17:46 11/10/2022 Thời gian đã bước vào quý 4, theo thông lệ thì đây là thời điểm thị trường hàng hóa luôn bộc lộ những yếu tố nhạy cảm. Trong bối tình hình thế giới tiếp tục xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực, diễn biến thị trường được xem như thước đo thực trạng xã hội. Vì vậy việc đưa ra các giải pháp bình ổn là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời ổn định tâm lý người tiêu dùng.
Giữa bối cảnh chung
Nhìn lại thời gian qua, có thể nói năm 2022 là một năm có rất nhiều khó khăn đối với thị trường thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung. Trong đó điểm nhấn đáng chú ý là biến động tiêu cực của những nhóm hàng có sức chi phối mạnh mẽ nền kinh tế vĩ mô như xăng dầu, tiền tệ…
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm rất cao, khi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt ngăn chặn diễn biến tiêu cực của thị trường, đồng thời tận dụng cơ hội phát triển kinh tế, giữ ổn định an sinh xã hội.
Đơn cử như các giải pháp về điều hành giá xăng dầu, đưa mặt bằng giá nhóm hàng nhạy cảm này trở về với điểm xuất phát bình quân của năm 2021, thực sự là nỗ lực to lớn, thiết thực và hiệu quả. Điều quan trọng là chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, trong khi những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… còn đang trong vòng xoáy bình ổn thị trường.
Đối với Hải Phòng, thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đảm bảo hoạt động thị trường ổn định. Nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cơ chế bình ổn đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, các khu vực đông người lao động nghèo lưu trú…
Nhờ vậy, dù từ đầu năm đến nay thành phố đã trải qua nhiều đợt gây áp lực như đã nêu trên, nhưng về cơ bản thị trường Hải Phòng vẫn tương đối ổn định. Không có biến cố về khan thiếu hàng hóa thiết yếu, đầu cơ, tích trữ, dù đó là hàng hóa thiết yếu
Cần tiếp tục chủ động
Trong nhiều năm nay, việc bình ổn thị trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ trực tiếp điều hành, tiến hành thường xuyên, trọng điểm vào những dịp lễ tết. Bởi lẽ các thời điểm này, do yếu tố tác động của văn hóa, cường độ mua sắm của người tiêu dùng thường tăng rất cao.
Đặc biệt, điểm rơi mua sắm luôn rơi vào cuối năm (tính theo Âm lịch), kéo dài khoảng 4 tháng, với mật độ mua sắm đôi khi vượt qua sự vận động tự nhiên của quy luật cung cầu.
Nội dung bình ổn ở tầm vĩ mô, thường có mấy vấn đề: tăng cường công tác quản lý, điều hành; chủ động nguồn cung ứng hàng hóa kết hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đảm bảo tốt giao thông để phục vụ lưu thông; quản lý chặt chẽ các đầu mối phân phối và bán lẻ hàng hóa; phục vụ tốt nhu cầu điện, nước để duy trì hoạt động của hệ thống; đảm bảo ANTT…
Định hướng chung là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá hàng hóa phục vụ đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra của tình hình thị trường năm 2022 cho thấy, bên cạnh những giải pháp chung, thành phố cần có những tính toán cụ thể, phù hợp và chủ động hơn, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế thị trường Hải Phòng.
Đây là công việc không hề đơn giản, liên quan đến nhiều lĩnh vực, mang nhiều yếu tố chuyên môn, chuyên ngành, kết hợp với kinh nghiệm dự báo vĩ mô, đòi hỏi thời gian và nguồn lực.
Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều năm liền, kịch bản bình ổn thường đi theo lối cũ, dựa trên trụ cột của một số doanh nghiệp địa phương và hệ thống các siêu thị tổng hợp.
Nhưng hiện hầu hết các doanh nghiệp địa phương được lựa chọn theo phương pháp cũ đều có ảnh hưởng rất hạn chế đối với thị trường thành phố. Trong khi hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn, cụ thể là nhiều siêu thị lớn trên địa bàn đã “thay tên, đổi chủ”.
Chưa kể việc điều hành, khai thác nguồn hàng cũng có phần cảm tính, ít biến động, chưa thực sự sát với nhu cầu của người dân, kể cả trong dịch bệnh Covid-19.
Hiện tại, Sở Công thương giữ vai trò chủ trì với chức năng trực tiếp về quản lý nhà nước trên lĩnh vực thị trường. Nhưng Sở Công thương sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu như thiếu sự phối hợp của ngành khác, chẳng hạn như những nội dung liên quan đến giá cả thuộc về ngành tài chính.
Tương tự là vai trò của ngành NN&PTNT và các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa. Còn an toàn thực phẩm thuộc về ngành Y tế; đo lường, giám định chất lượng lại thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ..
Thiết nghĩ, thị trường là một phạm trù rộng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, mà thực tế công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng chưa được bù lấp. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, sự chủ động chỉ thực sự có hiệu quả, khi các giải pháp được lựa chọn kỹ hơn, trên cơ sở các tính toán chi tiết từ thực tiễn.
Mà trước thềm tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thành phố đang rất cần một động thái liên quan tích cực và thiết thực.
Lê Minh Thắng
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024