Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố: Bàn biện pháp chống dịch tả lợn Châu Phi

11:19 18/03/2019

Sáng 15-3, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố tổ chức hội nghị bàn biện pháp chống dịch tả lợn Châu Phi. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đình Chuyến dự, chỉ đạo hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đình Chuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trên phạm vi cả nước, tính từ ngày 1-2 đến 14-3, dịch tả lợn Châu Phi đã phát sinh tại 223 xã, thuộc 54 huyện, trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 24 nghìn con.

Tại Hải Phòng, hiện có tổng đàn lợn là 412.058 con. Dịch bệnh phát sinh từ ngày 22-2 tại thôn 12, xã Chính Mỹ, Thủy Nguyên đến ngày 14-3 đã lan rộng ra  409 hộ, ở 104 thôn, thuộc 37 xã, phường, trên địa bàn 6 quận, huyện. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy chiếm 6.050 con, trọng lượng 331.671 kg.

Riêng ngày 14-3, dịch phát sinh thêm tại 37 hộ, ở 22 thôn, thuộc 9 xã, trên địa bàn 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 583 con, trọng lượng đạt trên 41.390 kg.

Theo thống kê, nhân định của cơ quan chức năng, dịch tả lợn Châu Phi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh kém. Cụ thể, qua điều tra dịch tễ, 40% số hộ phát sinh dịch bệnh tại các địa phương có sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, bếp ăn tập thể để chăn nuôi lợn.

Đặc biệt, tại thôn A2, xã Kênh Giang, Thủy Nguyên có đàn lợn của 2 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh dịch do ăn thức ăn thừa từ các bếp ăn tập thể gây ra.

Ngoài ra, tình trạng vận chuyển lợn bán chạy từ vùng dịch vào Hải Phòng giết mổ, tiêu thụ và nguồn nước, phương tiện vận chuyển cám đến các hộ chăn nuôi cũng là những nguồn tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của TW, Thành phố, các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Hiện, thành phố đã tiếp nhận, cung ứng 10 tấn hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương có dịch; Cty CP Thuốc thú y TW Navetco hỗ trợ 1 tấn hóa chất cho thành phố để kịp thời phục vụ công tác chống dịch, khống chế, ngăn chặn dịch phát sinh ra diện rộng.

Ngoài ta, thành phố đã đầu tư kinh phí, cung ứng 20.000 lít hóa chất triển khai tháng tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc, phòng chống dịch; hỗ trợ cho 6 hộ chăn nuôi có lợn tiêu hủy do dịch với số tiền là 140,752 triệu đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau bàn giải pháp chống dịch, từ khâu kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; khâu giết mổ; lấy mẫu xét nghiệm, xử lý lợn mắc bệnh đến giám sát, điều tra ổ dịch...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đình Chuyến đề nghị thời gian tới: Các thành viên trong Ban chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc các địa phương.

Sở NN&PTNT trực tiếp nắm lại các trang trại lớn, nhắc nhở các chủ trang trại nâng cao tinh thần cảnh giác; chủ động tổ chức 1, 2 lần khử trùng tiêu độc trên toàn thành phố, nhất là khu vực nông thôn (từ nay đến hết tháng 3).

Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chốt, trạm kiểm soát hoạt động hiệu quả; kiểm tra các ổ dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống; rà soát lại kế hoạch của thành phố xem đến thời điểm này còn phù hợp, cần điều chỉnh hay không?

Tăng cường chỉ đạo về mặt chuyên môn, trong đó chú trọng phòng chống dịch bằng phương pháp an toàn sinh học, tăng cường rắc vôi bột xung quanh ổ dịch.

Huy động toàn lực lượng tham gia vào công tác phòng chống dịch. Phối hợp với Sở Tài Chính khẩn trương tham mưu cho thành phố mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ dân có lợn buộc phải tiêu hủy do mắc dịch.

Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra VSATTP tại các khu giết mổ.

Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra VSATTP đối với các sản phẩm thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn tại các siêu thị, cửa hàng.

CATP chỉ đạo lực lượng tham gia trực chốt tại các trạm, chốt kiếm soát; tăng cường nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở TN&MT tổ chức các đoàn kiểm tra tại các khu chôn lấp lợn dịch đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người.

Các địa phương có dịch tăng cường hơn nữa công tác phun thuốc, khử trùng, rắc vôi bột. Các địa phương chưa có dịch thành lập ngay các chốt ra vào xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự phòng chống dịch tới từng hộ chăn nuôi... Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về kết quả công tác phòng chống dịch.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích