Bình ổn thị trường cuối năm – Cần hơn những động thái thiết thực

09:09 29/09/2021

Quý 4-2021 đã khởi động, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì thị trường hàng hóa thời điểm này cũng luôn bộc lộ những dấu hiệu nhạy cảm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành như hiện nay, diễn biến thị trường được xem như thước đo thực trạng xã hội. Vì vậy việc đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế, đồng thời ổn định tâm lý người tiêu dùng.

 Lựa chọn hàng hóa bình ổn cần phù hợp với thực tiễn

Vào cuộc chủ động

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát tại Viêt Nam, bình ổn thị trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ trực tiếp điều hành, tiến hành thường xuyên, trọng điểm vào những dịp lễ tết.

Bởi lẽ thời điểm này, do yếu tố tác động của văn hóa, cường độ mua sắm của người tiêu dùng thường tăng rất cao. Đặc biệt, điểm rơi mua sắm luôn trong thời gian cuối năm (tính theo Âm lịch), kéo dài khoảng 4 tháng, với mật độ mua sắm đôi khi vượt qua sự vận động tự nhiên của quy luật cung cầu.

Thông thường trước quý 4 hàng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành văn bản chỉ đạo về công tác bình ổn thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán, trên cơ sở đó UBND TP Hải Phòng xây dựng và triển khai các nội dung liên quan phù hợp với thực tiễn địa phương.

Nội dung bình ổn ở tầm vĩ mô, thường có mấy vấn đề: tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; chủ động nguồn cung ứng hàng hóa kết hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đảm bảo tốt giao thông để phục vụ lưu thông; quản lý chặt chẽ các đầu mối phân phối và bán lẻ hàng hóa; phục vụ tốt nhu cầu điện, nước để duy trì hoạt động của hệ thống; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội…

Trong hai năm 2020 và 2021, dịch bện Covid-19 đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến kinh tế - xã hội nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng, nhất là trong đợt giãn cách xã hội dài ngày trên diện rộng vừa qua ở khu vực phía Nam, thị trường cả nước đã bị phân hóa mạnh mẽ, bất ổn cục bộ diễn ra ở nhiều nơi, trong đó Hải Phòng cũng có phần bị tác động.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021.

Định hướng chung là vừa giữ bình ổn mặt bằng giá hàng hóa phục vụ đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhìn từ thực tiễn Hải Phòng

Trước diễn biến của dịch bệnh, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã rất chủ động, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt đảm bảo hoạt động thị trường ổn định. Trong đó, công tác quản lý, điều hành đẩy mạnh triển khai chuẩn bị hàng hóa phục vụ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra tiêu chuẩn đo lường và chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm là những nội dung thiết yếu.

Thành phố luôn xác định,  công tác bình ổn thị trường là cực kỳ quan trọng, liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, lấy quyền lợi người tiêu dùng là tiêu chí quan trọng nhất. Đáng chú ý kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cơ chế bình ổn đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, các khu vực đông người lao động nghèo lưu trú…

Nhờ vậy, dù từ đầu năm đến nay thành phố đã trải qua nhiều đợt gây áp lực của dịch bệnh, một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, nhưng về cơ bản thị trường vẫn ổn định. Không có biến cố về khan thiếu hàng hóa thiết yếu, đầu cơ, tích trữ hoặc đẩy giá, làm giá đối với hàng hóa, dù đó là hàng hóa thiết yếu.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ thị trường khu vực phía Nam vừa qua cho thấy, Hải Phòng cần có những tính toán cụ thể, phù hợp và chủ động hơn trong các giải pháp bình ổn, trên cơ sở kết quả khảo sát thị trường. Trong nhiều năm liền, kịch bản bình ổn thường đi theo lối cũ, dựa trên trụ cột của một số doanh nghiệp địa phương và hệ thống các siêu thị tổng hợp.

Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp địa phương được lựa chọn đều có ảnh hưởng rất hạn chế đối với thị trường thành phố. Trong khi đó, hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn hiện cũng lao đao trong vòng xoáy đại dịch, khi việc điều hành, khai thác nguồn hàng đang phụ thuộc quá lớn vào hội sở trung tâm ở địa phương khác.

Chưa hết, việc lựa chọn sản phẩm chủ đạo cho kế hoạch bình ổn cũng có phần cảm tính, chưa thực sự sát với nhu cầu của người dân, đơn cử như gạo, trứng, dầu ăn, bột ngọt, mỳ ăn liền… là những mặt hàng thị trường Hải Phòng rất ít biến động, kể cả trong dịch bệnh Covid-19.

Hiện tại, Sở Công thương giữ vai trò chủ trì với chức năng trực tiếp về quản lý nhà nước trên lĩnh vực thị trường. Nhưng Sở Công thương sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu như thiếu sự phối hợp của ngành khác, như ngành tài chính về những vấn đề liên quan đến giá, nghĩa vụ thuế và kinh phí hoạt động.

Tương tự là vai trò của ngành NN&PTNT và các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa; ngành y tế với chức năng quản lý về an toàn thực phẩm; ngành KH&CN lên quan đến chức năng đo lường, giám định chất lượng; ngành công an với nhiệm vụ đảm bảo ANTT và PCCC… Đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Thiết nghĩ, thị trường là một phạm trù rộng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, mà thực tế công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng chưa được bù lấp. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp,  sự chủ động chỉ thực sự có hiệu quả, khi các giải pháp được lựa chọn kỹ hơn, trên cơ sở các tính toán chi tiết từ thực tiễn. Mà trước thềm quý 4-2021, thành phố đàn rất cần một động thái liên quan tích cực.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông