11:50 13/02/2024 Đúng vào những ngày cận kề của Xuân Giáp Thìn, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình chị Lưu Thị Vân (phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn) khi chị đang tất bật với nhiệm vụ gói bánh chưng cho cả hai bên nội ngoại. Chị chia sẻ, bánh chưng xanh ngày Tết thì cả nước gói. Nhưng bánh chưng Đồ Sơn thì có những yêu cầu rất khắt khe, âu cũng là đặc điểm riêng của vùng miền. Dù không đặt ra quy ước, quy chuẩn nào cụ thể nhưng bánh phải đạt yêu cầu thơm ngon, đẹp. Như lời chị Vân, “nguyên tắc” đầu tiên là phải cẩn thận ngay từ khâu chọn thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh đến lá gói bánh.
Trước hết, gạo gói bánh chưng của Đồ Sơn phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt tròn, thơm, dẻo, trắng đều. Thêm nữa, trước khi gói bánh cần ngâm rồi vo sạch gạo để loại bỏ các tạp chất.
Đặc biệt, để bánh có màu xanh cốm đẹp mắt đặc trưng, gia đình nào cũng “nhuộm” gạo 3 lần với nước cốt lá riềng xay thật đặc; lại phải là lá riềng làng Ngọc được lựa chọn kỹ càng, sau đó được xóc đều với chút muối trắng Bàng La để tạo vị đậm đà.
Cùng với đó, lá dong được nhập từ vùng đồi Bắc Giang và được phân làm ba loại: lá to dùng làm lá áo, lá nhỡ lót bên trong và lá bé cho vào khuôn. Đỗ xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo và được ngâm kỹ trước khi gói.
Một điểm khác biệt nữa tạo nên thương hiệu bánh chưng Đồ Sơn nằm ở nhân bánh. Nhân phải là thịt ba chỉ thượng. Điểm nhấn tạo nên “linh hồn” của nhân chính là thịt sẽ được trộn với tiêu bắc và đặc biệt là thảo quả xay nhuyễn theo công thức gia truyền rồi mới cho vào gói.
Chỉ khi hội tụ đủ các loại gia vị trên mới thực sự cho “ra lò” những chiếc bánh chưng xanh mang đậm hương vị truyền thống quê hương Đồ Sơn.
Chị Vân cũng cho biết thêm, khi xếp bánh vào nồi để luộc cần phải xếp chặt tay, theo hàng để bánh không bị chín ép. Khi luộc bánh, cần cho nước ngập qua bánh từ 10 -15 cm. Đến lúc nước sôi, cứ cách 1,5 tiếng cần phải tiếp thêm nước một lần và lặp lại 3 lần trong 8 tiếng cho đến khi bánh chín.
Sau khi vớt ra, bánh được rửa trực tiếp dưới vòi nước lạnh, xếp vào khay, mỗi khay khoảng chừng 12 chiếc rồi xếp chồng lên nhau để ép trong khoảng 2 tiếng, rồi lại đảo từ trên xuống dưới tiếp tục ép thêm 1 tiếng nữa.
Mùa gói bánh chưng Tết của người Đồ Sơn bắt đầu từ khoảng ngày 21,22 đến ngày 25, 26 tháng Chạp. Không chỉ phục vụ người dân trong vùng, bánh chưng nơi đây còn được xuất đi Hồng Kông. Hiện bánh đang được bán dao động từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/chiếc tùy vào nhu cầu của khách hàng.
Ngày Xuân, thưởng thức một miếng bánh chưng xanh của vùng đất Đồ Sơn, ta sẽ cảm nhận được những hương vị hết sức đặc biệt khác với nhiều vùng miền của cả nước, như một sự hòa quyện tinh hoa của trời đất.
Cùng với người dân cả nước, chiếc bánh chưng của người Đồ Sơn trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện lời cảm tạ trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà về một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. Hương vị thơm lừng hòa quyện lá dong, gạo nếp, cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt, tất cả tạo nên hương vị Tết đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Mỗi chiếc bánh là cả tâm huyết, gửi gắm vào đó là hồn quê, hương vị quê hương của người làm bánh. Dù thế cuộc có đổi thay, thì “thấy bánh chưng là thấy Tết” luôn là điều có thực, nhất là khi mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà.
LIÊM ĐOÀN
14:29 23/11/2024
13:22 22/11/2024