16:35 12/09/2024 Trung tá Đoàn Hải Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng cho biết, năm 2024, Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC) sẽ đạt công suất 1,5 triệu TEU, vượt xa công suất thiết kế (1,1 triệu TEU). Như vậy, sau 5 năm hoạt động, TC-HITC đã thành công ngoài mong đợi, trở thành một trong những bến cảng container hiện đại nhất Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho thấy sức vươn mạnh mẽ của Cảng biển Hải Phòng.
Vươn ra biển, làm giàu từ biển
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: mong muốn vươn ra biển, khai thác các nguồn lợi, làm giàu từ biển và xác định vị trí Cảng Hải Phòng là điều trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố. Khi cùng các cơ quan chuyên môn chuẩn bị dự thảo Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị (khóa 9) về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước, đồng chí và nhiều lãnh đạo thành phố khác không khỏi chạnh lòng khi dự thảo có đoạn viết: “Hải Phòng là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có Cảng nước sâu (nếu điều kiện kỹ thuật cho phép)”. Điều này chứng tỏ Trung ương và các Bộ, ngành vẫn băn khoăn, cân nhắc, lưỡng lự, liệu Hải Phòng có làm được cảng nước sâu?
Để giải tỏa sự băn khoăn đó, thành phố đầu tư kinh phí khảo sát, quyết tâm chứng minh về mặt kỹ thuật là Hải Phòng có đầy đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu. Đây là cả một quá trình kiên trì của các thế hệ lãnh đạo thành phố, vừa tự mình vươn lên, vừa tranh thủ sự ủng hộ của các tỉnh, thành phố bạn.
Nhờ vậy, khi Trung ương tiến hành khảo sát lấy phiếu thăm dò, các địa phương đều khẳng định vị trí quan trọng của Cảng Hải Phòng. Bên cạnh đó còn có sự tác động của các yếu tố nội lực, từ dịch vụ Cảng biển cho tới đại lý hàng hải, giao nhận hàng hóa... Tất cả đều được quan tâm đầu tư, thu hút mọi nguồn lực, với các phương tiện và thiết bị ngày càng hiện đại.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng công suất 300.000 tấn/năm và 2 bến cảng khởi động chính là cảng TC-HITC đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, là biểu tượng sự phát triển của Cảng biển Hải Phòng khi đón những con tàu 150.000 tấn vào làm hàng, đưa hàng hóa tới thẳng châu Âu, châu Mỹ mà không phải qua các cảng trung chuyển như trước.
Sự thành công của 2 bến khởi động được Trung tá Đoàn Hải Tuấn chứng minh bằng những con số đầy thuyết phục. 2 bến cảng container của công ty có trang thiết bị bốc xếp hiện đại nhất Việt Nam; được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khai thác Cảng; có hệ thống phần mềm cảng điện tử ePort… Hiện có 25 hãng tàu lớn trên thế giới đưa tàu vào khai thác tại TC-HICT; gần 10.000 khách hàng xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ của cảng.
Đến nay, 2 bến cảng đã vượt công suất thiết kế(1,1 triệu TEU), năm 2023 đạt 1,272 triệu TEU; tính đến 19-8-2024 đạt hơn 1 triệu TEU; dự kiến năm 2024 đạt 1,5 triệu TEU. Doanh thu năm 2023 đạt 2271 tỷ đồng, vượt kế hoạch 17%; lợi nhuận trước thuế đạt 1045 tỷ đồng, vượt kế hoạch 34%; thu nhập bình quân người lao động đạt 29,6 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách 130 tỷ đồng, tăng 65% so với kế hoạch.
6 tháng năm 2024, doanh thu đạt 1438 tỷ đồng, vượt kế hoạch 17%; lợi nhuận trước thuế 834 tỷ đồng, vượt mức 36%; thu nhập bình quân người lao động 29 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách 57 tỷ đồng. Dự kiến, công ty hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024.
Bởi vậy, tiếp theo đó, các bến cảng số 3,4,5,6 được triển khai xây dựng với quyết tâm rất cao để hoàn thành trong năm 2025. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh cho biết, đã phát động phong trào thi đua 200 ngày để hoàn thành giai đoạn 1 bến 3, 4 và đưa vào sử dụng trước ngày 28-2-2025.
Dự án xây dựng cầu cảng số 3 và 4, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện được khởi công xây dựng từ tháng 7-2022, đến đầu tháng 8-2024, hoàn thành 75% khối lượng. Riêng hạng mục thi công hai cầu tàu hoàn thành trong tháng 5-2024. Hiện, Cảng Hải Phòng phối hợp đơn vị cung cấp thiết bị tại Nhật Bản tiến hành hiệu chỉnh, nghiệm thu và vận chuyển thiết bị bằng đường biển về bến 3, 4 lắp đặt trong quý 4-2024.
Cũng như vậy, việc thi công bến 5,6 do Công ty CP Tập đoàn Hateco là chủ đầu tư cũng trong giai đoạn nước rút khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Tiến,Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hateco Hải Phòng cho biết, để đạt được mục tiêu đầu năm 2025 vận hành, tất cả các nhà thầu triển khai 3 ca 4 kíp. Dự án bến 5,6 Lạch Huyện có tổng mức đầu tư 8.951 tỷ đồng. Quy mô đầu tư gồm 2 bến dài 2 x 450 m = 900 m; tiếp nhận cỡ tàu container đến 18.000 Teus; 2 bến sà lan 2 x 100 m = 200 m, tiếp nhận tàu sức chở 160 Teus. Ngoài ra còn có công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện. Quy mô sử dụng đất 58,4 ha (chưa bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng).
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các bến số 7, số 8 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương ngày 21-4-2023, hiện đang thực hiện các thủ tục liên quan để chuẩn bị khởi công dự án. Các bến số 9, số 10, số 11, số 12 hiện đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án cảng biển này khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.
Cũng là điều phấn khởi và tự hào khi từ một thương cảng nhỏ bé, đến nay Cảng biển khu vực Hải Phòng đã có năng lực lên tới hơn 170 triệu tấn hàng hóa thông qua năm 2023, luôn đi trước các dự báo, đang vươn tới mục tiêu 200 triệu tấn và cao hơn nữa. Đáng chú ý, từ cảng biển, Hải Phòng tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cùng nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ, hiện đại bao gồm cả cảng biển, sân bay quốc tế; hệ thống đường cao tốc tới khắp nơi và những cây cầu lớn. Không thể phủ nhận, sự vươn mình lớn dậy của đô thị Hải Phòng; sự sầm uất, sôi động, nhộn nhịp của các hoạt động sản xuất kinh doanh; sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà đầu tư và sự tăng trưởng GRDP, thu nhập bình quân đầu người, từng bước nâng cao mức sống người dân... là nhờ một phần quan trọng từ Cảng biển.
Vươn tới mục tiêu đô thị hàng hải toàn cầu
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định phát triển thành phố Hải Phòng với 3 trụ cột chiến lược là Cảng biển, Công nghiệp và Du lịch Thương mại. Trong đó, Cảng biển được đưa lên hàng đầu.
Theo đó, thành phố đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững; là thành phố hàng hải toàn cầu, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước.
Từ định hướng đó, Hải Phòng sẽ phát triển hệ thống cảng biển và hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng; hình thành lối sống văn hóa đô thị cảng văn minh, hiện đại, thu hút nhân tài tới Hải Phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo các ngành nghề gắn với hàng hải, kinh tế biển, hải dương học...
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ: Cảng là cấu thành chính của đô thị hàng hải toàn cầu. Theo đó, sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Cảng biển Hải Phòng là cảng biển đặc biệt trong hệ thống cảng quốc gia với các chức năng cảng cửa ngõ quốc tế, càng tổng hợp quốc gia. Trong đó, tập trung cao cho phát triển khu bến Lạch Huyên- nam Đồ Sơn- Văn Úc.Cụ thể, phát triển tiếp khu bến Lạch Huyện với chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế và mở rộng cảng nam Đồ Sơn thành cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, kết hợp quốc phòng an ninh khi có yêu cầu.
Đồng thời, bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp (Cát Hải); cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc, huyện Tiên Lãng; kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung thêm các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải tới 20.000 tấn; từng bước di dời khu bến trên sông Cấm để quy hoạch phát triển đô thị nam sông Cấm... Với những định hướng đó sẽ đáp ứng yêu cầu tăng lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng theo nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đến năm 2025 đạt 350 triệu tấn/năm và năm 2030 đạt 600 triệu tấn/năm.
Như thế, tương lai của Cảng biển Hải Phòng rất rộng mở kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khẳng định một cách cụ thể, rõ ràng, chắc chắn nhất vị thế cảng biển Hải Phòng, vị thế của thành phố Hải Phòng, là bệ đỡ để Hải Phòng vượt sóng trùng khơi, vươn tới những chân trời mới, phát triển đột phá, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
Hồng Thanh
19:54 11/10/2024
14:31 11/10/2024
Xử lý một trường hợp ở địa bàn huyện An Lão xuyên tạc, sai sự thật trên mạng xã hội
Công an huyện Thuỷ Nguyên: Liên tiếp triệt phá 5 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Chân dung nhà vô địch tuyệt đối Giải Thể hình, Sport Physique Cúp Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng mở rộng
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung giúp dân khắc phục hậu quả bão số 3