Bừng sáng đô thị mới bắc sông Cấm

19:04 10/02/2024

Những ngày cuối năm 2023, bất cứ ai đi qua đường Đỗ Mười thuộc Khu đô thị mới bắc sông Cấm đều cảm thấy ngỡ ngàng trước tiến độ xây dựng nhanh chóng của 2 công trình thế kỷ của Hải Phòng: Trung tâm Chính trị- Hành chính và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn. Tại đây, các khối nhà đã dần mọc lên, rõ diện mạo theo đúng thiết kế được duyệt, thể hiện rõ sự bề thế, hiện đại, quy mô, tương xứng với vị thế Hải Phòng- đô thị lớn thứ ba cả nước. Mỗi người dân Hải Phòng đều dạt dào cảm xúc, vô cùng tự hào về một vùng đất mới, một khu đô thị mới sầm uất dần hiện hữu, một khu vực phát triển năng động của Hải Phòng đang thực sự bừng sáng.

                                                                          Trung tâm đô thị hành chính mới

           Đến bây giờ, khi trực tiếp chứng kiến những công trình mới nguy nga hiện lên tại bờ bắc sông Cấm, người dân Hải Phòng đã có thể mường tượng hình ảnh khu vực này trong 1-2 năm tới. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, năm 2016,  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới bắc sông Cấm, trên diện tích 317 ha, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng 2.600 tỷ đồng; xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ hơn 2.000 tỷ đồng; xây dựng các hạ tầng khác gần 5.000 tỷ đồng. Với tinh thần vô cùng quyết liệt và khẩn trương, đến nay hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới bắc sông Cấm đã cơ bản hoàn thành, là yếu tố quan trọng để thành phố triển khai xây dựng 2 công trình quy mô, tầm vóc lớn là Trung tâm Chính trị- Hành chính và Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn với tổng vốn đầu tư hơn 4800 tỷ đồng.

                      Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm đã rõ diện mạo, được hoàn thành năm 2025 (ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa)

Trung tâm Chính trị - Hành chính được khởi công năm 2023  và đang được bố trí nguồn vốn đầu tư công kịp thời; thi công khẩn trương, hứa hẹn sẽ là trung tâm Chính trị- Hành chính đẹp, hiện đại, quy mô lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn với sức chứa 1500 chỗ; ngoài ra còn có hội trường đa năng với gần 500 chỗ ngồi; phòng họp bàn tròn với 100 chỗ ngồi và hơn 10 phòng họp nhỏ có từ 20 đến 100 chỗ ngồi/phòng; đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tổ chức các hội nghị; các cuộc biểu diễn với quy mô lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đây là công trình có giá trị về mặt kiến trúc; với ý tưởng từ hình ảnh của giọt nước rơi xuống mặt nước, tạo ra các làn sóng lan tỏa, cũng có thể coi là tượng trưng cho vai trò động lực, lan tỏa của thành phố Hải Phòng. Công trình này cùng với công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ cảnh quan kiến trúc khu vực đô thị mới bắc sông Cấm theo hướng đồng bộ và hiện đại, mang tầm cỡ quốc tế. Cả 2 công trình được quyết tâm hoàn thành vào năm 2025 để tới thời điểm đó, Hải Phòng  hoàn thành việc di chuyển Trung tâm Chính trị- Hành chính thành phố sang phía bắc sông Cấm. Đặc biệt là phục vụ tổ chức các sự kiện chính trị lớn của thành phố trong năm 2025 gồm: kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 – 13-5-2025); Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng năm 2025; Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025 – 2030…

          Nói như thế để thấy rằng 2 công trình thế kỷ được triển khai năm 2023 mang lại niềm hân hoan cho người dân đất Cảng. Đây cũng là sự khẳng định cho sự tăng tốc, phát triển vững chắc của thành phố, bất chấp tác động hậu đại dịch COVID-19 và  những biến động khó lường của thế giới; cũng là thể hiện tiềm lực của Hải Phòng khi có thế tự lực cánh sinh xây dựng các công trình trị giá 2300- 2500 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tự cân đối. Đây cũng chính là sự hiện thực hóa quyết định 323 ngày 30-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định khu vực bắc sông Cấm là một trong 3 trung tâm đô thị, một trong 3 hướng phát triển đô thị bứt phá, là đô thị hành chính mới của Hải Phòng.

          Vươn xa một dáng Hải Phòng

          Có thể khẳng định, với 2 công trình thế kỷ và khu đô thị mới bắc sông Cấm, dáng vóc đô thị Hải Phòng bỗng trở lên bề thế, hiện đại với sức cuốn hút đến kỳ lạ. Cầu Hoàng Văn Thụ với hình tượng cánh chim biển hoàn thành năm 2019 không chỉ là điểm nhấn mới về kiến trúc mà còn là nhịp cầu nối đô thị cũ với khu đô thị mới bắc sông Cấm.

Thành phố đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng đường Đỗ Mười, là đường trục chính Khu đô thị mới bắc sông Cấm

Đường Đỗ Mười kéo dài tới đường trục KCN VSIP với tổng chiều dài hơn 3km, có mặt cắt ngang 65-90m thực sự là đại lộ thênh thang, là tuyến đường trục lõi của khu đô thị. Không phải ngẫu nhiên mà Hải Phòng dành hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến đường này, vì ngoài nhiệm vụ kết nối đô thị cũ với khu đô thị mới bắc sông Cấm, với Trung tâm Chính trị- Hành chính; Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn còn mở ra một không gian, dư địa phát triển vô cùng rộng lớn.

Theo tính toán, chỉ riêng tuyến đường Đỗ Mười kéo dài có thể tạo ra quỹ đất hơn 44ha để phát triển đô thị vùng phụ cận. Quỹ đất này được đưa ra đấu giá, sẽ mang lại cho ngân sách thành phố hàng trăm nghìn tỷ đồng, thực sự là một nguồn lực lớn để phát triển Hải Phòng.  Khu vực này sẽ có các khu đô thị mới hiện đại do các nhà đầu tư tầm cỡ thực hiện; khu đất giáo dục; trung tâm thương mại, dịch vụ… Tất cả sẽ tạo nên một hình ảnh hoàn toàn mới về đô thị Hải Phòng, đã hiển hiện ngay trước mắt chứ không còn xa xôi.

          Khu đô thị mới bắc sông Cấm còn tạo được ấn tượng mạnh mẽ bởi Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP. Tại đây, với các khu đất công nghiệp được quy hoạch và đã hiện lên hàng trăm nhà máy mới, còn có khu đô thị mới với các tòa nhà có kiến trúc đẹp và độc đáo; các khu shophouse và khu trung tâm thương mại tiện lợi; khu vực công viên cây xanh, cảnh quan thông thoáng mát lành. 

Cùng với đó  là khu đô thị mới Quang Minh  đã hình thành và một loạt các khu đô thị đang được triển khai như Hoàng Huy New City; Hoàng Huy Green River… Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên liền kề với hệ thống sân gôn; biệt thự nghỉ dưỡng, công viên chủ đề… làm tăng thêm sức hấp dẫn cho khu đô thị mới. Năm 2023, Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng cầu Máy Chai nối Vũ Yên với phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, giúp sự kết nối sang khu đô thị mới càng tiện lợi. Và điểm nhấn, sự đặc biệt không đâu có được chính là dòng sông Cấm trong xanh hiền hòa uốn lượn tô điểm cho khu đô thị. Xu hướng phát triển các công trình, dự án bám theo dòng sông đang mang lại rất nhiều cảm hứng cho các nhà kiến trúc. Sắp tới đây, thành phố di dời khu cảng Hoàng Diệu, xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm và phát triển, chỉnh trang đô thị đối diện với khu đô thị mới bắc sông Cấm sẽ tạo nên sự cân đối, vẹn toàn, lung linh tỏa sáng hiếm nơi nào sánh kịp.  

           Hiện thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đưa Thủy Nguyên lên thành phố trước năm 2025; tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn như đường 359, đường Máng Nước, cầu Rừng; cầu Lại Xuân… Cùng với đó là các KCN; khu đô thị được quy hoạch và thực hiện; hệ thống công viên cây xanh và các công trình phúc lợi công cộng nhanh chóng hình thành, sẽ tạo đà làm bừng lên sức sống của Khu đô thị mới bắc sông Cấm, một không gian sống lý tưởng mới mà bất cứ ai cũng mong ước./.

                                                                                                                                   Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích