Cần tư duy mới trong quản lý thị trường vàng

09:07 28/04/2024

Phiên đấu thầu vàng miếng ngày 23-4-2024 của Ngân hàng Nhà nước thu hút 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia. Nhưng kết quả lại chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng vàng đưa ra đấu thầu, chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Trước đó, phiên đấu thầu dự kiến diễn ra ngày 22-4 phải hủy do không đủ số lượng thành viên đăng ký. Như vậy, mục tiêu đấu thầu vàng miếng để tăng nguồn cung và góp phần ổn định thị trường vàng trong nước không mang lại kết quả như mong muốn. Tuy đây chỉ là phiên đầu nhưng nhìn vào diễn biến thị trường vàng trong nước thời gian qua cho thấy cần có cách tư duy mới trong quản lý thị trường vàng.

                                                                        Nhiều yếu tố kém hấp dẫn

           Lý giải nguyên nhân vàng miếng đấu thầu “bị ế”, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó là do có nhiều yếu tố kém hấp dẫn.

          Thứ nhất là về giá. Mức giá tham chiếu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó một ngày để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm diễn ra phiên đấu thấu ngày 23-4, giá vàng thế giới bất ngờ giảm sâu. Do đó, các đơn vị tham gia đấu thầu kỳ vọng mức giá sàn đấu thầu sẽ bằng hoặc thấp hơn mức giá tham chiếu 80,7 triệu đồng. Tuy nhiên, giá  sàn dự thầu lại được công bố là 81,3 triệu, tăng 600.000 đồng so với tham chiếu. Mức giá này cao hơn 1 triệu đồng so với mỗi lượng SJC mua vào từ người dân và thấp hơn giá bán ra của các cửa hàng vàng khoảng 1 triệu đồng ở cùng thời điểm.

Với quy định số lượng tối thiểu mỗi thành viên dự thầu phải mua là 1400 lượng vàng thì họ phải bỏ ra một lúc hơn 100 tỷ đồng. Hơn nữa, mức giá sàn lại sát với giá thị trường trong nước, trong khi giá thế giới lại đi xuống nên các đơn vị băn khoăn, lo ngại và không mạnh tay xuống tiền mua vàng là có cơ sở. Theo các đơn vị, mức lợi nhuận không đủ hấp dẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến họ không tham gia và nếu có tham gia phiên đấu thầu thì cũng dè dặt không đặt giá.

                                                       Vàng miếng SJC luôn có sức hấp dẫn lớn trên thị trường

          Thứ hai là sự lo ngại về đầu ra. Theo các đơn vị, đầu ra chủ yếu là bán vàng miếng trực tiếp cho người dân hoặc bán buôn cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, lực cầu đang có dấu hiệu chững lại. Hơn nữa, xu thế thời gian vừa qua là nhiều người đã chuyển qua mua vàng nhẫn hơn là vàng miếng.

          Cách đây 11 năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức đấu thầu vàng miếng và rất thành công. Cụ thể, trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC đắt hơn vàng thế giới khoảng 4-5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, sức cầu của vàng miếng khá lớn do quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng (ngày 30-6-2013, các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng) nên các ngân hàng thời điểm đó tích cực tham gia đấu thầu để có nguồn chi trả, tất toán. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì không có sức ép đó, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và giá vàng thế giới vẫn lên, xuống thất thường nên làm giảm sức hấp dẫn của các phiên đấu thầu. Và như vậy thì mục tiêu đưa ra là tăng cung, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước, giảm mức chênh lệch giá giữa trong nước và giá vàng thế giới chưa đạt được như kỳ vọng.

          Theo các chuyên gia, để các phiên đấu thầu tiếp theo thành công, cần xem xét nhiều hơn tới mức giá tham chiếu, giá sàn  theo mức sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. Ở đây, Ngân hàng Nhà nước cần được xác định vai trò là  cơ quan quản lý can thiệp thị trường hơn là đơn vị kinh doanh thì mới đạt mục tiêu đề ra. Cùng với đó, cần giảm số lượng tối thiểu mà mỗi thành viên tham gia đấu thầu phải mua từ 1400 lượng xuống còn một nửa hoặc có thể thấp hơn nữa sẽ tăng sức hấp dẫn hơn.

           Nhanh chóng sửa nghị định 24

          Thời điểm trước khi nghị định 24 ngày 3-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời,  tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế rất trầm trọng với việc vàng miếng dần trở thành thước đo giá trị, công cụ tích trữ giá trị phổ biến và phương tiện vay mượn, thanh toán. Khi đó, sự biến động mạnh của giá vàng gây ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và tỷ giá, đẩy mặt bằng giá hàng hóa nhập khẩu lên cao, gây áp lực lạm phát và khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát an toàn vĩ mô.  Ngân hàng Nhà nước khó  kiểm soát thị trường vàng khi có quá nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Cùng với đó là hiện tượng nhập lậu vàng trở nên phổ biến, ước tính lượng vàng nhập lậu hàng năm trong giai đoạn 2007-2011 ở mức cao nhất khoảng 40-60 tấn.Chính vì thế, nghị định 24 ra đời  với mục tiêu tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.

          Thực tế, sau 12 năm, nghị định 24 đã góp phần thay đổi nhận thức, văn hóa, thói quen của người dân về vàng. Cung - cầu vàng miếng tương đối cân bằng, nhu cầu mua bán vàng miếng trên thị trường giảm đáng kể, giải quyết được tình trạng “vàng hóa” khi quan hệ huy động - cho vay bằng vàng chuyển sang quan hệ mua - bán. không còn coi vàng là phương tiện đầu cơ cũng như thanh toán.

          Tuy nhiên, kể từ khi nghị định 24 có hiệu lực, thị trường vàng không có nguồn cung vàng nguyên liệu. Sau đó, NHNN quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Cần sớm sửa đổi nghị định 24 để ổn định thị trường vàng

          Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) Huỳnh Trung Khánh  cho rằng, sau 12 năm tồn tại thì Nghị định 24 cần sửa đổi, vì không còn phù hợp với diễn biến của thị trường ở thời điểm hiện tại. VGTA đã có kiến nghị về việc sửa đổi Nghị định 24, để không thể còn độc quyền thương hiệu, đẩy giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới đến hàng chục triệu đồng.

           Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề xuất  cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng bãi bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xóa bỏ thế độc quyền của thương hiệu SJC. Trong đó có thể lựa chọn 5-10 doanh nghiệp vàng lớn, có uy tín, có tiềm lực để tham gia sản xuất, nhập khẩu vàng miếng.

           Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, Nghị định 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, đến nay, cần phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay. Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý đánh giá lại chính sách quản lý vàng, cũng như đánh giá, tổng kết những mục tiêu, chính sách của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời điểm ban hành Nghị định 24 cách đây 12 năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn đang bất ổn nên nghị định này đã góp phần ổn định thị trường vàng cũng như góp phần ổn định vĩ mô. Thời gian gần đây, giá vàng tăng cao nhưng tỷ giá vẫn ổn định, đây là cơ sở để chứng minh rằng mục tiêu ổn định ngoại hối đã đạt được. Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo tổng kết và trình Chính phủ chủ trương thay đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng để phù hợp tình hình mới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại cơ chế quản lý vàng miếng. Đối với vàng không phải vàng miếng, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước không phải là quản lý các loại vàng này, thị trường tự quyết định.

          Quan trọng hơn, cần nghiên cứu để đưa thị trường vàng trở thành bộ phận hữu cơ của thị trường tài chính, để từ đó quản lý thị trường minh bạch, hiệu quả và đưa được nguồn lực lớn vào phát triển kinh tế (ước tính hiện vẫn có khoảng 400- 500 tấn vàng trong dân). 

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đưa ra 3 kịch bản về vàng trong năm 2024. Thứ nhất, dù lạm phát hạ nhiệt nhưng vàng vẫn được ưa chuộng do giá trị USD suy yếu, lãi suất trái phiếu ổn định. Thứ hai, suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng và vàng đạt được hiệu suất tốt nhờ vai trò bảo hiểm tài sản trong bối cảnh thị trường bất ổn. Thứ ba, vàng phải đối mặt với khó khăn do ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ làm tăng chi phí cơ hội khi dự trữ vàng và theo đó, kim loại quý này sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2024.

           Do đó, thị trường vàng sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường và cần có những giải pháp cấp bách, hiệu quả để bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả, đưa thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường thế giới, xóa bỏ mức chênh lệch bất hợp lý như hiện này./.

                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông