Cảnh báo bệnh lý đường tiêu hóa dưới ở trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều

    16:29 22/11/2023

    Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng vừa nội soi đại tràng, cắt gọn polyp kích thước 0,5 cm tại lỗ gốc ruột thừa cho bệnh nhân 14 tuổi. Trước đó, qua thăm khám do triệu chứng rối loạn tiêu hoá, tình cờ phát hiện polyp nguy hiểm.

    Thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, qua khai thác tiền sử bệnh nhi C.Đ.H vào nhập viện vì lý do đau bụng. Trẻ đau bụng 1 tuần, đau âm ỉ quanh rốn, trẻ kể kèm theo có đại tiện phân đen 1 lần, trẻ không sốt, không nôn. Trẻ có tiền sử được chẩn đoán Viêm dạ dày, đang uống thuốc theo đơn.

    Trẻ đã được các bác sĩ khoa tiêu hóa tiến hành thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả lâm sàng và xét nghiệm của trẻ không có vấn đề gì. Sau đó trẻ được chỉ định nội soi đại tràng vào hôm sau để tìm. Trong quá trình nội soi, các Bác sỹ bất ngờ phát hiện bệnh nhân có 01 polyp kích thước 0,5 cm nằm ở khu vực lỗ ruột thừa. 

    Theo các chuyên gia y tế ghi nhận, Đây là một trường hợp hiếm gặp, trên thế giới phát hiện có khá ít trường hợp polyp phát triển tại khu vực lỗ ruột thừa. Polyp ở vị trí này có thể phát triển, nguy cơ gây tắc lỗ ruột thừa, dẫn đến viêm ruột thừa cấp tính. Ngoài ra, polyp đại tràng ở trẻ em thường được coi là lành tính, tuy nhiên đã có những báo cáo cho thấy nguy cơ ung thư hóa của polyp.

    Hình ảnh polyp trong ruột thừa

     “Trong suốt quá trình công tác, tôi chưa từng gặp polyp ở vị trí này bao giờ, tôi mới đọc được một hai báo cáo ở Việt Nam ghi nhận về những trường hợp tương tự nhưng ở người lớn, còn ở trẻ em thì chưa thấy có tài liệu nào”, bác sĩ Phạm Thị Trang - người thực hiện ca nội soi – cho biết.

    Đứng trước ca bệnh hiếm gặp, ê-kíp bác sĩ nội soi khoa Tiêu hoá bệnh viện đã nhanh chóng hội chẩn với lãnh đạo khoa, cân nhắc rủi ro của các phương pháp và lợi ích đối với bệnh nhân:  Nếu không can thiệp cắt polyp qua nội soi, polyp sẽ phát triển nguy cơ gây tắc ruột thừa làm ruột thừa viêm, bệnh nhân sẽ buộc phải trải qua một cuộc mổ cắt ruột thừa  khiến bệnh nhân mất thêm thời gian và tốn kém chi phí hơn. Bên cạnh đó: khuyến cáo nên cắt bỏ polyp khi nội soi phát hiện để tránh rủi ro ung thư hóa polyp.

    Tuy nhiên, nếu can thiệp bằng nội soi, bệnh nhân có thể gặp những rủi ro như thủng đại tràng do thành và đáy túi thừa rất mỏng, nguy cơ viêm ruột thừa cấp, nguy cơ chảy máu, v.v…

    Qua hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất chọn phương pháp cắt polyp qua nội soi. Cả ekip nội soi cùng nỗ lực, tập trung và khéo léo để đảm bảo sự thành công cho thủ thuật. Bên cạnh việc quan sát chính xác vị trí polyp, đánh giá cụ thể các nếp gấp khu vực xung quanh lỗ ruột thừa, manh tràng, bác sĩ nội soi cần đặc biệt khéo léo trong việc xử lý chân polyp, hạn chế tối đa tổn thương.

    Các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thực hiện thủ thuật cắt polyp qua nội soi tại Bệnh viện

    Kết quả thủ thuật cắt polyp thành công tốt đẹp, Poylp được cắt gọn, chân polyp không chảy máu, bệnh nhân có thể về khoa sau thời gian hết mê. Trong thời gian theo dõi sau đó, bệnh nhân không gặp phải bất kỳ những rủi ro nào mà lúc đầu các bác sĩ đã đặt ra. Sau đó bệnh nhân được xuất viện an toàn.

    Qua trường hợp trên, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: Bệnh lý đường tiêu hóa dưới ở trẻ em ngày càng xuất hiện nhiều hơn và được quan tâm. Mỗi ngày các bác sĩ tại phòng nội soi tiêu hóa Bệnh viện trẻ em Hải Phòng tiếp nhận  nhiều bệnh nhi ở đủ loại lứa tuổi tới thăm khám và nội soi với nhiều triệu chứng như: ỉa máu, đau bụng kéo dài, rối loạn phân, sụt cân… Đáng chú ý là đa số người bệnh chỉ đến khám khi triệu chứng bệnh đã rõ ràng, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ và sinh hoạt. Và chưa có nhiều trẻ được bố mẹ chủ động cho đi thăm khám và một số it các bác sĩ cũng chưa quan tâm đúng mức về bệnh lý đường tiêu hóa dưới.

    Các chuyên gia Y tế chỉ ra rằng, Polyp đại tràng là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất gây đại tiện phân máu ở trẻ em. Nhiều polyp lành tính nhưng 90% ung thư đại trực tràng – loại ung thư có tỉ lệ tử vong lớn thứ 4 thế giới xuất phát từ những polyp không được phát hiện và loại bỏ sớm. Những polyp này phát triển âm thầm trong thời kỳ thơ ấu, không biểu hiện bệnh kể cả khi đã diễn tiến ác tính. Vì vậy khi phát hiện được polyp thì phải cắt bỏ.

    Nội soi đại tràng kết hợp với kỹ thuật can thiệp trong nội soi là phương pháp rất tốt để chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đại tràng, cũng như theo dõi định kỳ nhằm phát hiện sớm nguy cơ ung thư hóa: polyp, bệnh lý ruột viêm...

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông