Áp dụng các biện pháp kỹ thuật ổn định sản xuất sau bão số 10

20:56 16/09/2017

Để nhanh chóng giúp bà con nông dân khắc phục ảnh hưởng của bão số 10, ổn định tình hình sản xuất sau bão, Sở NN&PTNT vừa có văn bản về việc thực hiện một số biện pháp kỹ thuật ổn định sản xuất nông nghiệp, thủy sản sau bão.

Khẩn trương làm khô chuồng trại

Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện/quận tăng cường chỉ đạo phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế, UBND các xã/phường/thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Sở tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Đối với lĩnh vực trồng trọt: Tập trung tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng, nhất là diện tích bãi ngoài đê, vùng trũng thấp.

Cụ thể, đối với lúa cần điều chỉnh mực nước đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp, vệ sinh ruộng lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp tốt; tiếp tục chăm sóc, theo dõi tình hình sinh vật gây hại để kịp thời phun trừ có hiệu quả; đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 để phun trừ đợt 2 khi mật độ cao.

Đối với các loại cây rau màu phải khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị ảnh hưởng nặng; vệ sinh đồng ruộng, chăm bón bổ sung. Những diện tích rau màu bị thiệt hại phải triển khai gieo trồng lại ngay các giống ngắn ngày, tiếp tục gieo trồng hoa màu vụ Đông sớm.

Khẩn trương khắc phục sự cố các công trình thủy lợi

Đối với cây ăn quả cần cắt tỉa những lá, cành bị gãy, hỏng do bão gây ra; cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây. Đối với diện tích chuối bị gãy đổ cần chặt bỏ, đào gốc, trồng bổ sung diện tích thiệt hại.

Trong chăn nuôi cần kiểm tra lại toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, hệ thống cấp thoát nước, kho thức ăn; phát hiện, thu gom xác gia súc, gia cầm chết để tiêu hủy theo quy định; sửa chữa chuồng trại, nhà kho, thiết bị chăn nuôi bị hỏng. Trường hợp thức ăn chăn nuôi bị ướt cần tách riêng, xử lý ngay.

Tổng vệ sinh toàn bộ chuồng trại, khu chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, thiết bị, tiêu độc môi trường khu chăn nuôi... Quản lý tốt đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý những con ốm, yếu. Đối với những đàn vật nuôi phải sơ tán, khẩn trương sửa chữa lại chuồng trại đến khi chuồng trại khô ráo, vận chuyển vật nuôi trở lại chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi đàn vật nuôi ổn định phải tổ chức tiêm phòng...

Trong lĩnh vực thủy sản, đối với ao, đầm nuôi cần xả nước bề mặt, tăng cường rải vôi xung quanh bờ ao, dùng nước vôi hòa tan tạt khắp bề mặt ao để cân bằng môi trường ao nuôi. Tại các bãi nuôi nhuyễn thể cần kiểm tra, gia cố, tu sửa hệ thống đăng chắn, san thưa đều ngao tại các vị trí bị sóng đánh dồn cục bộ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi các yếu tố môi trường, sức khỏe thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản cần tăng cường công tác quản lý tàu khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản; tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển; chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết, ngư trường để có kế hoạch sản xuất an toàn, hiệu quả.

Khẩn trương sửa chữa, khắc phục thiệt hại các công trình đê điều, thủy lợi, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, dân sinh, kinh tế thành phố.

KC 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông