Cam go cuộc chiến với những băng nhóm tội phạm

16:04 14/09/2013

Đấu tranh với các băng ổ nhóm tội phạm là nhiệm vụ hàng đầu của CBCS Đội 9, Phòng CSĐTTP hình sự - CATP Hải Phòng. Cuộc chiến càng trở nên cam go hơn khi tình hình hoạt động của tội phạm có tổ chức đang gia tăng và diễn biến phức tạp với xu hướng cấu kết, móc nối với các đối tượng ở các tỉnh, thành phố khác, thậm chí cả với những đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Hậu quả một số vụ xảy ra là rất nghiêm trọng, phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh xã hội, gây bức xúc dư luận nhân dân…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc chiến cam go…

 Để nói về đặc điểm tội phạm ở Hải Phòng, trung tá Nguyễn Hồng Nam, đội trưởng Đội 9 (phòng chống tội phạm có tổ chức và yếu tố nước ngoài) gói gọn trong các từ: lạnh lùng, bản lĩnh và thủ đoạn. Chỉ vậy thôi cũng đủ để làm nên “thương hiệu” giang hồ đất Cảng. Có thể kể tên những băng nhóm tội phạm khét tiếng một thời như Nhật “xoăn”, Đông “động”, Tuyết “Băng kốc”, Tuyến “lợn”, Lợi “ét”, cu Nên, Dung “hà” hay Lâm “già” và gần đây là Long “tuýp”, Tộ “tích”, Điển “còi… Điều đó cho thấy rằng, lực lượng Công an Hải Phòng thường xuyên phải đối mặt, đấu tranh, đấu trí với các loại tội phạm nguy hiểm. 

              

Với nhiều thành tích đạt được, Phòng PC45 và CBCS Đội 9 liên tục được Giám đốc CATP biểu dương, khen thưởng

Cũng theo trung tá Nguyễn Hồng Nam, ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, hoạt động của tội phạm có khác nhau. Đáng chú ý, trong thời gian qua, hoạt động phạm tội chủ yếu tập trung vào các loại hành vi như: sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, bắn, giết, gây thương tích, gây rối TTCC, trả thù thanh toán lẫn nhau, bảo kê, đòi nợ, xiết nợ thuê, tranh giành địa bàn hoạt động của các ổ nhóm tội phạm cờ bạc…

Việc phát hiện, điều tra các tội phạm trên của cơ quan pháp luật gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhiều băng nhóm tội phạm đã tìm cách dựng lên vỏ bọc hợp pháp của một công ty, doanh nghiệp, một tổ chức. Bên cạnh những hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật để tồn tại là những hoạt động bất hợp pháp để thu siêu lợi nhuận. Những tên cầm đầu vẫn là “doanh nhân” thành đạt, có điều kiện mở rộng quan hệ ngoại giao với những người có quyền lực để lợi dụng họ.

Với số tiền lớn có được do hoạt động phạm tội, chúng còn dùng một phần để hối lộ, mua chuộc những người có trách nhiệm để bao che, tạo điều kiện cho chúng hoạt động, gỡ tội khi các “đàn em” bị bắt giữ. Chúng cũng thường cung cấp giúp đỡ tài chính cho gia đình kẻ bị bắt để họ che giấu và cả nạn nhân để họ không đứng ra tố giác.

Đơn cử như hoạt động của băng nhóm Mai Đức Vượng (tức Tộ “tích”, sinh 1981, ở số 9/47 Nguyễn Hữu Tuệ, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền). Không đơn thuần chỉ là những hoạt động đâm thuê, chém mướn, cờ bạc, hay tranh giành lãnh địa, Tộ “tích” còn tham gia vào những hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2008, khi mới 27 tuổi, Tộ “tích” đã gây dựng được một gia tài kha khá với nhiều nhà hàng karaoke, hiệu cầm đồ, bến bãi và hệ thống cá độ bóng đá…

Trung tá Nguyễn Hồng Nam nhìn nhận, hoạt động của tội phạm có tổ chức đang gia tăng và diễn biến phức tạp, không giới hạn ở Hải Phòng, mà ngày càng thể hiện rõ xu hướng cấu kết, móc nối với các đối tượng ở các tỉnh, thành phố khác, thậm chí cả với những đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... hình thành những tổ chức, đường dây tội phạm liên tỉnh, thành phố và mang tính quốc tế.

Cũng như nhiều tay anh chị đất Cảng, sau khi gây ra hàng loạt vụ án kinh hoàng bị phát lệnh truy nã, Tộ “tích” đã tìm đường Nam tiến. Trong thời gian bỏ trốn, Tộ “tích” vẫn được đàn em cung phụng tiền bạc để tiêu xài, ăn chơi. Kể cả khi đã trốn được ra nước ngoài, Tộ “tích” vẫn điều hành mọi công việc ở quê nhà, thậm chí còn chỉ đạo đàn em “giải quyết” mâu thuẫn của mình trước đó với Nguyễn Chí Kiên (tức Kiên “lợn”, sinh 1978, ở phường An Biên, quận Lê Chân).

Hay như Lê Văn Điển, sinh 1973, tức Điển “còi”) cầm đầu băng nhóm “hùng cứ” toàn bộ khu vực Quán Toan (quận Hồng Bàng) với các hoạt động cờ bạc, cầm đồ, cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê… Sau khi có được tý “số má”, Điển “còi” lập tức mở rộng hoạt động vào các tỉnh phía Nam, nhưng chỉ được thời gian ngắn thì bị dính “nã” trong phi vụ tổ chức đánh bạc bịp chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của một giám đốc DN tại thành phố Hồ Chí Minh. Tương tự, T. “xìn” (ở phường Đông Hải, quận Hải An) sau khi vác súng bắn trọng thương một đối thủ B. “đông” cũng bỏ trốn. Hàng ngày T. “xìn” kết hội với giang hồ bản địa hoạt động trong các sòng bài, lúc ở Campuchia, khi lại sang Trung Quốc nhưng vẫn thường xuyên chỉ đạo đám đàn em ở Hải Phòng tham gia các hoạt động phạm tội. Còn như T. “mít”, một dân anh chị của Hải Phòng nhưng lại mang quốc tịch nước ngoài. Lâu lâu T. “mít” lại “hồi hương” điều hành, chỉ đạo đám ong ve tham gia một số vụ rồi lại biệt tích…

Những hy sinh thầm lặng

Lật lại tập hồ sơ chuyên án 713T vừa được triệt phá thành công bắt ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy đòi tiền chuộc do Phạm Tiến Thành (sinh 1986, ở Du Lễ, Kiến Thụy) cầm đầu, trung tá Nguyễn Hồng Nam tâm sự, đã mấy tuần nay anh em trong đội gần như không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có người cả tuần chỉ đảo về nhà… thăm gia đình, vợ con được 1, 2 lần rồi lại lao vào công việc.

Chỉ tính từ tháng 3-2013 cho đến nay, CBCS đội đã trực tiếp điều tra, khám phá hơn 20 vụ án, trong đó xác lập đấu tranh thành công 5 chuyên án, bắt giữ hàng chục đối tượng nguy hiểm, đồng thời tham gia đấu tranh nhiều chuyên án lớn khác. Hầu hết các vụ việc đều phức tạp, có nhiều đối tượng tham gia liên tiếp gây án với phương thức, thủ đoạn manh động nhưng cũng hết sức tinh vi khiến việc củng cố tài liệu, chứng cứ để đấu tranh làm rõ gặp nhiều gian nan…

Vậy nhưng với mỗi vụ án, mỗi chuyên án cho đến khi kết thúc công việc, dường như trong tâm trí của tất cả CBCS Đội 9 đều không có nỗi vất vả mà chỉ còn là những kỷ niệm vui, buồn. Nhớ lại thời điểm chuẩn bị có quyết định phục hồi điều tra đối với một loạt đối tượng sừng sỏ sau khi gây án giả điên để được đi chữa bệnh bắt buộc, CBCS Đội 9 cho biết, tại Bệnh viện Giám định Pháp y tâm thần TW (Hà Nội), các đối tượng Tộ “tích”, Tuấn “tượng” và Thắng “Quán Toan” nói là đi chữa bệnh nhưng chẳng khác nào đi… an dưỡng.

Trong khi hàng chục CBCS công an phải ăn đói, mặc rét, ròng rã thức trắng nhiều đêm để giám sát thì các đối tượng lại được ăn sung mặc sướng. Cùng với các đám “giang hồ đất Cảng” còn có hàng chục đối tượng đều là dân anh chị của các địa phương khác cũng đi… chữa bệnh(!). Tất cả các đối tượng này đều được ở phòng yêu cầu với đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, điều hòa. Thậm chí hàng ngày bọn chúng còn tụ tập, đàn đúm cùng bạn bè, gia đình ăn uống phè phỡn…

Lúc trinh sát ập vào trong phòng bắt Tộ “tích”, cũng là lúc hắn đang cùng vợ, con bày hải sản ngập mâm ăn uống. Để áp giải Tộ “tích” về Hải Phòng, Tổ công tác đã phải cân nhắc, tính toán đưa ra nhiều phương án để đảm bảo an toàn. Tận cho đến khi về đến trụ sở cơ quan, sau khi đi mua cơm, mua nước uống về động viên Tộ “tích” ăn xong, nhiều anh em mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc này có người giật mình nhớ ra, cả ngày mình… chưa được ăn bữa cơm nào.

Hay như mới đây, vào ngày 12-7, tại cửa hàng quần áo 175 Nguyễn Đức Cảnh, có 3 đối tượng giả làm khách mua hàng. Sau khi chọn được một số quần áo, giày dép, mũ… toàn là đồ hiệu, trị giá khoảng 150 triệu đồng cho vào túi, chúng hùa nhau bỏ chạy. Khi bị chủ nhà phát hiện đuổi theo thì bọn chúng dùng dao chống trả quyết liệt rồi tẩu thoát. Sau gần một tuần kiên trì truy tìm, trinh sát đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng gồm: Nguyễn Mai Phong (tức Phong “cụt”, sinh 1965, ở 49/88 Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh), Nguyễn Đồng Thịnh (tức Thịnh “Chích”, sinh 1983, ở 408 Tô Hiệu, phường Hồ Nam) và Trần Duy Phương (sinh 1954, ở 159 Đình Đông, phường Đông Hải, cùng quận Lê Chân).

Khi được hỏi, các đối tượng thừa nhận vì nghiện ma túy và ưa dùng… đồ hiệu nên chúng đi cướp lấy tiền mua sắm, ăn chơi. Toàn bộ quần áo, giày dép, mũ, nước hoa mà các đối tượng sử dụng không có cái nào trị giá dưới 10 triệu(!). Nghe đến đây, nhiều anh em trong đội lại giật mình nhìn xuống bộ quần áo đang mặc, có người nhớ ra đã 2, 3 ngày chưa kịp về nhà thay quần áo.

Nhận phụ trách công tác từ tháng 3-2013 đến nay, Đội trưởng Nguyễn Hồng Nam cũng như tất cả 22 CBCS Đội 9 chưa một ngày nghỉ trọn vẹn dành cho gia đình. Với các anh, mỗi chuyên án không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của những con người mang trọng trách tiếp nối những chiến công lẫy lừng đã làm nên thương hiệu Cảnh sát hình sự Hải Phòng.                               



Trần Văn


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích