Các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, tạo tiền đề phát triển sản xuất, kinh doanh

09:11 21/03/2022

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng, mặt bằng lãi suất tiền gửi trên địa bàn thành phố trong quý I năm 2022 tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến 31-3-2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố ước thực hiện đạt 269.416 tỷ đồng, bằng 102,88% so với năm 2021. Kết quả này cho thấy các ngân hàng đang tích cực đầu tư vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Agribank

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Hải Phòng, hiện lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam của các Chi nhánh TCTD trên địa bàn phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1%-7,1% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất suy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư.

Như vậy, so với thời điểm cuối năm ngoái, mặt bằng lãi suất tiền gửi trên địa bàn thành phố trong quý I năm 2022 tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ do các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm. Để thu hút nguồn vốn, nhiều ngân hàng trên địa bàn thành phố đã tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn

Qua khảo sát tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng nhận được lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên Ngân hàng số VPBank Neo. Còn tùy theo kỳ hạn và sản phẩm tiết kiệm khác, lãi suất huy động tại VPBank tăng 0,5-0,7%/năm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng được niêm yết lãi suất 6,2%/năm, còn gửi 6 tháng là 5,5%/năm.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất gửi, tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Theo bảng lãi suất mà MSB đang niêm yết, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng; còn 5-5,3%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Hay như với Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất tiền gửi cũng tăng 0,2-0,5%/năm, lên mức cao nhất 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng; tiếp đến là mức 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua huy động vốn. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng gửi tiết kiệm online được cộng thêm 0,3-0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2-0,4/năm, tùy theo kỳ hạn gửi.

Theo đó, lãi suất cao nhất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 12-36 tháng; kỳ hạn 9 tháng là 4,4%/năm. Nhiều ngân hàng khác lại triển khai các chương trình tặng quà, hoặc ưu đãi cho khách hàng gửi tiền. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tặng khách 100.000 đồng khi gửi tiết kiệm tại quầy…

Tuy nhiên, việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn lại khiến các doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ bị đẩy tăng. Giám đốc một DN chế biến thực phẩm tại quận Lê Chân chia sẻ đang phải vay vốn kỳ hạn 6 tháng từ một ngân hàng TMCP nhỏ, lãi suất 9%/năm.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, mức lãi suất này sẽ được điều chỉnh là 2%/năm. Tính ra, bình quân lãi vay kỳ hạn 6 tháng là 10%/năm. Trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này là 5,7%/năm. Nay ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm thì chắc chắn sẽ đẩy lãi vay tăng. Bên cạnh đó, không ít các DN còn lo ngại, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng lên trên 7%/năm (dành cho những khách hàng có số tiền lớn từ vài chục tỷ đồng trở lên). Sau đó, sẽ lấy mức lãi suất này làm căn cứ rồi cộng thêm biên độ từ 3-4% để cho vay, đẩy lãi suất lên cao.

Cùng chung lo ngại trên, Đại diện một doanh nghiệp sản xuất trong Khu công nghiệp An Dương cho biết, công ty đang phục hồi sản xuất mạnh, nhu cầu về nguyên liệu trên thị trường đang gia tăng trở lại nên DN đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc phục hồi vẫn chưa được như trạng thái ban đầu, do đó nguồn tài chính vẫn khó khăn. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến cho công ty cũng như các DN khác lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, như vậy cũng tác động đến nguồn tiền của DN, trong đó có cả những khoản vay cũ.

Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hải Phòng cho biết, đến hiện tại, ghi nhận việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa tác động đến lãi suất cho vay. Để hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng sẽ tiếp tục bám sát các quyết định của Trung ương để chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ những giải pháp tín dụng cho người dân, DN. Đặc biệt là vấn đề triển khai cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi của DN.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông