18:06 18/08/2017 Cách đây 72 năm, ngày 23-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát lớn Hải Phòng, trước sự chứng kiến của hàng vạn người dân, đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát-xít Nhật, thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời. Đây là giây phút lịch sử trọng đại không thể phai mờ trong tâm thức người dân Hải Phòng.
Cách mạng Tháng Tám là hệ quả tất yếu từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng
Ngược dòng lịch sử, chúng ta nhớ lại vào đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ 2 đang đi đến hồi kết. Hồng quân Liên Xô quét sạch phát-xít Đức ra khỏi lãnh thổ của mình, giải phóng một loạt các nước Đông Âu, đồng thời tiến công đến sát Béc-lin, sào huyệt của phát-xít Đức. Ở mặt trận Thái Bình Dương, phát-xít Nhật liên tiếp bị quân Đồng minh giáng cho những đòn chí mạng.
Tại Đông Dương, nhằm đảo ngược tình thế, ngày 9-3-1945 phát-xít Nhật bất ngờ tấn công quân Pháp. Không đầy một ngày đêm, quân Pháp đầu hàng Nhật trên toàn cõi Đông Dương. Cũng ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị TW Đảng đã họp khẩn cấp và ngày 12-3-1945, ra Chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Thực hiện Chỉ thị ngày 12-3-1945: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”, “Giữ lấy thóc mà ăn”, “Không nộp một hạt thóc, một đồng xu cho Nhật”, nhân dân ta trong cả nước vùng lên đấu tranh với chính quyền tay sai của Nhật, với bọn chủ các công ty và bọn địa chủ, cường hào ở vùng nông thôn.
Ở Hải Phòng, tự vệ và công nhân Cảng xông vào phá kho gạo, kho bột mì chia cho các gia đình bị đói. Vùng nông thôn, Việt Minh yêu cầu các tri huyện, chánh tổng, lý trưởng không được thu thóc, thu thuế cho Nhật. Phong trào “Chống đói, cứu đói” lên cao tại nhiều huyện, xã.
Tự vệ làng Kim Sơn, xã Đoàn Xá (Kiến Thụy) phá kho thóc của địa chủ Hoàng Trọng Phu; phối hợp với tự vệ Tiên Lãng phá kho thóc Bec-Na (xã Vinh Quang). Tự vệ xã Phục Lễ (Thủy Nguyên) phá kho thóc của địa chủ Nguyễn Thừa Đạt… Đó là những đốm lửa đầu tiên nhanh chóng trở thành một cao trào kháng Nhật rộng khắp cả Hải Phòng - Kiến An.
Nhận định tình hình chung Hải Phòng - Kiến An đang có nhiều thuận lợi cho ta, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, Ban lãnh đạo Việt Minh đã phân công các đồng chí Xứ ủy viên trực tiếp chỉ đạo phong trào ở một số huyện và nội thành; thành lập đội tuyên truyền xung phong, phát động phong trào mua sắm vũ khí, phát triển, mở rộng các đội tự vệ cứu quốc; chống Nhật bắt lính, thu thuế.
Lúc này ở nội thành, Mặt trận Việt Minh đã thành lập được các đội tự vệ trong các nhà máy: Xi măng, Toa xe, Ca-rông và các khu: Thượng Lý, Lạc Viên… Vùng ngoại thành, các đội du kích ở nhiều thôn, xã thuộc các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, An Dương… cũng đã được thành lập.
Tới tháng 7-1945, phong trào cách mạng của Hải Phòng - Kiến An phát triển mạnh chưa từng thấy. Nhiều nơi, cả làng là Việt Minh. Ngày 1-7-1945, tự vệ Thủy Nguyên đột nhập phủ Thủy Đường, khống chế lính, thu 14 khẩu súng.
Trước sức mạnh của phong trào cách mạng, nhiều chánh tổng, lý trưởng tự nguyện đem nộp triện đồng, bằng sắc cho Việt minh tại đình Pháp Cổ xã Lại Xuân thuộc huyện.
Ngày 11-7-1945, tự vệ Kiến Thụy bất ngờ tấn công đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu nhiều vũ khí, cắm cờ trên nóc đồn địch. Thắng lợi tại đồn Đoan đã cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhân dân huyện Kiến Thụy nói chung và làng Kim Sơn nói riêng nổi dậy giành chính quyền.
Tiếp đó, ngày 12-7-1945, nhân dân nhiều xã trong huyện Kiến Thụy, tự vệ Tiên Lãng tiến về làng Kim Sơn, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thiết lập chính quyền cách mạng. Tại đình làng Kim Sơn, “Ủy ban dân tộc giải phóng” Kim Sơn được thành lập do đồng chí Hồng Vân làm Chủ tịch.
Sự kiện “Ủy ban dân tộc giải phóng” Kim Sơn ra đời đã làm cho địch và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Quân Nhật lập tức tăng cường lực lượng đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng ở Kim Sơn.
Và sáng 4-8-1945, phát-xít Nhật điều 2 xe cam-nhông chở 40 lính và sĩ quan tấn công Kim Sơn làm chết một số người dân. Được tin mật báo, các đội tự vệ và quần chúng ở các xã: Tú Đôi, Điền Xá, Lão Phong, Kính Trực (Kiến Thụy) kéo lên. Lực lượng tự vệ các làng Yên, Kim, Kỳ, Điền (Tiên Lãng) cũng vượt sông phối hợp đánh địch. Dù vũ khí thô sơ, ít ỏi, song với tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng, đến trưa, ta buộc quân địch phải rút lui.
Sự kiện thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn và cuộc chiến đấu chống Nhật khủng bố thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Hải Phòng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. “Tiếng trống” Kim Sơn thôi thúc nhân dân Hải Phòng - Kiến An đứng lên cùng cả nước đứng lên giành độc lập.
Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và quân Đồng minh. Phong trào kháng Nhật lúc này đã đến đỉnh cao. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, chính quyền tay sai suy sụp. Đêm 14, rạng 15-8-1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa Kiến Thụy đã lãnh đạo nhân dân trong toàn huyện giành chính quyền tại phủ Kiến Thụy.
Chiều 15-8, Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Kiến Thụy được thành lập trong không khí cách mạng sục sôi. Thắng lợi này cùng với việc giành chính quyền ở Hà Nội (19-8) đã khích lệ, thôi thúc nhân dân các huyện ở Hải Phòng, Kiến An đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 21-8-1945, Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Vũ Quốc Uy về Hải Phòng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Sáng 21-8-1945, tại trụ sở Thành bộ Việt Minh (14 Cát Dài), lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trước gió. 9 giờ sáng hôm đó, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đến gặp Thị trưởng thành phố và được Thị trưởng hoàn toàn ủng hộ Việt Minh.
Đêm 22-8-1945, cả Hải Phòng không ngủ, chờ đợi một thời khắc lịch sử sắp diễn ra. Sáng sớm ngày 23-8-1945, hàng vạn người dân từ nhiều ngả đường giương cao cờ đỏ sao vàng, như dòng thác lớn đổ về quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Tiến vào trung tâm thành phố còn có lực lượng vũ trang của chiến khu Trần Hưng Đạo và Trung đội tự vệ Kiến An.
Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra, cờ đỏ sao vàng tung bay trước mặt tiền Nhà hát lớn, bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng như thúc giục lòng người. Đồng chí Vũ Quốc Uy, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát-xít Nhật; thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời Hải Phòng.
Sau cuộc mít tinh, các đơn vị của chiến khu Trần Hưng Đạo và tự vệ thành phố thực hiện việc chiếm giữ các vị trí trọng yếu của địch như: Sở biến binh, Ty Liêm Phóng, Tòa thị chính, Bưu điện, bến Cảng, Nhà máy Điện, Nhà máy Xi-măng…
Sau khi khởi nghĩa thắng lợi ở trung tâm thành phố Hải Phòng, chiều 24-8-1945, nhân dân tỉnh Kiến An cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, thành lập chính quyền cách mạng tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945 ở Hải Phòng - Kiến An là kết quả của quá trình vận động cách mạng, của phong trào cách mạng liên tục ở Hải Phòng - Kiến An, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 ở Hải Phòng đã cùng nhân dân cả nước đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân - phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Đỗ Xuân Trung