Anh đã mãi mãi ra đi vào lòng đất mẹ

20:12 19/07/2014

 

Vào 7h50 sáng 7-7, chiếc máy bay trực thăng Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371, trong lúc bay huấn luyện gặp sự cố đã bốc cháy và rơi tại địa bàn thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chuyến bay định mệnh đã khiến 18 chiến sỹ hy sinh trên vùng trời tổ quốc, để lại bao nỗi xót thương, đau đớn cho thân nhân. Trong đó, hoàn cảnh của gia đình thiếu úy Lê Việt Hùng, sinh 1992, ở thôn Quan Bồ, xã Cấp Tiến, Tiên Lãng, đang gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng xã hội…

Nguyện ước dang dở của người con hiếu thảo

Vụ tai nạn máy bay xảy ra đã tròn nửa tháng nhưng không khí tang thương, đau xót vẫn còn bủa vây căn nhà nhỏ của liệt sỹ Lê Việt Hùng. Vợ chồng ông Lê Văn Chiến, sinh 1966 và bà Lương Thị Cán, sinh 1968, cha mẹ của liệt sỹ Hùng, vẫn không thể tin sự thật nghiệt ngã đó đã cướp đi đứa con trai ngoan hiền, hiếu thảo mà ông bà đặt nhiều kỳ vọng nhất. Từ hôm nghe tin con gặp nạn, bà Cán như đứt từng khúc ruột, ngất lên ngất xuống. Những lúc tỉnh, bà lại gào khóc gọi tên con đến cạn dòng nước mắt. Nỗi đau đớn của người mẹ mất con làm những người xung quanh không khỏi bùi ngùi, thương xót.

Di ảnh liệt sỹ Hùng chụp tại Trường sỹ quan không quân
Di ảnh liệt sỹ Hùng chụp tại Trường sỹ quan không quân

Bà Cán chia sẻ: “Hùng là con trai lớn của gia đình, dưới Hùng còn cô em gái đang học lớp 6. Từ nhỏ đến khi học THPT, năm nào Hùng cũng là học sinh tiên tiến, có năm đạt học sinh giỏi: “Em nó ngoan lắm, không bao giờ đua đòi hay chơi bời những trò không tốt…”.

Năm 2010, tốt nghiệp THPT, Hùng thi và đỗ vào Trường Sĩ quan không quân, học ở Nha Trang. Vì gia đình khó khăn, mẹ làm hộ sinh tại Trung tâm y tế huyện Tiên Lãng, bố ở nhà quanh năm sản xuất nông nghiệp, bố mẹ lại thường xuyên đau ốm nên ước mơ của Hùng là vào học trường quân đội để có thể đỡ đần cha mẹ một khoản học phí. Khi ước mơ thi đậu đại học trở thành hiện thực, Hùng học hành chăm chỉ, với ao ước sau này ra trường sẽ nuôi em ăn học thành người và có điều kiện báo hiếu bố mẹ.

 “Những lần được về phép, bọn trẻ con hàng xóm lại reo lên: “A, anh Hùng về!”. Vì Hùng quý trẻ con lắm nên về nhà lần nào là mua bánh, kẹo phân phát quà cho chúng nó. Hùng sống tình cảm nên người thân, đồng đội, bạn bè, ai ai cũng yêu quý vì tính nó hài hước, phóng khoáng. Ai ngờ đâu số phận nghiệt ngã quá” - ông Chiến đau đớn thốt lên.

Hùng đang theo học lớp phi công K39 thì đến đầu năm nay được nhà trường cắt cử ra thực tập tại Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn tại Gia Lâm (Hà Nội) cho đến khi gặp nạn. Trong suốt thời gian học, mỗi năm Hùng chỉ về nhà hai đợt là hè và tết âm lịch, nhưng cũng có năm phải ở lại trực không được về. Lần nào về em cũng chấp hành quy định của đơn vị là không đi xe gắn máy, không chơi bời, rượu chè… “Tối 6-7, trước khi xảy ra tai nạn, cháu còn gọi điện động viên mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe và xin tiền tôi để nạp thẻ điện thoại. Tôi bảo “Mẹ nạp tạm cho 50.000 đồng, hôm nào có khuyến mại mẹ sẽ nạp thêm”. Thế mà ai ngờ cháu đã không bao giờ còn được về với bố mẹ nữa…” - bà Cán chua xót.

Lau vội những giọt nước mắt, mẹ Hùng nhớ lại khoảnh khắc nhận được tin đứa con trai duy nhất đã hy sinh. Nỗi bàng hoàng, chua xót dường như vẫn chẳng thể biến mất trên gương mặt khắc khổ của người mẹ: “Sáng 7-7, khi nhận tin máy bay rơi ở Hòa Lạc, tôi lo lắng quá, tìm mọi cách gọi điện, liên lạc với con nhưng không thấy bắt máy. Tôi vội chạy về nhà bảo bố cháu gọi lại cũng không được. Lát sau, người của đơn vị gọi điện về báo cháu đã hy sinh. Thật đau đớn quá, tôi không còn đứng vững nữa…”.

Ông Chiến tỏ ra cứng rắn hơn vợ, cho dù đôi mắt người cha vẫn không thể che giấu nỗi buồn sâu lắng. Ông trầm ngâm: “Ước mơ của Hùng từ lâu được cống hiến, phục vụ lâu dài trong môi trường quân đội. Biết cháu học nhảy dù, vợ tôi lo lắng, cứ khóc suốt, nhưng tôi thì ngược lại, luôn động viên con tập trung học hành. Tôi còn dặn cháu, nếu có sự cố gì xảy ra thì con phải nghĩ đó là mình hi sinh cho tổ quốc, không có gì phải sợ cả. Những lời động viên tinh thần của tôi đã giúp cháu cứng rắn và yên tâm học tập và huấn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi lần nhảy dù xong, cháu đều gọi điện về thông báo để bố mẹ yên tâm...”.

Sau khi con trai cùng đồng đội gặp nạn trên chiếc máy bay xấu số, tối hôm đó, người của đơn vị đã về nhà để đón ông Chiến và một số anh em lên Hà Nội lấy mẫu xác định AND, nhận người. Được tận mặt nhìn thi hài con trai cùng đồng đội, nước mắt người cha lại tuôn rơi. Vụ tai nạn kinh hoàng khiến cơ thể con ông và đồng đội bị biến dạng. Nhưng rất may ông đã nhận được con trai qua sợi dây chuyền bạc đeo trên cổ. Kết quả giám định AND đã trùng khớp với nhận dạng ban đầu của ông.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn

Được biết gia đình Hùng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông ngoại của Hùng cũng là liệt sĩ trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, hy sinh trong chiến trường miền Nam năm 1971, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bà ngoại Hùng là thân nhân liệt sĩ, được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình nghĩa nên cả gia đình mới có nhà ở. Rồi đến năm 2008, bà ngoại mất. Song, nỗi khó khăn, cơ cực cứ bám riết lấy vợ chồng ông Chiến. Sau khi Hùng đi học được thời gian ngắn, khoảng tháng 10-2010, ông Chiến phát bệnh tiểu đường, người gầy sọp, sức khỏe suy giảm.

Vợ chồng ông Chiến bên bàn thờ liệt sỹ Hùng
Vợ chồng ông Chiến bên bàn thờ liệt sỹ Hùng

Tai họa lại bất ngờ đổ ập xuống gia đình vào cuối năm 2011, bà Cán thấy trong người mệt mỏi kéo dài, đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh. Rồi khi lên Bệnh viện K- Hà Nội, bà bàng hoàng khi nhận được kết quả ung thư cổ tử cung. Rồi đến năm 2012, bà Cán mổ cắt tử cung, đến nay thể trạng vẫn đau yếu. Cũng từ đó, bà thường xuyên phải nhập viện để trị xạ. Nhà nghèo không có tiền điều trị, ông Chiến phải đi vay mượn, chạy vạy khắp nơi, hiện riêng số nợ ngân hàng đã lên đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cả nhà không cho Hùng biết, vì ông bà sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của con. 

“Một lần về phép, tình cờ Hùng đọc được những tờ hóa đơn trả tiền lãi ngân hàng, Hùng vẫn lạc quan và  bảo: “Thôi bố mẹ cứ yên tâm chữa bệnh, sau này con ra trường, con sẽ có lương, dành tiền để bố mẹ trả ngân hàng. Nghe con nói vậy, vợ chồng tôi cũng mát lòng mát dạ. Nhưng bây giờ, em nó ra đi đột ngột thế này, vợ chồng tôi biết trông cậy vào ai…” - bà Cán khóc nức nở.

Thời gian trong quân ngũ, do điều kiện công tác, học tập nên một năm Hùng được về thăm gia đình hai lần. “Năm 2011, trong thời gian học tập, huấn luyện tại đơn vị trong Nha Trang, chẳng may cháu bị con quay văng vào đầu, bị thương, phải khâu 10 mũi. Nhưng vì chúng tôi nghèo, không có điều kiện vào thăm con, đành phó thác cả cho đơn vị chăm sóc. Tết đó cháu về nhà, đầu cạo trắng với vết sẹo dài, tôi đã không cầm được nước mắt vì thương con…” - bà Cán cho biết.

“Trong cuốn sổ tang, trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đã viết: “Sự hy sinh cao cả của đồng chí Lê Việt Hùng là tổn thất to lớn của quân đội nói chung và Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng ghi nhận những công lao đóng góp của đồng chí trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đơn vị những năm qua…”.

Sau khi được Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy điệu cùng 17 chiến sỹ, sỹ quan đã hy sinh, lúc 15h chiều 12-7, thiếu úy Lê Việt Hùng đã về với đất mẹ thân yêu và được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Cấp Tiến. Buổi tiễn đưa liệt sỹ Hùng về nơi an nghỉ cuối cùng có đông đảo đồng đội, chính quyền địa phương, bạn bè và người thân. Không ai cầm được nước mắt trước sự ra đi cũng một người con ngoan hiền và hiếu thảo…

Ghi nhận những công lao đóng góp trong công tác huấn luyện chiến đấu vì sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ tổ quốc, liệt sỹ Lê Việt Hùng được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng 3; Ban chấp hành Trung ương Đoàn truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Hải Ninh 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông