Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn: Nhiều giải pháp mới trong phát triển du lịch, văn hóa

17:24 06/06/2024

Chiều 5 và sáng 6-6, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nhiều nội dung được đề cập, trong đó sôi động nhất vấn là về du lịch, phát huy giá trị văn hóa…

                                                        Cùng vào cuộc hạ giá vé máy bay

          Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp hạ giá thành vé máy bay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng  khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đứng ngoài cuộc. Qua hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch… cho thấy, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch. Bộ trưởng cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá vé máy bay.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn 

           Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour. Đối với các hãng hàng không, đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung trong đó có du khách nói riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành. 

          Những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này. Theo đó, từ 28-5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu hạ nhiệt.

                                               Đề xuất nhiều giải pháp phát triển du lịch

                 Một trong những trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn là về du lịch, từ vấn đề phát huy bản sắc, sự kiện thể thao, sản phẩm du lịch đến chính sách viza, đào tạo hướng dẫn viên, kinh tế ban đêm.

           Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và là ngành kinh tế tổng hợp. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã tập trung phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị. Trong đó đều xác định các tuyến, các trục, các khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch và dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác.

           Bộ trưởng nhấn mạnh,  rất ủng hộ và mong muốn các địa phương phải tập trung để giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi từ việc này. Kinh nghiệm này như Sungroup hoặc Vingroup chẳng hạn, có rất nhiều sản phẩm, đúng như slogan của họ là làm đẹp những vùng đất, cho nên có những sản phẩm độc đáo.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn 

           Về  kinh tế ban đêm, Bộ trưởng cho biết phải dựa trên cơ sở quy hoạch để địa phương thu hút đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia. Điểm thuận lợi là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố thì Thủ tướng cũng vừa phê duyệt, các địa phương đã tổ chức lễ công bố quy hoạch, trong khi đó nói rất rõ đâu là dự án về du lịch, khu nào làm du lịch. Vấn đề là bây giờ phân định lại trong các khu đó, ví dụ như một tỉnh có 10 dự án du lịch thì chọn dự án nào để tập trung cho phát triển du lịch đêm, đó là thẩm quyền của HĐND, UBNd ở địa phương đó. Còn gói sản phẩm về du lịch đêm hiện nay đưa ra mang tính chất hướng dẫn và đang làm thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố, ở các điểm lớn.

          Theo bộ trưởng, chính sách visa được nhiều quốc gia sử dụng như một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch và Việt Nam cũng nhận thức được điều này. Điều đó thể hiện qua việc năm 2023, Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện mở cửa và thu hút du lịch.

           Các bộ ngành đang nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, theo hướng phải đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên các bình diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo chủ trương và pháp luật của Việt Nam như thế nào. Cùng với đó đề xuất các giải pháp có tính chất ưu tiên theo hướng song phương (có đi có lại). Đây cũng là một bước để tiếp tục hỗ trợ du lịch và các hoạt động khác.

     Đại biểu  Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn số liệu và thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Việt Nam có hơn 40.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, trong đó có 8 di tích danh lam, thắng cảnh được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 di tích quốc gia đặc biệt và rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhưng báo cáo của Bộ có nêu hạn chế đối với ngành du lịch là còn thiếu sản phẩm du lịch. Từ đó đề nghị Bộ trưởng nêu nguyên nhân vì sao có hạn chế này và đâu là giải pháp để khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, hiện nay có 4 sản phẩm về du lịch là: biển đảo, văn hóa, sinh thái, đô thị. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đang đề xuất thêm một loại sản phẩm mới, đó là sự kiện văn hóa để thu hút thêm khách du lịch.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, trong thời gian tới, cần phát huy tốt các giá trị văn hóa nghệ thuật để phục vụ phát triển du lịch của địa phương và phân bổ các nguồn thu tại các di tích văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể liên quan phát triển các sản phẩm du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, bởi không phải ở di tích, di sản nào cũng có thể làm được mà phải lựa chọn trong quá trình hoạch định chính sách.

          Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) chỉ rõ, một khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch là sản phẩm du lịch đường biển, đường sông còn thiếu hạ tầng, cảng khách chuyên biệt, bến thủy, môi trường kênh rạch chưa bảo đảm và đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn 

           Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, cả nước có 6 cảng dịch vụ và 153 bến khách để phục vụ khách du lịch. Thời gian qua, đối với cảng biển và du lịch bằng tàu biển, bình quân một năm cả nước đón được khoảng 300.000 lượt khách; các tàu lớn cũng đã cập cảng và đem lại nguồn thu khá lớn cho du lịch.

          Với lợi thế về bờ biển dài, đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới cần tiếp tục phát huy lợi thế này. Đảng và Nhà nước cũng hết sức quan tâm vấn đề này. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng các gói sản phẩm để khách du lịch khi di chuyển từ tàu lên đất liền sẽ được đi thăm, khám phá, trải nghiệm linh hoạt, phù hợp với quỹ thời gian của họ. Bởi, khách du lịch đường biển khi cập cảng thì thời gian không nhiều. Vừa qua, Bộ đã có hướng dẫn một số địa phương và đã làm rất tốt như Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ninh…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo với Chính phủ tiếp tục quan tâm vấn đề quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển nhằm tạo điều kiện cho các tàu khách lớn, các tàu du lịch lớn được cập cảng, từ đó thu hút thêm lượng khách du lịch.

          Làm rõ về nguồn quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng)

                    Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đặt vấn đề về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Theo đó, sau đại dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nguồn lực là 300 tỷ đồng để hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi. Tuy nhiên, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý Quỹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này cũng như có biện pháp như nào để khắc phục tình trạng trên?

           Bộ trưởng  Nguyễn Văn Hùng thông tin, 300 tỷ đồng này không phải là quỹ hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch là vốn điều lệ, được bảo tồn phát triển theo cách gửi ở ngân hàng.

          Trong đó, phần lãi đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp theo tỷ lệ % đóng góp của ngành du lịch thông qua phí, vé...

           Hiện nay, 150 tỷ đồng đã được gửi ngân hàng để bảo tồn nguồn vốn, lãi rút ra chi cho công tác hành chính của bộ máy. Số tiền 150 tỷ đồng còn lại vẫn đang được gửi ở Kho bạc Nhà nước. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất mới  và cho biết quỹ hỗ trợ du lịch này hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc. Thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, nếu cần thiết sẽ đánh giá tác động và có báo cáo cụ thể để xem xét sửa đổi, đưa quỹ này vào hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch.

                    Tập trung phát triển công nghiệp văn hóa

           Đối với chất vấn đại biểu liên quan đến vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch, Bộ trưởng khẳng định, Du lịch văn hóa là một trong các ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030. 

           Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển. 

          Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP. Hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. 

          Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa, nếu không đào tạo thì sẽ không thành công.

                    Bảo đảm chế độ cho vận động viên thể thao

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) 

   Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu rõ, thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả. Điều này kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên.

    Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

           Bộ trưởng cho rằng, tiêu cực trong thể thao là nhức nhối của ngành. Tuy nhiên, 2 vụ việc liên quan đến tiền ăn của đội bóng bàn và đội thể dục dụng cụ chỉ là cá biệt. Ngay sau khi sự việc được phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý không có ngoại lệ, làm nghiêm và thực tế là đã kỷ luật hành chính, công khai thông tin. Đơn vị cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xem xét dấu hiệu vi phạm, điều tra, xử lý nghiêm nếu có.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn, Bộ không dung túng, bao che cho ai.Bộ đã hoàn chỉnh quy định quản lý đội tuyển từ huấn luyện đến quản lý; tăng cường kiểm tra về chế độ chính sách, đảm bảo công khai minh bạch.

          Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai)  cho biết, mỗi năm, ngân sách trung ương chi khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao thành tích cao, nhưng kinh tế thể thao vẫn chưa phát triển, theo đại biểu cần giải quyết vấn đề này như thế nào?

          Ngoài ra, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia phục vụ tập luyện, thi đấu của vận động viên, đặc biệt vận động viên thành tích cao, nhưng sau 5 năm công bố quyết định thanh tra, không chỉ không khắc phục được khó khăn mà còn chồng chất khó khăn, đời sống, nơi tập luyện của vận động viên cũng khó khăn, đại biểu đề nghị Bộ trưởng trao đổi thêm nội dung này?

          Bộ trưởng cho biết, Bộ đã rà soát, nỗ lực xử lý những kiến nghị của thanh tra. Bộ đang rà soát quy hoạch, xử lý những tồn đọng và nghiên cứu hướng khai thác cụ thể để phát huy được hiệu quả theo hướng đầu tư công- quản trị tư.

          5 nhiệm vụ, giải pháp đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch

          Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nhóm vấn đề về văn hóa, thể thao, du lịch

          Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. 

          Các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật được quan tâm. Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, có thành tích đạt cấp khu vực, châu lục và quốc tế…

          Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết.

Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp 

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù. 

Thứ hai, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Thứ ba, sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch. Rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông