Cần có quy định mở về kinh tế nhà nước

16:50 24/10/2013

Sáng qua, 23-10, trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đa số đại biểu tán thành những nội dung quan trọng mà Ủy ban sửa đổi dự thảo Hiến pháp 1992 đã giải trình, tiếp thu trong phiên họp sáng 22-10.

Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng nhất trí với chế định trong Hiến pháp sửa đổi quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế nhà nước hiệu quả kinh tế thấp, do vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có quy định mở nhưng vẫn toát lên tinh thần kinh tế nhà nước là chủ đạo, chứ không nên quy định cứng nhắc như dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay. Về quyền con người trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, quy định như trong dự thảo là chưa phân biệt rõ ràng và chưa thể hiện tách bạch giữa quyền con người và quyền công dân.

Các quy định về cơ cấu tổ chức Chính phủ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo ông Vinh, có hiện tượng co lại ở phần trên nhưng lại phình to ở phần dưới (các bộ thì co lại, nhưng lại thêm quá nhiều cục và tổng cục), đồng thời Hiến pháp cần thể hiện rõ quyền lực của Quốc hội và nhiệm vụ của Chính phủ. Về chương Chính quyền địa phương, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu hiện tượng “nông thôn nằm trong đô thị quá lớn”, nhiều quận chưa đảm bảo được về con người, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ là chính quyền đô thị, cần được xem xét kỹ lưỡng; riêng vùng huyện đảo, biển đảo cần được xem xét xếp vào nhóm riêng…

Trước đó, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng vào chiều 22-10, đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu góp ý 5 vấn đề lớn xung quanh các quy định về thẩm quyền, hình thức, thủ tục đề nghị, tiêu chí khen thưởng, nhất là khen thưởng ở mức cao; vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND…

Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định thống nhất về thẩm quyền tặng bằng khen của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vì theo ông Vinh, các tổ chức này hiện nay khen thưởng còn tràn lan, khen không có thưởng.

Ông Vinh đề nghị: Một cá nhân một năm chỉ nhận một hình thức khen thưởng cùng cấp, kể cả chuyên đề hay toàn diện; tập thể đã đề nghị danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, cá nhân đã đề nghị tặng chiến sỹ thi đua cơ sở thì thôi không đề nghị danh hiệu tập thể, cá nhân lao động tiên tiến…



TK


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông