Khác với những lần gặp trước, Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng Phòng CSHS CATP trước mắt chúng tôi thật giản dị trong trang phục áo phông, quần soóc tại một điểm giải khát ở vùng ngoại ô. “Từ mùa Covid-19 đến giờ hôm nay mới thư giãn được đôi chút cùng gia. Cũng chỉ dám ở ven ven đây thôi, có gì đơn vị ới là chạy về” - Ông cười mộc mạc giãi bày.
Ngót 40 năm tuổi quân, từ ngày khoác trên mình bộ cảnh phục, dường như lúc nào Đại tá Thắng cũng canh cánh bên mình nỗi lo với công việc. Ngay cả lần gặp gỡ này, hàn huyên một hồi ông lại hồi tưởng cái ngày mình mới ra trường rồi vào nghề. Ngày ấy, xây dựng gia đình trong điều kiện kinh tế khó khăn, vợ ông tần tảo bán rau ngoài chợ, còn ông cứ tối đi làm về lại xoay đủ thứ nghề như gánh gạch thuê, xẻ gỗ đóng dát giường, bốc vác, thậm chí kéo ba-gác… Rồi những năm tháng làm văn thư, tổng hợp ở Phòng An ninh điều tra, ông “gánh” đủ thứ việc, như đánh máy, lái xe, thủ kho, anh nuôi. Có điều làm bất cứ việc gì, Đại tá Thắng cũng không nản mà luôn để tâm nghiên cứu cách thức, thủ pháp, từ đó rút kinh nghiệm để làm cho tốt. Ví dụ, chỉ là chuyện chia thịt ngày tết thời bao cấp cho CBCS đơn vị thôi, cả phòng được một con lợn hơi, “anh nuôi” Thắng đã rèn cho mình khi giơ dao lên thì chặt vừa đúng 1 cân thịt đủ tiêu chuẩn mỗi người. Hay chuyện pha trà phải lấy nước mưa, tráng ấm chén thế nào để thủ trưởng vừa uống vừa xuýt xoa khen ngon. Nướng mực - thứ đồ nhắm xa xỉ không dễ kiếm của thời bao cấp để mọi người liên hoan uống bia phải biết giữ đủ cả râu khiến không ai nghi ngờ là mình đã “nhắm” trước rồi đổ vạ “râu bị cháy”. Rồi chuyện ông “học lỏm” các bài nghiệp vụ tuyệt chiêu, trong đó có bài “Đối chất” giờ đã ít nhiều mai một của các bậc “gạo cội” cao lão trong nghề điều tra như Đại tá Lê Anh Thư, Đại tá Vũ Bá Dư… Đến giờ, Đại tá Thắng vẫn nói với đồng đội, ông rất cám ơn những ngày xưa ấy và những con người nổi tiếng ấy. Khi va vào thực tế mới thấy những cái việc thủa mới vào nghề trở nên hữu dụng thế nào, bởi kiến thức hình sự là biển cả và rất tổng hợp với muôn sắc màu của cuộc sống đời thường.
Đỗ Minh Trí, sinh 1980, ở khu Trà Khê 2, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh do nợ nần vì cờ bạc và bao gái biết gia đình anh T.N.T giàu có, bản thân lại đi làm ăn xa, mẹ mới chết đầu năm 2017. Sau khi người quá cố được thiêu đem an táng tại nghĩa trang phường Anh Dũng, Trí nảy ý đồ trộm cắp tro cốt nhằm đòi tiền chuộc (2,5 tỷ đồng). Bị bắt, biết mọi sự đã bại lộ, Trí tỏ ra ngoan cố, lì lợm, bất cần sự đời dù các điều tra viên đã dụng đủ các chiêu. Đại tá Thắng vào gặp Trí, hắn nhận tội và khai giấu tro cốt cách nghĩa trang 500 mét. Biết là hắn nói láo vì trinh sát đã chà đi sát lại khu vực trên với bán kính cả cây số mà vẫn không thấy, ông đã “điểm huyệt” tên tội phạm bằng những hiểu biết của mình. Do bố tên tội phạm làm thầy pháp, chỉ có những gia đình làm nghề này mới dám đưa tro cốt người chết về nhà. Câu hỏi được đặt ra: “Có đúng trên nóc nhà anh có 12 bát hương không?”. Kẻ đốn mạt không ngờ Công an biết tường tận “củ tỷ” những điều sâu kín trong gia đình, đồng thời những lời khuyên nhủ của Đại tá Thắng về cái đạo lý làm người đã tác động mạnh đến tư tưởng của Trí và hắn đã khai báo nơi cất giấu tro cốt mẹ anh T. trên trần nhà của gia đình.
Phải làm tốt việc nhỏ mới làm được việc lớn, đó là cách Đại tá Thắng rèn giũa cánh lính trẻ trong đơn vị. Một trong những người lĩnh hội được khá nhiều ý kiến chỉ đạo của ông chính là Thượng úy Lê Anh Tùng-Phó Đội trưởng Đội án tuyến và là con trai lớn Đại tá Thắng. Được thừa hưởng những tố chất từ bố, song quan trọng hơn từ lâu Thượng úy Tùng đã có duyên đặc biệt với nghề trinh sát hình sự, cái nghề của những hình ảnh đẹp về người chiến sỹ cảnh sát quả cảm, can trường và cả nhiều gian nan vất vả, vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc nhân dân. Nối nghiệp bố, cùng một niềm đam mê cháy bỏng với bầu nhiệt huyết sục sôi, anh luôn mang hết khả năng, sức lực, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp cao cả. Trước mỗi nhiệm vụ được phân công, Thượng úy Tùng bỏ nhiều công sức nghiên cứu để tìm ra phương án hữu hiệu nhất.
Vụ Nguyễn Đức Phi (tức Phi “râu”), sinh 1984, ở Phương Lưu, quận Hải An, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân đã ra tay hạ sát mẹ nuôi rồi bỏ trốn là một ví dụ. Bị bắt từ Vũng Tàu về, Phi biết án mình rất “nặng” nên quyết không khai báo. Tìm hiểu được biết, khi bố mẹ Phi yêu nhau, bên nhà ngoại từ mặt không nhận con rể. Còn khi mẹ có thai hắn, lại bị bố bỏ rơi. Hai mẹ con đều bị bên nội, bên ngoại hắt hủi, bị đẩy ra đường vất vưởng sống nuôi nhau, Thượng úy Tùng đã tìm ra “yếu huyệt” của Phi chính là rất thương và lo cho mẹ. Việc lớn trong cuộc “đấu” với Phi lúc này là phải mở cho hắn một con đường thoát khỏi bế tắc trong suy nghĩ. Sau khi nghe báo cáo, Đại tá Thắng bằng cái ân cái uy đã cam đoan lo toan cho mẹ Phi có một cuộc sống ổn định. Lúc đó, hắn mới khai nhận mọi hành vi phạm tội.
Thượng úy Lê Anh Tùng nêu phương án trinh sát với tổ công tác
TRE GIÀ MONG CÓ NHIỀU MĂNG MỌC
Là Anh hùng LLVT nhân dân, suốt quá trình rèn luyện, công tác, chiến đấu, Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng Phòng CSHS - CATP Hải Phòng là tấm gương sáng về sự bền bỉ cống hiến với phẩm chất mưu lược, dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ, kiên cường đấu tranh với các loại tội phạm. Trước “cái bóng” của bố, để khẳng định được mình đối với Thượng úy Lê Anh Tùng không phải dễ.
Nói về con trai, Đại tá Thắng cho biết: Tùng tốt nghiệp khoa kinh tế một trường đại học, có kiến thức, có phương pháp làm việc. Cũng như những lính trẻ khác, ngày đầu đi trinh sát, thu được rất nhiều tin nhưng trong đó có những tin… không phải tin Công an cần và chưa được qua kiểm chứng. Trước thực tiễn có phức tạp hơn so với kiến thức được học ở trường, làm nhiều rồi quen, biết chọn lọc, Tùng đã từng bước vượt qua những thử thách ban đầu bằng việc miệt mài, không ngừng tự bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ. Anh học hỏi kinh nghiệm từ đồng đội, từ những người đi trước; học nhiều kỹ năng tổng hợp nắm, nhất là nắm bắt nhanh những phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm, đồng thời tự rút những bài học từ các vụ án mình trực tiếp tham gia. Cũng không hiếm lần ham đuổi trộm, bắt cướp mà gánh thương tích; những đêm trắng đi thu thập chứng cứ, dấu vết tội phạm, rồi vây ráp các sới bạc; đấu trí với những tên buôn súng xảo quyệt, tinh quái…
Đại tá Thắng để con “va đập”, từng bước trưởng thành trong thực tiễn công việc của một trinh sát hình sự. Ông có ý buộc Tùng tự thân phấn đấu để hoàn thiện mình. Vả lại, lứa tuổi của Lê Anh Tùng hôm nay đã có điều kiện khác với thế hệ của những người lính hình sự khi xưa. Trước Đại tá Thắng khổ luyện, kiên trì trong môi trường khắc nghiệt, có thời gian 6 tháng trời ăn bờ ngủ bụi dưới chân cầu Quay, đêm hôm bám chặt nhóm cướp “Tay lái thành đô” mới có ngày trưởng thành. Còn lứa Thượng úy Tùng cũng nhiều gian nan, vất vả song lợi thế ở kiến thức, phương tiện làm việc... Ví như Dự án xây dựng nhà máy ô-tô Vinfast ở huyện Cát Hải, Đội án tuyến của Tùng phải cắt cử 1 tổ công tác 6 người thực hiện “3 cùng” với cơ sở, mượn 1 vỏ container làm chỗ “chui ra, chui vào”, ăn ở ngoài đó để những phức tạp như dẹp các ổ nhóm “xã hội” tranh giành thầu cọc bê-tông và các hạng mục công trình, tranh nhau thu gom phế liệu… Tình hình ANTT tại đó đã được bảo đảm tốt cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động, ra “mẻ” sản phẩm đầu tiên.
Còn một lẽ khác, con trai khi đã trưởng thành, là một người đồng đội của bố cũng chẳng mấy khi cha con ngồi nói chuyện, tâm tình được với nhau. Nên mới có tích truyền lại, võ sư dù giỏi mấy cũng không dạy được võ cho con phải nhờ bạn là vậy. Theo Đại tá Thắng, giống như đào tạo một người thợ tay nghề bậc cao, ông rất muốn để cho Tùng hoàn thiện đầy đủ nền tảng cần thiết để có thể tiếp thu được kiến thức bài bản của nghề hình sự. Có lẽ Thượng úy Tùng hiểu rất rõ về bố. Ông luôn thông qua giải quyết các chuyên án, vụ án để tổ chức rút kinh nghiệm, phân tích những yếu tố dẫn đến thành công, các mặt còn hạn chế tồn tại… để mỗi trinh sát trong đó có anh tiếp tục hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, hạn chế thấp nhất thương vong trong những tình huống nguy hiểm.
Cháy bỏng lòng yêu nghề, đam mê và hết mình vì nhiệm vụ, với cương vị là "thủ lĩnh" của lực lượng Cảnh sát hình sự thời điểm này, Đại tá Lê Hồng Thắng đang dành rất nhiều thời gian, tâm huyết xây dựng các bài giáo án về kỹ năng thực hành để tổ chức phổ biến đến CBCS; lấy công tác nghiệp vụ cơ bản làm cốt lõi cho anh em. Đại tá Thắng cho biết, từ tâm huyết, tri thức trong sách vở và thực tiễn nhiều năm, ông sẽ rút ruột, đúc kết ra những “cẩm nang” về nghề Cảnh sát hình sự. Hiện tại có những cuốn giáo trình nghiệp vụ hàng trăm trang, nhiều mục, nhiều tiểu tiết và biết bao gạch đầu dòng, không phải đọc xong, học xong trinh sát nào cũng có thể chuyển hóa được vào thực tiễn công tác. Từ lý luận đến thực tế, Đại tá Thắng đang cô lại thành các sơ đồ-biểu đồ chỉ trong một trang giấy, mặt sau là những gạch đầu dòng chỉ dẫn, dễ thuộc dễ nhớ ví dụ như mô hình thi đua “Ba tâm-ba bám”, ông đã từng đúc rút triển khai thành phong trào trong toàn lực lượng, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho anh em. Đơn cử cách nhận biết đối tượng cướp giật tài sản trên đường (cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, các phương thức thủ đoạn…), cách xử trí để bắt gọn đối tượng. Sau khi thử nghiệm có kết quả, những “cẩm nang” ấy được tổ chức hội thảo, tiếp thu các ý kiến để bổ sung cho hoàn chỉnh; được tập huấn và phổ cập để mỗi người lính hình sự ở xã, phường khi giải quyết (bước đầu) các vụ trọng án cũng không bị lúng túng.
Đại tá Lê Hồng Thắng khá say sưa chuyện nghề với bao ý định ấp ủ, chỉ mong sao tre già sẽ lại nhiều măng mọc, mong nhiều CBCS của lực lượng được đón nhận đầy đủ những kiến thức, kỹ năng của người lính hình sự cùng “ngọn lửa nghề” nhiệt huyết của ông, trong đó có Thượng úy Lê Anh Tùng. Trong ráng đỏ buổi chiều tà, chúng tôi thấy ánh mắt ông rực sáng niềm say mê khát vọng mãnh liệt về một tương lai không xa, lực lượng Công an Hải Phòng nói chung, Cảnh sát hình sự nói riêng vững vàng tiến lên chính quy, hiện đại, để người dân thành phố Cảng được thụ hưởng một nền ANTT tốt nhất.
THẾ KHOA