trình này đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng.
Nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cũng thường xuyên chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh phải luôn luôn tập trung đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nhất là vào dịp tết trung thu và tết Nguyên đán âm lịch. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nam Định thường xuyên lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành y tế, Chi cục thú y, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp thường xuyên thực hiện trinh sát, kiểm tra, nắm tình hình, ngăn chặn được rất nhiều vụ vi phạm. 10 năm qua, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nam Định đã phát hiện, xử lý 13,5 tấn mỳ chính Trung Quốc nhập lậu, 17,5 tấn sứa biển, 8,9 tấn sản phẩm động vật; 7,7 tấn gia cầm chưa qua kiểm dịch… Mới đây nhất, đơn vị phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Định kiểm tra, phát hiện một hộ kinh doanh hải sản tại phường Cửa Bắc, TP Nam Định có 80 kg tôm sú đông lạnh đã được bơm bột rau câu để tăng trọng lượng.
Đã có rất nhiều các cơ quan, ban ngành, người dân nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn. Song cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết. Người tiêu dùng thì luôn nhận được khuyến cáo: hãy lựa chọn mua thực phẩm sạch ở những nơi uy tín, đáng tin cậy. Mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có đóng gói, nhãn mác, tem của cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiểm tra độ tươi sống của thực phẩm. Trong quá trình chế biến, nếu thấy có những gì bất an thì chúng ta phải phối hợp với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng, cơ quan quản lý nhà nước để tìm ra những chất có hại và ngăn chặn nó.
Vậy nhưng, thực tế là, dù bạn có là người tiêu dùng thông thái hay là người có kiến thức uyên thâm về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cũng khó có thể biết mình đang đứng ở chỗ nào trong ma trận thực phẩm “bẩn”. Chỉ biết cầu mong vào lòng “hảo tâm” và lương tri của người làm ra nguồn thực phẩm ấy. Mà họ, thì biết ở đâu mà tìm...Vậy nên, người tiêu dùng vẫn đang bị ám ảnh với cụm từ: “Bệnh từ miệng mà vào”.
BÍCH MẬN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão