17:13 06/09/2019 Là một thành phố cảng biển, du lịch nên những năm gần đây áp lực về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng (CNNL), vật liệu xây dựng (VLXD) và chế biến thực phẩm (CBTP) trên địa bàn Hải Phòng là rất lớn. Vừa qua, Đoàn công tác của Uỷ ban KHCN và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện việc giám sát chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ba ngành sản xuất trên tại Hải Phòng và một số địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định… Kết quả của chương trình làm việc tại thành phố cảng cho thấy chưa thể yên tâm!
Đoàn giám sát làm việc Công ty xi măng Vicem Hải Phòng
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 105 cơ sở sản xuất thuộc ngành CNNL, VLXD và CBTP, trong đó có 72 cơ sở thuộc lĩnh vực VLXD, 28 cơ sở CBTP và 5 cơ sở thuộc ngành CNNL.
Phải kể đến nhiều thương hiệu lớn có bề dày cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển KTXH của Hải Phòng nói riêng và phía Bắc nói chung như Công ty CP nhiệt điện, GE, cáp điện LS Vina, xi măng Chinfon, xi măng Hải Phòng, Bia Hà Nội-Hải Phòng, đồ hộp Hạ Long, thuỷ sản Cát Hải, xuất khẩu thuỷ sản Việt Trường…
Trong thời gian gần đây, theo đánh giá của Sở Tài nguyên-Môi trường thì nhiều doanh nghiệp đã chú ý đầu tư cải tiến công nghệ và có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy vậy, cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm.
Cũng từ nhận định của ngành thì còn không ít cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong ba lĩnh vực kể trên chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, một số đơn vị đã xây dựng thì lại vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình nên không đạt hiệu quả như cơ quan quản lý, cộng đồng dân cư mong đợi.
Chưa hết, việc giám sát chất thải của nhiều cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều đơn vị vi phạm, bị xử phạt, song vẫn tiếp tục… tái phạm?! Việc phân loại rác tại nguồn vẫn ở giai đoạn thí điểm với quy mô nhỏ, bãi chôn lấp rác thải hoạt động kém, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa có thu gom khí, công nghệ, công suất xử lý nước rỉ rác chưa đảm bảo.
Đáng lo ngại là tại không ít cơ sở có cả chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khá cao, cùng với đó là sự cố chảy nổ, tràn dầu…
Ngành cũng thẳng thắn chỉ ra phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mức kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường rất hạn chế. Trong khi đó, kinh phí của thành phố danh cho lĩnh vực này lại thiếu, phân bổ dàn trải. Còn cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì rất yếu.
Hoạt động sản xuất gạch, ngói của Công ty TNHH gốm xây dựng Đá Bạc-Thuỷ Nguyên còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục
Trên thực tế, do tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên các doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường, phần lớn cán bộ quản lý môi trường đều là kiêm nhiệm.
Thậm chí, tại một số địa phương còn có tình trạng một số hộ cá thể kinh doanh vật liệu xây dựng như cát, đá hoạt động tự phát, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm 2015 đến năm 2018, Sở Tài nguyên-Môi trường đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra 747 trường hợp, trong đó xử phạt hành chính hơn 5,6 tỷ đồng.
Cùng với đó là chấn chỉnh, đôn đốc các cơ sở vi phạm chấp hành nghiêm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, nhằm ngăn chặn kịp thời các vấn đề ô nhiễm phát sinh.
Ông Trần Văn Minh-Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với thành phố
Từ thực tế kiểm tra xác suất các doanh nghiệp trong cả ba lĩnh vực CNNL, VLXD và CBTP thì ông Trần Văn Minh-Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát nhận thấy: Những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu cơ bản chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường, còn tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì còn nhiều điều đáng lo ngại.
Chưa kể đến, những doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chiếm số đông, do vậy cần phải quan tâm đến nhóm đối tượng này, bởi sẽ tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường cao.
Ông Minh cũng chỉ rõ: Khi nhận thức của doanh nghiệp về chấp hành các quy định pháp luật bảo vệ môi trường chưa cao thì thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường.
Song song là hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, phát hiện doanh nghiệp thiếu thủ tục, nội dung, công trình bảo vệ môi trường nào thì cơ quan quản lý phải yêu cầu khắc phục, bổ sung. Sau đó, nếu tiếp tục tái phạm thì phải xử phạt nghiêm và buộc phải thực hiện để đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp khác.
Như vậy, có thể thấy từ thành phố tới các ngành và Đoàn giám sát của Quốc hội đều thể hiện rõ quan điểm: Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, song doanh nghiệp cũng phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, trước hết vì sự ổn định, bền vững của chính đơn vị mình, sau này sự an toàn của cộng đồng, của môi trường!
Kim Oanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão