15:00 02/01/2024 Hai năm (2022-2023), với sự tham mưu đắc lực, hiệu quả của CATP, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện Đề án 06/CP, qua đó phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân chung tay đẩy nhanh tiến độ Đề án. Nhờ đó, Hải Phòng đã đặt được bước đệm” vững chắc cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Đầu tiên phải nhắc tới nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, quyết định tới thành bại trong triển khai Đề án 06/CP, đó là công tác tuyên truyền, khai thông nhận thức cho người dân về ý nghĩa, vai trò, vị trí của Đề án 06/CP cũng như các tiện ích của thẻ CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) đối với cộng đồng và mỗi một cơ quan, doanh nghiệp.
Được biết, từ đầu tháng 4/2022, 100% các xã/phường/thị trấn; thôn/tổ dân phố trên toàn địa bàn Hải Phòng đã thành lập Tổ công tác chuyên tuyên truyền về ứng dụng VNeID, đăng ký tài khoản ĐDĐT. Kết hợp với đó, các nhóm nhiệm vụ như đổi mới cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cũng như tổ chức thực hiện đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; cập nhật, chuẩn hóa danh mục tài liệu, hồ sơ TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia cho đến rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết TTHC đã được các sở, ban, ngành, địa phương đồng bộ, quyết liệt triển khai.
Riêng CATP với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP địa phương vừa tích cực tham mưu vừa phối kết hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ Đề án đặt ra đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị đẩy cao tiến độ thực hiện các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử cũng như mở các đợt cao điểm nước rút thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử, tài khoản ĐDĐT...
Thành quả bước đầu
Với sự vào cuộc quyết liệt nói trên, qua hai năm, Đề án 06/CP trên địa bàn Hải Phòng đã gặt hái những trái ngọt. 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử; 100% văn bản được gửi trên môi trường mạng.
Triển khai Hải quan điện tử, Hải Phòng đã có trên 99,65% doanh nghiệp tham gia. Cùng với đó, 100% các bệnh viện sử dụng phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin Giám định BHXH.
Đối với nhóm tiện ích giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hải Phòng cũng đã công bố Danh mục TTHC của thành phố gồm 1.733 TTHC; trong đó có 1.140 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 543 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được thành phố nghiêm túc triển khai. Từ 16/12/2021 đến 15/12/2023, toàn thành phố đã giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC cho 1.682.048 hồ sơ/1.789.494 hồ sơ tiếp nhận.
Về nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến nay Hải Phòng đã có gần 1,8 triệu trường hợp đồng bộ xác thực CCCD từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với thẻ BHYT có hiệu lực; trên 180 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ bằng CCCD với 1.355.514 lượt tra cứu, trong đó có 1.103.631 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Đáng chú ý, trong năm 2023, BHXH thành phố đã có 12.766/12.953 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 98,6%; 139.980 hồ sơ được nhận qua giao dịch điện tử và dịch vụ công. Việc sử dụng văn bản, học bạ và sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, tài liệu giấy. Hệ thống chữ ký số được thực hiện từ Sở GD&ĐT cho đến các Phòng GD&ĐT và các trường học. Hiện thành phố đã có 14.372/14.574 đơn vị, doanh nghiệp kê khai thu nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp qua giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 98,61%. Ước trong năm 2023, có 383.262 hồ sơ được tiếp nhận, trả qua dịch vụ bưu chính và giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 70% so với tổng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả; có 10.613 lượt người sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công ngành BHXH, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Quyết liệt triển khai các mô hình điểm Đề án 06/CP, nhất là các mô hình do CATP trực tiếp chủ trì thực hiện, đến nay, toàn thành phố còn có trên 120 cơ sở khám chữa bệnh có bệnh nhân lưu trú, gần 1.900 cơ sở lưu trú được cấp, phê duyệt tài khoản, cài đặt phần mềm ASM; gần chục cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ, cầm đồ trang bị thiết bị đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp điện tử, thiết bị xác minh di động. Hạ tầng viễn thông của thành phố không ngừng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp với công nghệ hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối số, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.
Những thành quả bước đầu kể trên là cơ sở vững chắc để thành phố Cảng bước nhanh trên tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng thành công nền kinh tế số, xã hội số...
Khánh Chi
16:13 21/11/2024