Bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu

14:47 24/05/2023

Sáng 24-5, Quốc hội họp phiên tổng thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

                            Quy định chặt chẽ nhưng phải tạo điều kiện cho việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế

          Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học qua các hội thảo, hội nghị; cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này đã cơ bản hoàn chỉnh, quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên trong công tác đấu thầu, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động này.

                          

Quang cảnh phiên thảo luận

          Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, dự thảo Luật vẫn chủ yếu quy định đối với hoạt động đấu thầu trong tình trạng bình thường, chưa đủ chặt chẽ và cụ thể để bảo đảm thực hiện công tác đấu thầu trong các trường hợp khẩn cấp, cấp bách.

       Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, việc áp dụng Luật Đấu thầu trong phòng, chống dịch COVID-19 đã cho thấy bất cập lớn khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, buộc các đơn vị phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục về đấu thầu. Trong khi tại thời điểm mua sắm, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

                                

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An)

           Nêu rõ vấn đề này, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật quy trình, trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các trường hợp cấp bách, bất khả kháng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức căn cứ thực hiện, tránh trường hợp sau khi thực hiện lại có những cách hiểu khác nhau. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thống nhất giữa các quy định, tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng.

           Về chỉ định thầu (Điều 23), nhiều đại biểu nhất trí với quy định như dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó đã bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, đồng thời gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Một số đại biểu cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời với các trường hợp cấp bách.

          Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đề nghị, cần quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.

          Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, nhiều sai phạm trong thời gian qua đều có liên quan đến giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39. Hiện nay việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính, đang tồn tại nhiều bất cập.

      Một trong các phương thức đang được sử dụng là “3 báo giá” có mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá. Theo đại biểu, trong dự thảo không có hướng dẫn về xác định giá gói thầu và  kiến nghị cần xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. 

          Về chỉ định thầu, đại biểu cho biết, chưa quy định rõ thế nào là “gói thầu cần triển khai ngay” tại Điều 23 của dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

                                  

Quang cảnh phiên họp ngày 24-5

          Tranh luận với các ý kiến về việc đấu thầu mua sắm tập trung, trước ý kiến của một số đại biểu đề nghị bỏ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật quy định: “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt lại câu hỏi nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa…

           Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thấm thía điều này khi mà thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít nhiều khi nhà cung cấp không bán. Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu hết cho chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định này trong luật.

           Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo Luật đã có một chương riêng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù, chuyên môn của ngành; bổ sung về quy định cho việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu của nhà thầu (mô hình máy đặt, máy mượn)…

         Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế như các đại biểu quan tâm.

                                         Làm rõ các trường hợp doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện đấu thầu

          Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai)  tranh luận về việc loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư không phải thực hiện đấu thầu. Đại biểu cho rằng, đấu thầu là biện pháp để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, nên không thể loại trừ các doanh nghiệp trên không cho thực hiện những điều tốt đẹp như vậy.

Theo đại biểu, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư phải thực hiện, dẫn đầu các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước dưới 51% vẫn đang thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị  không loại trừ doanh nghiệp có vốn trên 51% do Nhà nước đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu.

          Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) cũng tán thành quy định theo phương án 2. Theo đó quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50 % vốn điều lệ sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp và nguồn vốn được doanh nghiệp nhà nước đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

                              

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)

           Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cũng cho rằng, cần quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ...

          Ngoài các lý do đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho biết, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.     

          Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)tranh luận về phạm vi áp dụng luật đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước. Đại biểu cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.

                                  

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

        Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi. Vì vậy, đại biểu  thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước có 50% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.

          Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), về đối tượng áp dụng, cần quy định theo Phương án 1 như Chính phủ đã trình, theo đó, cần bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013.

          Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước.

                            

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

      Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.

         Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không khan thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.

                                            Bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể trong văn bản luật

           Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng dự thảo Luật Đấu thầu vẫn còn có quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, không mang tính định lượng, vừa gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, vừa tạo những kẽ hở để có thể làm trái, trục lợi.

                                  

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)

       Cụ thể, tại điểm a khoản 2 Điều 22 và khoản 2 Điều 34 quy định về đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh “có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù”; “có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ hoặc kỹ thuật có tính đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực” mà không có tiêu chí “yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù”. Trong khi đó, các quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

      Tương tự, đại biểu đề nghị làm rõ như thế nào là “đơn giản” đối với các gói thầu quy định tại khoản 3 Điều 24; hay làm rõ các tiêu chí cụ thể về việc “có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu ngay từ ban đầu” đối với gói thầu quy định tại Khoản 1 Điều 33; làm rõ tiêu chí đánh giá tính chất đặc thù phát triển kinh tế xã hội của ngành, vùng, địa phương nêu tại Khoản 3 Điều 35; xác định, quy định rõ thế nào là đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện trong việc lựa chọn nhà thầu nêu tại Khoản 1 Điều 37; làm rõ cơ chế thẩm định (như: tự thẩm định, thuê tư vấn thẩm định hay thành lập Hội đồng thẩm định tại Khoản 3 Điều 40 và khoản 3 Điều 41…

                                  

Quang cảnh phiên họp ngày 24-5

        Nếu chưa quy định chi tiết được những vấn đề này thì cũng cần bổ sung quy định giao Chính phủ hoặc các Bộ, ngành theo lĩnh vực quy định, hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng Luật được ban hành nhưng không có căn cứ thực hiện.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, các quy định về đấu giá thầu, mua thuốc, hoá chất, thiết bị y tế của dự thảo Luật còn chưa đủ căn cứ thực hiện; phụ thuộc vào hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành; cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho đầy đủ.

    Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 53 quy định: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”. Hiện nay, điểm hạn chế lớn nhất của cơ chế mua sắm tập trung là mất nhiều thời gian, phải chờ đợi vì mua sắm tập trung thường làm theo đợt, được tổng hợp từ nhiều cơ quan, đơn vị. Do đó, nếu mua thuốc hiếm, có số lượng ít mà thực hiện mua sắm tập trung là không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định trên của điểm a khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật.

     Điểm a khoản 2 Điều 53 quy định: Bộ trưởng Bộ Y tế “ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế trong trường hợp cần thiết”. Đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể trường hợp nào thì Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia cho rõ ràng; tránh tình trạng địa phương muốn mua sắm trang thiết bị y tế lại phải chờ xem Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định trong danh mục mua sắm cấp quốc gia không.

          Theo đại biểu Lã Thanh Tân, tên Điều 55 quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc nhưng trong nội dung của Điều 55 lại không quy định về nội dung này. Tại khoản 2 Điều 55 mới có quy định “Việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chỉ trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở y tế tự quyết định hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu”. Tuy nhiên, các cơ chế liên quan đến mua thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả để phục vụ cho trên 90% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế lại chưa có quy định; đề nghị cần nghiên cứu bổ sung.

           Về các hành vi bị cấm, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”. 

          Theo đại biểu, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn./.

                                                                                                                                              Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông