| hó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư Pháp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Sáng 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.
Báo cáo nhìn lại 2 năm Bộ Tư pháp được giao theo dõi công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính cho thấy công tác này tiếp tục được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực.
Việc chuyển giao bộ máy kiểm soát thủ tục hành chính từ hệ thống văn phòng sang hệ thống các cơ quan pháp chế, tư pháp tuy có nhiều xáo trộn, nhưng với trách nhiệm được giao và quyết tâm thay đổi phương pháp, cách thức triển khai phù hợp nên công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục được duy trì ổn định và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuộc 5 lĩnh vực thuế, hải quan, kiểm dịch động vật, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến cải cách trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Hiện, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các thành viên Hội đồng, thành viên Ban công tác triển khai có hiệu quả các hoạt động được đề ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2014 như triển khai hoạt động tư vấn, đề xuất sáng kiến cải cách các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế; an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm nông sản; giải thể doanh nghiệp; cấp sổ hộ nghèo và các thủ tục hành chính liên quan; đất đai cho doanh nghiệp và các mô hình thủ tục hành chính về bồi thường giải phóng mặt bằng; triển khai hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan điện tử.
Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Trưởng Ban chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này trong năm 2014 và Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2020; tổ chức, triển khai thực hiện việc hệ thống hóa các thủ tục hành chính , giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi của Đề án 896.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896 đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, tham gia ý kiến hoàn thiện Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm việc triển khai thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng thừa nhận công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính vẫn còn những tồn tại, hạn chế, việc tổ chức thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ tại một số bộ, ngành còn chậm; việc đánh giá tác động và lấy ý kiến đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; việc công bố, công khai thủ tục hành chính chưa bảo đảm kịp thời, đầy đủ, không thống nhất về số lượng và nội dung thủ tục; công tác phối hợp giữa đơn vị chủ trì thẩm định với đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính chưa chặt chẽ; hiện tượng yêu cầu thêm các giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ theo quy định vẫn còn phổ biến; thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực vẫn còn phức tạp và tiếp tục là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy quá trình cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, đây cũng là lĩnh vực rất khó làm, phức tạp, có nhiều đụng chạm, đổi mới đã khó, cải cách còn khó hơn.
Phó Thủ tướng ghi nhận Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo động lực phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Báo cáo đã đánh giá đúng mức tình hình chung về công tác cải cách thủ tục hành chính và quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận những kết quả đạt được chỉ là bước đầu, công tác kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính hiện còn nhiều hạn chế, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, là lực cản đối với sự phát triển, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến người dân.
Cần đặt lại vấn đề “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, đoàn thể cùng chung tay thực hiện.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính cũng như các nhiệm vụ liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tiếp tục coi nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, không để bộ máy ôm đồm quá nhiều việc; bên cạnh đó chú trọng đến công tác đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, đảm bảo giải quyết kịp thời thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra.
Bộ Tư pháp cần tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính để đảm bảo người dân, doanh nghiệp sớm được hưởng lợi từ kết quả cải cách, không để xảy ra tình trạng chưa kịp cắt giảm thủ tục cũ đã đẻ ra các thủ tục mới, các giấy phép con.
Phó Thủ tướng chỉ rõ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp nhưng đây không phải là công việc riêng của Bộ Tư pháp mà các bộ, ngành khác cũng cần có trách nhiệm, mỗi bộ, hoặc bộ trưởng hoặc thứ trưởng phải phụ trách công tác này.
Các bộ không chỉ cải cách thủ tục hành chính ở bộ mình mà cần có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư giai đoạn 2013-2020, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ liên quan triển khai sớm. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cần làm tốt hơn công tác phối hợp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đề xuất cơ chế để Chính phủ có thể lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu trong quản lý nhà nước về công tác này.
Các bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện cho cán bộ các bộ phận cải cách thủ tục hành chính hoàn thành nhiệm vụ. Theo VIETNAM+ |