Ban đại diện cha mẹ học sinh: Tồn tại hay không tồn tại?

    11:07 28/09/2017

    Đầu năm học mới này, nhân rộ lên chuyện nên để hay “giải quyết” phắt đi các hội phụ huynh học sinh tại các cấp học phổ thông hiện nay, bạn tôi - ông ngoại của một cô cháu gái kháu khỉnh đang là “sinh viên” lớp 5 ở một trường tiểu học nội thành như thể nhai phải gừng: “Nên thôi đi được rồi! Nhiêu khê lắm! Cái hội này từ lâu đã biến thành hội… “phụ thu” chứ trên thực tế chẳg có được tác động gì cho sự học hành của lũ trẻ cả!”.

    Câu nói bột phát, “vô tình như thường lệ” của bạn tôi ngay lập tức “chạm nọc” hiền thê đang ngồi cộng trừ, tính toán gì đó bên cửa sổ. Rất từ từ, bà ngoại của cháu hạ đôi mục kỉnh xuống: “Ông nói vậy là sao?” Tôi đang đương kim là thành viên hội phụ huynh lớp con Khoai, ông định phế truất tôi hả? Còn lâu! Mọi việc vẫn diễn ra… bình thường như mọi năm. Tồn tại hay không tồn tại không phải việc của ông. Đã có ngành giáo dục lo…?

    Cũng may có khách nên “cuộc chiến” tạm dừng ở đó. Song bạn tôi, người đóng thế Hăm-lét trong chuyện này xem ra vẫn bức xúc lắm. Còn người chứng kiến màn “đấu khẩu” thêm một lần nữa để giật mình: Đây quả đang là vấn đề khá phức tạp. Ngay cả trong một gia đình nhỏ, quan điểm đã rất trái chiều, nói chi tới những hiệu ứng của nó trong một dư luận xã hội rộng lớn.

    Dẫu vậy, việc gì cũng có nguồn cơn của nó. Và, nỗi bức xúc của ông ngoại bé Khoai cũng như của rất nhiều các bậc phụ huynh khác chẳng phải ngoại lệ mà xuất phát từ những điều có thật - như các tiền nhân xưa thường nói: “Có lửa mới có khói”.

    Ấy là vấn nạn lạm thu thông qua các hội phụ huynh, có tên gọi chính thống theo Thông tư 55 Bộ Giáo dục - Đào tạo là “Ban đại diện cha mẹ học sinh” nay đã trở thành phổ biến đến nỗi Thứ trưởng Bộ này, bà Nguyễn Thị Nghĩa khi trả lời báo chí đã phải đau xót thừa nhận đó đang là một “biến tướng rất không nên”…

    Câu chuyện trên đã được tác giả bài báo trao đổi với một số phụ huynh vừa “nỗ lực” hoàn thành các khoản đóng góp đầu năm cho con của mình. Một cuộc “khảo sát nho nhỏ, kiểu mi-ni không thể phản ánh hết toàn cục nhưng cũng đủ cho thấy, phản ứng của dư luận trước những việc “không nên làm” (theo đúng nguyên văn cụm từ của Thứ trưởng Nghĩa) tại nhiều “Ban đại diện cha mẹ học sinh” hiện nay là hoàn toàn có căn cứ và cần phải chấm dứt ngay việc lạm thu từ tổ chức này.

    Thậm chí, có ý kiến còn rất gay gắt: Nếu không được điều chỉnh, cải tổ lại hoạt động thì nên “tạm dừng” sự tồn tại của các “Ban đại diện” làm trái chức năng, nhiệm vụ của mình. Đừng để đó trở thành nỗi phiền toái của chính cha mẹ các cháu học sinh.

    Không nhiều, nhưng lại cũng có phụ huynh đề cập tới vấn đề khá nhạy cảm. Đó là nên xem lại cấu trúc thành phần của các “Ban đại diện” - nhất là tại các lớp chọn, trường “điểm”. Câu hỏi được họ đặt ra là: Liệu có hay không chỉ những người có tiềm lực kinh tế, có chút vị trí trong xã hội, có con cháu được “ưu ái” đôi chút nay muốn “tri ân” lại thường được nhà trường nhắm vào các chức danh trên?

    Liệu những người đó trong điều kiện kinh tế khá giả có thực sự thấu hiểu, chia sẻ hết được với những gia đình cuộc sống đang còn cực kỳ khó khăn, đồng lương eo hẹp, phải góp những khoản phí lớn vượt quá khả năng của họ? Rồi nữa là hiện tượng “Ban” nào cũng muốn… hoành tráng, có thành tích vượt trội các “Ban” khác trong lĩnh vực thu chi giống như một cuộc thi không chính thức trong khi vai trò là chiếc cầu nối, phối hợp giữa các gia đình chăm lo cho sự học của trẻ lại lỏng lẻo, không mấy hiệu quả. Vân vân và vân vân…

    Một nữ đồng nghiệp của tôi đặc trách theo dõi khối Giáo dục - Đào tạo khi được hỏi, cho biết: Thực ra, chuyện “biến tướng”, lệch lạc trong hoạt động của nhiều Ban đại diên cha mẹ học sinh trên đây đã âm ỉ từ khá lâu, nay chỉ như giọt nước tràn ly mặc dù không phải Ban đại diện nào cũng như vậy.

    Điều đáng nói ở đây là các đơn vị chủ quản dường như phản ứng khá chậm chạp, thiếu dứt khoát. Đơn cử, tại nhiều địa phương trong cả nước, hàng loạt cuộc thanh tra chuyên ngành tại các Ban đại diện cha mẹ học sinh đã được thực hiện.

    Kết quả là, tất cả các Ban đều “hoạt động tốt”, không phát hiện có sai phạm gì lớn trong khi dư luận các bậc phụ huynh thì vẫn cứ bức xúc với hàng loạt khoản thu “tự nguyện” khiến họ méo cả mặt. Ở một góc độ khác - vẫn theo quan điểm của phóng viên này, chính các bậc phụ huynh cũng đã lại “tự làm khó cho mình” bởi sự thụ động, e dè, ngại va chạm, không dám bày tỏ chính kiến trước những việc làm được xem là không đúng của những người đại diện cho mình.

    Bao trùm trong các cuộc họp phụ huynh là tâm lý lo ngại con em mình bị trù úm nếu đưa ra những ý kiến trái chiều. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ lụy “lạm thu” như hiện nay…

    Được biết, trước sự “nóng” lên của dư luận xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã bắt đầu có những động thái nhằm chấn chỉnh hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh. Mới đây nhất, ngày 22-9, trả lời cơ quan truyền thông, Thứ trưởng của Bộ - bà Nguyễn Thị Nghĩa đã khẳng định, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang xem xét hủy bỏ các quy định tại Điều 10 Thông tư 55 cho phép các Ban đại diện cha mẹ học sinh thu kinh phí “từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và người tài trợ hợp pháp khác…”. Đại diện lãnh đạo của Bộ cũng thống nhất quan điểm chỉ nên quy định tại Điều 10 một khoản thu duy nhất - đó là “hội phí”.

    Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự quan tâm rất lớn của các bậc phụ huynh. Nhìn chung, nhiều người đều cho rằng, nếu triển khai sớm được chủ trương này, cái nút thắt “lạm thu” từ  Ban đại diện cha mẹ học sinh xem như đã được mở. Và cùng với đó, bao nỗi dằn vặt chất chứa, tích tụ từ bài toán “tồn tại hay không tồn tại” cũng sẽ nhanh chóng được hóa giải.

    Xin một lần nhắc lại, người dân đang rất mong chờ.

    Mai Chi

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông