Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Sớm đưa các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại

16:40 08/06/2023

Trong chiều 7 và sáng 8-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đăng đàn trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề “nóng” của ngành đã được đưa ra phân tích tại nghị trường.

                                                    Nhiều dự án BOT trên cả nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

        “Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài ngay cửa ngõ Thủ đô vẫn chưa được dỡ bỏ. Nghị quyết 62 của Quốc hội khóa 15 ghi rõ: "Trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT". Đề nghị Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ, trách nhiệm thuộc về ai khi Nghị quyết 62 Quốc hội không được thực hiện triệt để và giải pháp sắp tới"- đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt câu hỏi.

      Cùng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM)  phản ánh, hiện nay có một số dự án giao thông đã phê duyệt chủ trương theo hình thức PPP, tuy nhiên, sau đó lại chuyển qua hình thức đầu tư công khiến thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau. Thực trạng này rất cần những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành quá tải, tắc nghẽn rất cần có kế hoạch mở rộng.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM) 

     Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng đây là một vấn đề mà cá nhân ông cùng ngành GTVT rất trăn trở. Từ khi ban hành Luật PPP, khả năng thu hút DN đầu tư vào hạ tầng giao thông rất thấp. Trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025 phải cần đến 462.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đến giờ phút này mới bố trí được 66%, nên rất cần những nguồn vốn xã hội hóa.

     Do đó, theo Bộ trưởng, cần có một hệ thống các giải pháp hết sức đồng bộ trong, nhất là phải tạo được lòng tin và bình đẳng cho các DN, như vấn đề về chính sách cần xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, quy định khi doanh thu tăng từ 100% lên trên 125% DN phải chia sẻ với nhà nước; hay doanh thu của DN giảm xuống dưới 75% nhà nước phải bù, nhưng bù như thế nào, bù ở đâu, nguồn nào thì chưa rõ. Hoặc DN ký hợp đồng và trong hợp đồng đã quy định rất rõ là thời điểm nào DN được tăng phí, nhưng thực tế điều này không được thực hiện dẫn đến doanh thu không đảm bảo, dẫn đến hệ lụy với ngân hàng, nợ quá hạn và rất nhiều yếu tố khác.  

                    

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

    Phản hồi về kế hoạch mở rộng 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành, Bộ trưởng GTVT cho biết đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này, vì đây là những tuyến có lưu lượng giao thông rất đông.

        Cao tốc TP.HCM – Long Thành hiện nay VEC đang đầu tư khai thác theo quy hoạch từ 8 – 10 làn xe, qua trao đổi, VEC cùng Ủy ban quản lý vốn đang phối hợp với Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, đặc biệt là vấn đề sử dụng các nguồn vốn tự có và coi như tự có của VEC để đầu tư các dự án, nếu như tài chính của VEC đảm bảo mới làm được.

      Bộ GTVT đã trao đổi với VEC trong trường hợp cần thiết phải liên doanh, liên kết vì tuyến này nếu DN đầu tư sẽ rất hiệu quả. Lãnh đạo  VEC đã ghi nhận và sẽ có đề xuất sớm. Thực tế VEC đã có Công văn gửi Bộ GTVT, gửi  Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này, vì đây cũng là nội dung rất quan trọng, Bộ GTVT cũng đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan đến sân bay Long Thành. Nếu như sân bay Long Thành xong, tuyến này phải mở rộng lên 8 - 10 làn xe, chưa kể chúng ta còn phải đầu tư tiếp các tuyến đường sắt mới đảm bảo cho quá trình lưu thông.

      Đưa ra hướng giải quyết đối với Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ trưởng cho biết, một dự án BOT thường có thời gian thu hồi vốn khoảng 15 - 35 năm, bình quân khoảng 20 năm, nhưng quy định của ngân hàng chỉ cho DN vay tối đa từ 10 - 12 năm. Trước đây khi kinh tế tốt, sức khỏe DN tốt, DN sẽ lấy các nguồn doanh thu để bù vào, nhưng giờ kinh tế khó khăn, vòng đời của dự án là 20 năm mà ngân hàng lại chỉ cho vay 10 - 12 năm DN sẽ không thể làm được.

      Chính vì thế vừa rồi, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có một phương án, đó là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, thay vì 20 - 25 năm sẽ giảm xuống khoảng 10 - 15 năm, như vậy mới có tính khả thi. Từ đó nguồn vốn của DN bớt đi, nguồn vốn ngân hàng vào cũng bớt đi sẽ khiến rủi ro bớt đi.

                                               Đầu tháng 7, các trung tâm đăng kiểm hoạt động bình thường

         Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Cục Đăng kiểm đã tuyển dụng được 350 đăng kiểm viên. Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc sẽ hoạt động bình thường.

          Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, trong thời gian qua, tại các trung tâm đăng kiểm nhiều nơi đã đóng cửa, gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục. 

                    

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) 

      Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tình trạng cán bộ trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, trung tâm bị đóng cửa đến nay không mở lại được chủ yếu do thiếu đăng kiểm viên. Theo thống kê, trung tâm đăng kiểm ở các nơi đã cơ bản mở lại, chỉ còn 2 tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở được. Bộ trưởng đã  trực tiếp làm việc với Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình xem làm thế nào để mở lại. Bộ đã phải hỗ trợ địa phương đào tạo cán bộ để về vận hành trung tâm đăng kiểm. Dự kiến sớm mở lại trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình.

       Tranh luận việc Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin đăng kiểm phương tiện cơ giới trong thời điểm hiện nay thì không đáng lo, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, Bộ trưởng trả lời như vậy chỉ đúng một phần. Theo đại biểu, với 75% các trung tâm đăng kiểm hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đầu tư thì phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, với cơ chế tài chính như hiện nay, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các trung tâm đăng kiểm mà họ xin phép đã được thành lập.

      Trả lời tranh luận vấn đề này,  Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, cuộc khủng hoảng này gây ra hậu quả lớn, khiến người dân và doanh nghiệp rất vất vả, phải đi ngược đi xuôi vẫn không được đăng kiểm. Trong cuộc khủng hoảng này, có tới 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ công chức viên chức và đăng kiểm viên bị khởi tố; 106/281 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an để làm sao khôi phục lại hoạt động đăng kiểm cho người dân và doanh nghiệp. Ngay khi về nhận công tác, Bộ trưởng  rất chủ động nghiên cứu điều chỉnh quy định đăng kiểm cho phù hợp thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

                  

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 8-6 của Quốc hội

     Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT cũng đã rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo chặt chẽ nhưng hiện đại, thông thoáng; ban hành Thông tư 02 miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm. Việc này sẽ giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng sửa đổi Thông tư 16, ban hành Thông tư 08 với quy định tự động giãn đăng kiểm mà không cần đem xe đến và kiểm tra xe. “Làm được việc này tiết kiệm thời gian cho việc phải mang gần 1,4 triệu xe đến trung tâm đăng kiểm”-  Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

       Một giải pháp khác cần giải quyết để đăng kiểm trở lại bình thường, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, là điều chỉnh cơ chế tài chính. Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa nội dung này vào dự thảo Luật Giá, loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá bị quản lý và để thị trường quyết định. Có như vậy, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, mới đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên.

         Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay sẽ tập trung vào việc tuyển dụng, đào tạo đăng kiểm viên để thời gian tới đủ lực lượng bố trí cho tất cả trung tâm đăng kiểm…

     Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Hà Nội) nêu ý kiến, việc thiếu hụt nhân lực đăng kiểm thời gian qua có phần trách nhiệm của Bộ GTVT.

      Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước chỉ có khoảng 2.000 đăng kiểm viên nhưng vụ việc vừa qua đã làm hụt mất gần 1/3. Để tuyển dụng được một đăng kiểm viên mất rất nhiều thời gian, qua nhiều bước đào tạo, đúng quy trình mất cả năm.

     Khi vụ vi phạm đăng kiểm xảy ra, Bộ GTVT đã phải đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng, huy động đăng kiểm viên trên toàn quốc về các trạm đang thiếu hụt, mời gọi đăng kiểm viên mới nghỉ hưu quay lại, họ phải làm việc ngoài giờ, không có ngày nghỉ, không có tết.

      Hiện nay, Cục Đăng kiểm cũng đã tuyển dụng được 350 đăng kiểm viên. Sắp tới, Bộ GTVT trình Chính phủ điều chỉnh lại Nghị định 139, nguồn nhân lực đăng kiểm thời gian tới sẽ đầy đủ. Như vậy, chỉ cuối tháng 6, đầu tháng 7, các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động bình thường.

       Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết, Bộ trưởng đã trả lời ý kiến của các đại biểu liên quan đến hoạt động đăng kiểm, trong đó có ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung về các biện pháp chấn chỉnh cho các hoạt động đăng kiểm. Đại biểu Nguyễn Thành Nam đồng tình với nội dung Bộ trưởng đã trả lời và khẳng định trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều giải pháp để sớm ổn định hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Nam nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hoạt động đăng kiểm đảm bảo ổn định, đúng pháp luật, không rơi vào tình trạng như trong thời gian vừa qua. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải và các chính quyền địa phương trong vấn đề này là rất quan trọng. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Bộ trưởng có những quy định cụ thể để tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phát hiện kịp thời, phòng ngừa hiệu quả để không xảy ra tình trạng là hiện nay nhu cầu đăng kiểm tăng cao nhưng lại dễ bị lợi dụng. 

    Đồng thời,  đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị cần quan tâm rà soát các điều chỉnh quy chuẩn đăng kiểm cho phù hợp các loại phương tiện hiện nay. Đề nghị cùng với các chức năng thanh tra, kiểm tra, cần rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn trường hợp để đáp ứng với các loại phương tiện trong giai đoạn hiện nay.

                                                                                       Giảm chi phí logictics

     Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết,  chi phí logistics rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo đại biểu, muốn giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

     Đại biểu lấy ví dụ ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi sửa chữa thì số lần cất cánh, hạ cánh ít hơn trước khi sửa. "Bỏ mấy nghìn tỷ đồng nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí. Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam".

                               

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn

       Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế, chi phí logistic đều được so sánh với GDP. Năm 2022 ở mức 16,8% GDP, tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025, chi phí logistic chiếm khoảng từ 16-20%. Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistic còn rất nhiều. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh các phương vận tải đa phương thức.

    Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta đã ban hành 4 quy hoạch; chỉ còn quy hoạch về hàng không Bộ Giao thông vận tải đã trình lấy ý kiến hoàn tất thủ tục và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có 5 quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tính toán phương án kết nối đầu tư giữa các vùng. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng. Chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội./.

                                                                                                                                               Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông