16:52 20/09/2013
Thực hiện chương trình công tác năm 2013, sáng 19/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 32). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Báo cáo Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32, kinh tế của thành phố tăng trưởng tương đối nhanh, GDP bình quân giai đoạn 2003-2012 tăng 11%/năm; quy mô kinh tế tăng gấp 2,8 lần so với năm 2002, đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng dịch vụ-công nghiệp chiếm gần 90%. Phát huy vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, sản lượng hàng hóa qua cảng có sự tăng trưởng vượt bậc, từ trên 13 triệu tấn năm 2003 lên 48,8 triệu tấn năm 2012. Việc huy động các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của thành phố cho đầu tư phát triển đã có bước phát triển mới, 10 năm đạt trên 224.000 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có tiến bộ quan trọng về số vốn và chất lượng các dự án đầu tư. Địa bàn thành phố có 358 dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đăng kýý là 8,1 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị được tập trung đầu tư xây dựng, nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp khu sân bay cảng hàng không quốc tế Cát Bi được khởi công xây dựng, tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố và toàn vùng. GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.064 USD, tăng 2,6 lần so với năm 2002 và cao hơn nhiều so với bình quân cả nước. Thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với giải quyết các vấn đề xã hội, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, việc thực hiện các chính sách xã hội có nhiều chuyển biến, tiến bộ mới. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, hộ nghèo giảm còn 4,21%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Bước đầu Hải Phòng đã thể hiện được vai trò trung tâm, động lực phát triển của cả vùng trên các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thủy sản. Từ thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết, Hải Phòng xác định mục tiêu phát triển đến năm 2020 là phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế so sánh để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao; trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục-đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam-Trung Quốc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng, an ninh; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Quan điểm phát triển của thành phố là lấy cảng biển, cảng hàng không quốc tế làm động lực để phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, trung tâm công nghiệp lớn với tốc độ nhanh, bền vững, không chỉ vì riêng Hải Phòng, mà còn vì phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Tại buổi làm việc, tập thể Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đã cho ý kiến về những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, vướng mắc; những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời gian tới; các kiến nghị của thành phố nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị. Thay mặt Bộ Chính trị kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những kết quả mà thành phố Hải Phòng đã đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 32. Kết quả này tạo nền tảng vững chắc để thành phố Hải Phòng tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 32, việc thực hiện vẫn còn những mặt hạn chế, chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng với mong muốn, tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng. Quy mô, tốc độ phát triển kinh tế chưa mạnh, chưa có chiều sâu, chưa bền vững. Nhiều dự án, công trình còn chậm được triển khai, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục và y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ chưa thực sự rõ nét... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng phát triển thành phố đến năm 2020, Hải Phòng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 32, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ thành phố. Hải Phòng cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, thế mạnh, tiềm năng của thành phố, yêu cầu, mong muốn phát triển, để từ đó có trách nhiệm, quyết tâm cao hơn trong việc xây dựng và phát triển thành phố. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 32, Hải Phòng cần tiếp tục bám sát tư tưởng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Trung ương gần đây, là phải thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng phát triển nhanh nhưng phải bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược là phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và thể chế, chính sách... Tổng Bí thư chỉ rõ trong xây dựng và phát triển, Hải Phòng cần chú trọng thế mạnh của thành phố, tập trung vào các khâu đột phá như cảng biển, dịch vụ, du lịch, logistics...; xây dựng, phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng - đó là thành phố cảng biển, cửa ngõ ra biển, trung tâm dịch vụ của phía Bắc, nằm trong hai hành lang, một vành đai kinh tế. Tổng Bí thư lưu ý là địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh, là một pháo đài vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, có thế mạnh về đối ngoại, Hải Phòng cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, cố gắng giảm các tai nạn, tệ nạn xã hội, không để xảy ra điểm nóng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hải Phòng hết sức quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cần tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức. Đảng bộ thành phố Hải Phòng cần quan tâm hơn nữa công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ, công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, xây dựng nội bộ đoàn kết thống nhất cao, xây dựng nền hành chính thông thoáng, khoa học... tạo sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế-xã hội. Tổng Bí thư lưu ý Hải Phòng cần tiếp tục quan tâm phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tổng Bí thư ghi nhận và ủng hộ các nhóm kiến nghị xác đáng của thành phố Hải Phòng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, xây dựng các công trình, dự án cần thiết, cấp bách; tuy nhiên cần lựa chọn thứ tự ưu tiên, cân đối được nguồn lực. Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để thành phố Hải Phòng thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. |
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024