Bảo đảm cụ thể, rõ vấn đề, rõ cách làm trong giải quyết kiến nghị của cử tri

12:26 27/05/2023

Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Quốc hội khóa 15. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, cho thấy Quốc hội rất coi trọng tiếng nói, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cũng như phát huy vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhân dân, của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri cần được quan tâm nhiều hơn.

     

Phiên họp Quốc hội chiều 26-5

      Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, cử tri hoan nghênh trước sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Nội dung thảo luận về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng là một sự đổi mới để Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri. 

                               

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) 

       Đại biểu phản ánh, do đặc điểm địa thế, vị trí địa lý, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long vốn có kinh tế dựa trên nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chi phí cho vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, bên cạnh những vấn đề liên quan đến con giống, xăng dầu, nay giá điện cũng tăng khiến cho nhiều cử tri lo lắng.

      Cử tri đề nghị Chính phủ tăng cường các giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào để bình ổn sản xuất, có chiến lược cụ thể, rõ ràng, thiết thực hơn trong quy hoạch vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, có hỗ trợ cụ thể hơn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

      Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xúc tiến ban hành chủ trương điều chỉnh hợp nhất bổ sung những cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp hàng năm, giúp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sớm triển khai đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ, đáp ứng yêu cầu di dời, ổn định đời sống cho các hộ khó khăn đang sinh sống trong vùng ngập lũ, các vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm trước những biến động phức tạp liên quan đến tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

     Ngoài ra, đại biểu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ, cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng theo đúng quy định. Đại biểu nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm, được chỉ đạo triển khai liên tục từ trước tới nay. Các địa phương đang mong chờ những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác này.

       Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, các văn bản trả lời của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đều được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, để đảm bảo đông đảo người dân theo dõi và giám sát.

      Theo đại biểu, đây là tư liệu để các đại biểu Quốc hội báo cáo và trả lời giải thích cho cử tri trong các đợt tiếp xúc cử tri. Do đó, khi ban hành văn bản, các cơ quan cần rà soát những thông tin cung cấp nội dung trả lời chính xác, nhất là về không gian, thời gian, về các số liệu.

                                    

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông)

      Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị đối với một vấn đề cụ thể, các bộ ngành cần phối hợp trả lời, tránh trả lời một phần, không toàn diện bao quát hết vấn đề khiến cử tri nhận được câu trả lời nhưng thể thực hiện. Ví như kiến nghị về vấn đề điện gió của cử tri tỉnh Đắk Nông, Bộ Công thương trả lời một phần. Phần vướng mắc liên quan đền bù, hỗ trợ lại đề nghị xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp. Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông sau khi nhận được trả lời của Bộ Công thương lại tiếp tục gửi kiến nghị đến Bộ TNMT, Bộ Tư pháp khiến không thể đảm bảo trả lời kịp thời cho cử tri trong kỳ tiếp xúc cử tri liền kề.

        Đại biểu Trịnh Xuân An ( Đồng Nai)  quan tâm đến chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri. Đại biểu cho biết, theo số liệu báo cáo có hơn 80% trả lời cử tri là giải trình và cung cấp thông tin, cho thấy hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề chưa rõ khiến cử tri phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần.

      Đại biểu cho biết, hiện còn 629 kiến nghị đang được tiếp thu, trong đó 215 kiến nghị được xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 359 kiến nghị xác định lộ trình giải quyết và đặc biệt có 55 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết. Đây là những kiến nghị không phải mới có từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 mà đã tồn tại từ nhiều kỳ họp trước.

                     

 Đại biểu Trịnh Xuân An ( Đồng Nai)  

        Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng cần quan tâm đến chất lượng câu trả lời các kiến nghị của cử tri khi rất nhiều trong số đó là dẫn “theo quy trình”, “theo quy định của pháp luật”, khiến việc áp dụng để xử lý sự việc cụ thể không dễ dàng. Do đó, cần phải có tiêu chí đánh giá trả lời kiến nghị của cử tri, địa phương làm sao phải hiệu quả. Trả lời phải để xử lý, giải quyết được công việc, chứ không phải trả lời để biết…-  đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

      Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về trả lời kiến nghị của cử tri vừa công khai, minh bạch vừa tránh việc trùng lặp, đồng thời giúp cử tri và người dân nắm được các kiến nghị được xử lý đến đâu, thể hiện hiệu quả giám sát của quốc hội.

      Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phản ánh, có một số kiến nghị chỉ được giải quyết một cách tạm thời, chưa dứt điểm, nên cử tri còn bức xúc, tiếp tục kiến nghị. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, tuyến quốc lộ 27 là tuyến đường rất quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa bàn Tây Nguyên. Tuyến đường này đã được Chính phủ, Trung ương quan tâm cấp vốn xây dựng, tuy nhiên vẫn còn hơn 30 km không được bố trí vốn trong nhiều năm, vẫn chỉ là đoạn đường cấp 4 nhỏ, hẹp, nhiều đèo dốc nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.

                               

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

      Đại biểu cho biết, nhiều năm nay, cử tri và Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã liên tục có kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, nhiều đoàn lãnh đạo cũng đã khảo sát. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, mà chỉ duy tu tạm thời, không đáp ứng yêu cầu sử dụng, dẫn đến tình trạng xuống cấp mỗi mùa mưa, gây lãng phí. 

       Đại biểu đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách tài chính để có nguồn vốn đầu tư dứt điểm, giải quyết điểm nghẽn của Quốc lộ 27 để giải quyết những bức xúc, khó khăn của cử tri. Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cho địa phương xin tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai thi công, đảm bảo đường giao thông vận hành thông suốt. Địa phương cam kết với Trung ương sẽ hoàn trả nguồn vốn này trong thời gian 5 năm./.

                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông