Bảo tàng Hải Phòng chuẩn bị trưng bày bộ hiện vật bằng vàng dâng cúng nữ tướng Lê Chân vào ngày 11/5 tới

22:58 05/05/2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 với chủ đề “Hải Phòng - bừng sáng miền di sản” bởi Hải Phòng là mảnh đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá với đậm đặc các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Cùng với sự kiện quần đảo Cát Bà được UNESSCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023 vừa qua, thì câu chuyện về 18 hiện vật độc bản bằng vàng do người dân dâng cúng Nữ tướng Lê Chân được Bảo tàng Hải Phòng tiếp nhận và chuẩn bị trưng bày phục vụ Nhân dân và du khách đến tham quan và chiêm bái vào ngày 11/5 tới sẽ càng làm sáng rõ nội hàm của chủ đề Lễ hội Hoa phượng đỏ năm nay.

Theo đó, số hiện vật bằng vàng có tổng trọng lượng gần 4 lạng gồm đôi vòng, một thẻ, một lá, bộ lá trầu - ba quả cau, chuỗi vòng 999 hạt, quạt, thẻ kim khánh, hai thẻ kim bài, hai hộp đựng sáp môi và ba đôi hoa tai.

Các hiện vật được chế tác tinh xảo, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ mẫu của Việt Nam. Những hiện vật này được các nhà nghiên cứu tạm thời nhận định có từ thời nhà Nguyễn, khoảng năm 1920-1927, do một người tên Phan Trần Trúc cung tiến tại đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân. Trên các thẻ bài có các chữ Trung Thiên Thánh Mẫu, Trang Huy Thượng Đẳng Thần, Dực Bảo Trung Hưng, Phan Trần Trúc.

Theo tài liệu còn được lưu giữ, năm 1959, ông Phạm Bá Hùng, khi đó đang là người trông giữ đền Nghè đã gửi bộ cổ vật này vào Ngân hàng Quốc gia Việt Nam theo quy định thời bấy giờ, tổng trọng lượng gần bốn lạng.

Đến năm 1976, số vàng này tiếp tục được gửi ở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hải Phòng.

Khu trưng bày bộ kim phẩm trong thánh cung đền Nghè được Bảo tàng Hải Phòng chuẩn bị sẵn sàng chào đón người dân và du khách đến tham quan và thưởng làm vào ngày 11/5 tới

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết trong một thời gian dài kể từ năm 2007, vào đầu tháng 2 năm 2024, Bảo tàng Hải Phòng đã nhận bàn giao số cổ vật trên từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng. Việc mở niêm phong được thực hiện tại Đền Nghè – nơi thờ tự Nữ tướng Lê Chân.

Dựa trên những hoa văn được trang trí trên số kim phẩm được dâng tiến vào Thánh cung Đền Nghè, các chuyên gia nhận định các hiện vật được chế tác vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Việc Bảo tàng Hải Phòng trưng bày phục vụ Nhân dân và du khách chiêm ngưỡng vào đúng dịp Lễ hội Hoa Phượng đỏ - Hải Phòng 2024 càng thêm ý nghĩa.

Với đậm đặc các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, Hải Phòng không chỉ là 1 thành phố năng động, phát triển, mà còn là mảnh đất có chiều sâu về lịch sử, văn hoá và tín ngưỡng tâm linh.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông