12:40 07/06/2024 Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự “bùng nổ” của thông tin trên không gian mạng, thời gian qua, các loại tội phạm, đặc biệt là các thế lực thù địch đã tìm mọi cách để tuyên truyền, phát tán những thông tin “xấu, độc”, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, làm đảo lộn đúng - sai, thật - giả. Chúng tung ra những luận điệu sai trái, thù địch; bôi nhọ, xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ. Vậy, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân, các cơ quan báo chí cần phải làm gì để thực sự trở thành “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng, định hướng đúng đắn dư luận xã hội, vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch cũng như bóc trần các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng ngay từ khi chúng mới bắt đầu manh nha hoạt động?
Sự “lên ngôi” của các trang mạng xã hội
Trước hết, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: hiện nay, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin có khả năng định hướng dư luận xã hội rất lớn.
Nêu như cách đây khoảng hơn chục năm về trước, khi mà internet, các trang mạng xã hội chưa phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội tập trung tuyên truyền trên hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống. Thì nay, để bắt kịp với xu hướng thời đại, hầu hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội đều có cho mình trang Cổng thông tin điện tử, webside, fanpage, facebook để truyền tải thông tin chính thống một cách nhanh chóng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân.
Nhà nhà, người người, từ trẻ nhỏ cho đến các cụ già, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính kết nối mạng internet là đều có thể dễ dàng lướt web, xem tiktok, youtube, vào zalo, facebook…, cập nhật tin tức liên tục từng giây, từng phút.
Lợi dụng những tính năng, lợi thế vượt trội của mạng xã hội, các đối tượng xấu, phần tử cơ hội, chính trị, các thế lực thù địch ở khắp nơi trong và ngoài nước đã tìm mọi cách móc nối với nhau để lan truyền, phát tán những thông tin “xấu, độc” trên các trang mạng xã hội, gây ra hiện tượng “nhiễu” thông tin đối với người dùng.
Chúng tung ra những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề khiến cho thật-giả, đúng-sai đảo lộn. Từ đó, chúng "lái" dư luận bằng những luận điệu sai trái, phản động.
Chúng triệt để lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tự do ngôn luận…, để đăng tải những bài viết, clip, video có thông tin sai lệch. Từ bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật đến giả mạo, cắt xén thông tin, dựng chuyện, ngụy tạo bằng chứng, làm đảo lộn đúng - sai, thật - giả.
Từ đó, chúng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; xuyên tạc lịch sử dân tộc, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và đối ngoại của Đảng ta.
Mặt khác, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết, “u mê” của một bộ phận người dân, chủ yếu là những người nghèo, gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, người bị bệnh chữa lâu ngày không khỏi... để tăng cường truyền đạo trái phép trong dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chi phối, kích động quần chúng theo xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất dân tộc, quốc gia.
Cùng với đó, chúng đẩy mạnh các hành động “xâm lăng văn hóa” để áp đặt các giá trị văn hóa, lối sống ích kỷ, vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực của nước ngoài, đi ngược lại, làm xói mòn các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc ta.
“Nở rộ” các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng
Ngoài âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động thì hiện nay, các loại tội phạm cũng triệt để lợi dụng những thông tin “xấu, độc” trên không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; làm hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Cụ thể, thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước nói chung, tại Hải Phòng nói riêng, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, internet và các trang mạng xã hội có chiều hướng ra tăng, diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.
Theo đánh giá, thống kê của lực lượng chức năng, có hàng chục chiêu trò lừa đảo phổ biến trên không gian mạng hiện nay chia thành các nhóm như: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp.
Ở lĩnh vực này, các đối tượng xấu triệt để lợi dụng tiện ích, tính năng vượt trội của mạng xã hội với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen, sử dụng thông tin giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính. Từ đó, chúng tìm cách đánh cắp, trục lợi.
Đơn cử gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng xảy ra một số vụ việc các đối tượng xấu giả danh cán bộ Cơ quan nhà nước, Công an gọi điện thoại hoặc nhắn tin hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID, hướng dẫn đồng bộ VNeID mức độ 2 qua Online, cài đặt ứng dụng “Dịch vụ công quốc gia” giả mạo, thông báo giấy tờ của công dân liên quan đến các vụ phạm pháp hình sự…, lợi dụng sự cả tin của người dân nhằm đánh cắp thông tin và thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Rất nhiều người dân đã “dính” bẫy lừa của chúng.
Trong số đó, ngoài những nạn nhân là người già, hưu trí, các chị em nội trợ, sinh viên, công nhân, thậm chí là cả cán bộ ngân hàng… cũng bị các đối tượng dễ dàng lừa chiếm đoạt một số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận Nhân dân.
Đáng quan ngại hơn, có một số đối tượng còn sử dụng thông tin “xấu, độc” trên mạng xã hội làm phương tiện để cổ súy, quảng bá cho các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ANCT - TTATXH.
Chúng thiết lập, quản trị các tài khoản, trang, kênh, hội, nhóm để đăng tải các nội dung xuyên tạc, sai sự thật, mạo danh, công kích, bôi nhọ, làm méo mó hình ảnh, mất uy tín của các cơ quan Đảng, Chính quyền và các tổ chức chính trị, các lực lượng chức năng.
Trước tình hình đó, các cơ quan, đơn vị chức năng và lực lượng CAND cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng đã quyết liệt vào cuộc áp dụng đồng bộ, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp.
Tiêu biểu phải kể đến trường hợp một số đối tượng xấu có hành vi tham gia quản trị nhóm facebook giả mạo Công an thành phố Hải Phòng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 14/3/2024, Phòng An ninh mang và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hải Phòng đã xác minh, làm rõ đối tượng N.T.T.H, trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, có hành vi sử dụng tài khoản facebook cá nhân tham gia quản trị nhóm facebook có tên “Công an Hải Phòng” là nhóm giả mạo Công an thành phố Hải Phòng.
Trên nhóm facebook giả mạo này, đối tượng đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá vi phạm pháp luật, không phù hợp thuần phong mỹ tục và một số bài đăng thông tin chưa kiểm chứng nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Với các thủ đoạn trên, nhóm facebook tên “Công an Hải Phòng” đã có trên 1.800 lượt người quan tâm, theo dõi.
Tại cơ quan Công an, N.T.T.H đã thừa nhận các hành vi nêu trên của mình là vi phạm pháp luật, xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Công an thành phố Hải Phòng nói riêng và lực lượng Công an nói chung.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hải Phòng đã hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm đối tượng theo quy định của pháp luật nhằm tạo sức răn đe, phòng ngừa xã hội chung.
“Sứ mệnh” của các cơ quan báo chí và người làm báo
Vậy, đứng trước những vấn nạn báo động trên, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân, các cơ quan báo chí, cần phải làm gì để phát huy vai trò tiên phong, tích cực, quyết liệt trong công tác phòng, chống, góp phần từng bước kiểm soát, tiến tới đẩy lùi nguồn thông tin “xấu, độc” trên không gian mạng.
Từ đó, góp phần quan trọng làm thất bại mọi âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, cũng như đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên không gian mạng, bảo vệ tài sản cho nhân dân?
Thiết nghĩ, để làm được những điều kể trên, trước hết mỗi cơ quan báo chí và người làm báo phải biết tự đổi mới chính mình để bắt kịp với xu hướng chung của sự phát triển nếu không muốn bị tụt hậu.
Cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 đã đặt nền báo chí thế giới nói chung, báo chí Việt Nam nói riêng đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng lớn. Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều cơ hội cho nghề báo, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các nhà báo trong mọi công đoạn, từ khâu tiếp cận, khai thác, xử lý thông tin đến khâu truyền tải tác phẩm báo chí đến với công chúng.
Nhưng thực tế đặt ra hiện nay là còn một phận không nhỏ các cơ quan báo chí, người làm báo chưa nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHCN, phần mềm điện tử để làm mới quá trình tác nghiệp, sản xuất tin bài. Hoặc nhận thấy nhưng lại mang tâm lý “ngại” thay đổi.
Ở một khía cạnh khác, có một số cơ quan báo chí, người làm báo thích đổi mới nhưng tiềm lực không cho phép, không có đủ nhân lực, thiếu các trang thiết bị hiện đại để bắt tay vào quá trình đổi mới theo xu hướng, hơi thở của nền báo chí hiện đại... Tất cả những điều đó đã tạo ra rào cản đối với quá trình làm chủ công nghệ của các nhà báo hiện nay.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra môi trường truyền thông mở. Các trang mạng xã hội phát triển rầm rộ dẫn đến tình trạng bùng nổ thông tin. Điều này khiến cho báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền.
Nằm trong dòng chảy chung đó của nền báo chí hiện đại, để có thể đưa được lượng thông tin đa chiều, lớn nhất, nhanh nhất, chính xác, khách quan nhất và thu hút được lượng độc giả lớn nhất có thể, các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau và phải “chạy đua” với các trang mạng xã hội.
Theo đó, để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, mỗi cơ quan báo chí, người làm báo hiện nay cần phải đáp ứng tốt những yêu cầu sau:
Một là: Khẳng định được vai trò, sức mạnh của cơ quan phát ngôn chính thống, đáng tin cậy để “giữ chân” công chúng. Hiện, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, công chúng cũng có thể sản xuất, phát tán thông tin một cách nhanh chóng thông qua các trang mạng xã hội. Thị trường thông tin đảo chiều, độc giả đã không còn chạy theo tin tức, mà ngược lại thông tin đang chạy theo độc giả…
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng truyền thông thật - giả, đen - trắng lẫn lộn. Vai trò, trách nhiệm của người làm báo là phải kiểm chứng thông tin. Thông tin được truyền tải đến độc giả phải tuân thủ nghiêm ngặt tôn chỉ, mục đích của toàn soạn; không chỉ đáp ứng tính thời sự, nhanh nhạy mà còn phải đảm bảo tính chính trị, chính xác, khách quan, hấp dẫn.
Hai là: Người báo chí phải được đào tạo và tự đào tạo mình một cách bài bản, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; nắm vững các quy định của luật pháp về báo chí; có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; có đủ kiến thức, kỹ năng, ứng dụng một cách thuần thục, sáng tạo tiến bộ KHCN để tạo ra sản phẩm báo chí hiện đại có chất lượng cao.
Trong đó, cần chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm báo chí đa phương tiện, có sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn nhiều loại hình sản phẩm truyền thông với nhau, như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa…, để tăng tính hấp dẫn, kích thích sự tò mò, khám phá nơi độc giả.
Nói tóm lại, trong thời đại công nghệ 4.0, mỗi người làm báo phải được đào tạo và tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản của một nhà báo “đa năng”.
Một người có thể vừa viết tin bài, chụp ảnh, quay phim giỏi, lại có kỹ năng dựng hình, đọc lời thoại, kiêm dẫn chương trình; vừa có thể làm báo in lại thông thạo báo mạng và làm cả phát thanh lẫn truyền hình. Trong trường hợp cần thiết, một nhà báo hoàn toàn có thể tự mình sản xuất ra một tác phẩm báo chí đa phương tiện...
Ba là: Để có được điều trên thì vấn đề quan trọng đặt ra cho mỗi cơ quan báo chí và người lãnh đạo là cần phải có các giải pháp cụ thể, căn cơ mang tính chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Cần có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút, giữ chân nhân tài, trả công xứng đáng cho các tác phẩm báo chí đa phương tiện được đầu tư chất lượng để động viên, khuyến khích kịp thời sự nỗ lực, đam mê, sáng tạo của đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên, biên tập viên.
Bốn là: Phóng viên phải biết chắt lọc và viết thông tin một cách vừa đủ. Một xã hội sống nhanh với nguồn thông tin “khổng lồ” cần tiếp nhận mỗi ngày khiến người đọc không có nhiều thời gian để “tiêu hoá” những bài báo dài dòng.
Phóng viên phải biết xâu chuỗi, khái quát, chắt lọc nguồn thông tin. Truyền tải thông tin một cách ngắn gọn, cô đọng nhưng dễ hiểu, dễ nhớ đến công chúng; đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông chất lượng, những thông tin hữu ích.
Qua đó, giúp họ hiểu, nắm được một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc hơn những sự vật, sự việc, hiện tượng..., diễn ra trong xã hội. Từ đó giúp công chúng dần hình thành “sức đề kháng”, phân biệt rõ, từng bước đẩy lùi, tẩy chay các luồng tin "lá cải", sai sự thật, câu like rẻ tiền; những thông tin “xấu, độc”, các mánh khoé, chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các loại tội phạm.
Và nhất là giúp công chúng có thể nhận diện một cách rõ ràng những luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước ta; nói xấu, bôi nhọ thanh danh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; gây chia rẽ nội bộ.
Năm là: Người làm báo cần tận dụng các trang mạng xã hội để tiếp cận, cập nhập thông tin và chia sẻ tác phẩm báo chí tới đông đảo quần chúng. Một yêu cầu rất quan trọng đối với nhà báo hiện nay là phải biết công chúng nói gì, hiểu công chúng cần gì thông qua các trang mạng xã hội. Và phải luôn tỉnh táo, biết kiểm chứng nguồn thông tin từ truyền thông xã hội.
Đồng thời, phải biết tận dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ đường link các tin bài đăng tải trên trang báo điện tử của mình vào các hội, nhóm liên quan đến nhân vật, địa điểm được đề cập trong bài viết. Tận dụng những tính năng ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại để tạo sức lan toả sâu rộng trong công chúng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, vị thế của báo chí truyền thống nói chung và trang báo điện tử nói riêng.
Có đáp ứng được đầy đủ các yếu tố cơ bản kể trên thì các cơ quan báo chí, người làm báo hiện đại mới có được chỗ đứng, vị thế nhất định trong lòng độc giả, công chúng; hoàn thành tốt “sứ mệnh” là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của Nhân dân.
Từ đó, người dân vững tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; ủng hộ, chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định của địa phương; chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, vững vàng vươn tới tương lai…
Khánh Chi
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão