Việc bầu Kiên của Hà Nội ACB làm chấn động lễ tổng kết mùa giải 2011 củaVFF bằng những phát biểu lật ngửa nhiều vấn đề nổi cộm như trọng tài, cách điều hành giải cũng như sự trì trệ của VFF trong xử lý các tình huống… đã làm xấu đi mối quan hệ và lòng nhiệt huyết của các doanh nghiệp với bóng đá.
| Bóng đá cần những người dám nói thẳng như bầu Kiên |
Trước hiện thực được phơi bày dưới góc nhìn của bầu Kiên, đương nhiên có khía cạnh đúng và chưa đúng nhưng VFF lại phản ứng bằng lập luận yếu ớt, bao biện và né tránh. Bầu Kiên nhắc tới việc các CLB doanh nghiệp sẽ lập một giải đấu riêng để thể hiện sự bức xúc đến tột độ của mình. Tuy nhiên, khó có khả năng một giải đấu độc lập ra đời nhưng khi doanh nghiệp không còn thiết tha với bóng đá thì đó là một dấu hiệu nguy hiểm đối với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Nếu không có sự góp mặt của những doanh nghiệp thì bóng đá Việt Nam không thể có những vụ chuyển nhượng đình đám như Denilson gia nhập XM. Hải Phòng, Kiatisuk đến với HAGL hay những khoản đầu tư khổng lồ vào bóng đá của các ông bầu… Chính những khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp đã làm thay đổi diện mạo của bóng đá Việt Nam bằng những thương vụ ghép tên cả ở giải đấu và CLB. Chất lượng chuyên môn của giải được nâng cao bởi nhiều cầu thủ tốt gia nhập các đội bóng cũng như đời sống của các cầu thủ được cải thiện rõ rệt với những khoản lương, thưởng khổng lồ.
VFF cũng có nguồn tài chính dồi dào do doanh nghiệp tài trợ để tổ chức giải đấu một cách quy mô, hoành tráng hơn. Khó có thể tìm thấy một giải đấu nào trong hệ thống của VFF mà lại không có dấu ấn từ doanh nghiệp. Thế nhưng mối lương duyên doanh nghiệp - bóng đá từ nhiều năm nay đã xuất hiện tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Chính vì vậy, khi bầu Kiên tuyên bố ý tưởng tổ chức một giải đấu riêng và sau đó nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp như: bầu Đức (HAGL), bầu Trường (V. Ninh Bình)… thì VFF buộc phải xem lại chính mình trước khi trách các ông bầu quá “phũ miệng” khi công khai chỉ trích những yếu kém của BTC. Các doanh nghiệp khi quyết định gắn duyên cùng bóng đá, họ xác định đây là sàn diễn để giới thiệu, quảng bá thương hiệu của mình cũng như thỏa mãn lòng đam mê, tình yêu với trái bóng tròn.
Tuy nhiên, VFF điều hành giải đấu với bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả đã không tạo ra được sự công bằng cho sân chơi khốc liệt này. Với những phản ứng chậm chạp, bảo thủ và có phần bao che, né tránh trách nhiệm khiến cho các doanh nghiệp đổ tiền vào làm bóng đá cảm thấy bị đối xử bất công. Họ phản ứng lại là điều đương nhiên bởi không ai bỏ tiền tỷ ra để mua lấy sự bức xúc và ức chế.
Mối lương duyên doanh nghiệp và bóng đá đang có nguy cơ rạn vỡ. Nếu điều này xảy ra thì các giải bóng đá của Việt Nam sẽ trở về điểm xuất phát bởi các CLB rất dễ tan rã khi không dựa vào hầu bao của doanh nghiệp và VFF khó kiếm được kinh phí tổ chức các giải đấu bởi chủ trương của nhà nước là xã hội hóa thể thao. Đó là một tín hiệu báo động để VFF cải thiện lại cách điều hành các giải đấu cũng như cần dũng cảm hơn khi đối mặt với những vấn đề gai góc và tế nhị của bóng đá. Có như vậy, các doanh nghiệp mới có động lực để cống hiến công sức, tiền bạc giúp bóng đá Việt Nam vươn lên một tầm cao mới.
PHAN ANH |