Cân nhắc, điều chỉnh phù hợp trong xét tuyển đại học năm 2025

    13:49 26/08/2024

    Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 được cả nước áp dụng qua các phương thức: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét bằng điểm đánh giá tư duy... mở ra nhiều cơ hội trúng tuyển cho học sinh. Tuy nhiên có không ít giáo viên, phụ huynh lo ngại hình thức này gây ra sự xáo trộn nhất định trong học tập, tính công bằng trong quá trình xét tuyển.

    Các thí sinh trên địa bàn thành phố tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

    Thêm cơ hội, tăng áp lực

    Nhớ lại quãng thời gian học tập, ôn luyện kiến thức để hoàn thành chương trình lớp 12, nữ sinh Phạm Hà Anh, ở phường Đằng Hải (quận Hải An) cho biết: Trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, mục tiêu của em là sẽ trở thành sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Bách Khoa Hà Nội nên đã đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của cả 2 trường.

    Theo quy định, em không bắt buộc phải tham gia các kỳ thi này bởi nhà trường vẫn dành chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tuy nhiên, do các kỳ thi đánh giá năng lực sẽ mang thêm cơ hội trúng tuyển sớm đại học, nên em dành thời gian tìm hiểu và tham gia.

    Thời điểm đó, vừa ôn tập kiến thức cho các đợt thi thử ở trường THPT để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, vừa luyện các dạng đề thi đánh giá năng lực của 2 trường đại học trên khiến em có lúc cảm thấy “quá tải”.

    Còn em Nguyễn Anh Đức, sinh viên năm 3 Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ: Năm 2022, vào thời điểm học kỳ 2 lớp 12, Đức từng tham gia liên tiếp 3 đợt thi đánh giá năng lực do muốn có thêm cơ hội trúng tuyển đại học sớm, phần bị cuốn theo trào lưu các bạn cùng lớp.

    Tuy nhiên, việc “chạy đua” nhiều kỳ thi như vậy khiến em rất lúng túng khi chọn trường và lựa chọn tổ hợp thi. Mặt khác, mỗi trường lại có cấu trúc đề thi riêng qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông với bài thi đánh giá ba nhóm năng lực chính là: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic; xử lý số liệu, tìm hiểu, khám phá và ứng dụng khoa học...

    Chưa kể những kỳ thi này thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6 trong năm, trùng với khoảng thời gian “chạy nước rút” học kỳ 2 và thi tốt nghiệp THPT nên áp lực về tâm lý, “choáng ngợp” với lượng kiến thức là rất lớn.

    Như vậy có thể thấy một bất cập có thể nảy sinh là học kỳ 2 lớp 12 tập trung nhiều kiến thức quan trọng của bậc THPT, cũng như là thời điểm để học sinh tích lũy thành tích như giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế. Vì vậy, xét tuyển quá sớm, năng lực và kiến thức của học sinh chưa được đánh giá toàn diện, đầy đủ.

    Các thí sinh trên địa bàn thành phố tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

    Cần chú trọng định hướng cho học sinh

    Xét tuyển đại học sớm là hình thức xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và không sử dụng kết quả kỳ thi này. Bên cạnh cơ hội trúng tuyển thông qua xét điểm học bạ và các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy riêng tại các trường, như đã nói đang có khá nhiều ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh bày tỏ sự lo ngại phương thức này khiến học sinh bị “quá tải” khi phải tham gia quá nhiều kỳ thi dẫn đến xao nhãng học tập khi chưa hoàn thành chương trình phổ thông.

    Để đồng hành, định hướng đúng đắn cho học sinh, các trường THPT trên địa bàn thành phố cần hết sức chú trọng việc phân luồng, hỗ trợ các em bổ trợ kiến thức, nhất là tổ chức chu đáo hoạt động ôn thi cho học sinh khối 12 một cách chất lượng và đúng tiến độ. Điều này không chỉ giúp các em vững kiến thức tham gia các kỳ thi thử tại trường mà còn có thể “thử sức” tại các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học.

    Tuy nhiên, việc học sinh vừa hoàn thành kiến thức lớp 12, vừa học 3 môn theo tổ hợp thi THPT lại vừa ôn các kiến thức của các đề thi riêng là khá “nặng”. Do đó, việc định hướng cho các em lựa chọn mục tiêu sao cho phù hợp, tránh thi theo phong trào đang là vấn đề cốt lõi đặt ra.

    Được biết xuyên suốt năm học vừa qua, một số trường THPT như: Trần Nguyên Hãn, Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn, Đồng Hoà… đã thành lập các tổ tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp bám sát, tư vấn, định hướng chọn trường dựa trên năng lực, hoàn cảnh thực tế của từng em một cách phù hợp nhằm hạn chế việc tham gia dàn trải nhiều kỳ thi mà không đạt hiệu quả.

    Tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, trước những băn khoăn nói trên, Bộ đã nhận định, việc xét tuyển sớm trên thực tế đã có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Thái độ học tập của học sinh sẽ bị ảnh hưởng khi biết mình đã trúng tuyển đại học. Ngoài ra, việc xét tuyển sớm cũng khiến số chỉ tiêu tuyển sinh còn lại ít, điểm lên rất cao, tạo mất công bằng.

    Từ đánh giá đó, Bộ GD - ĐT đang tiếp tục cân nhắc việc tổ chức xét tuyển sớm để đưa vào định hướng công tác tuyển sinh năm 2025, đồng thời sẽ có thêm chế tài để điều tiết công tác tuyển sinh nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

    MINH KHUÊ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông