09:03 13/06/2022 Với suy nghĩ thuốc nam là lành tính nên không ít người bệnh mới chỉ nghe lời mách bảo, truyền miệng đã vội vàng tìm đến các loại thuốc nam để chữa bệnh hoặc uống bổ sung sức khỏe. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc nam tràn lan, bừa bãi, không có hướng dẫn cụ thể của người có chuyên môn rất dễ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Tin lời “thầy lang” người bệnh gánh chịu hậu quả nặng nề
Vừa qua, khoa Da liễu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp nhận người bệnh N.V.H với các biến chứng nặng của bệnh vảy nến sau khi sử dụng thuốc nam.
Theo lời kể, ông H đã bị vảy nến hơn 40 năm. Do ngại nằm viện và mong muốn được chữa trị tận gốc bệnh vảy nến, mặc dù biết mình bị dị ứng thuốc nam, ông H vẫn quyết định sử dụng sau khi nghe lời mách bảo của người bạn và lời quảng cáo “có cánh” về thuốc nam sạch của một thầy lang tại Tân Viên, An Lão.
Sau khi uống thang thuốc đầu, 1 -2 ngày sau, người bệnh cảm thấy người rất dễ chịu, ăn ngủ khỏe, bệnh tình khỏi nhanh. Khi uống hết thang thứ 3, người bệnh cắt thêm 4 thang, tổng là 7 thang thuốc. Kể từ lúc đó, bệnh bắt đầu có hiện tượng phát ra ngoài nhưng người bệnh không để ý nên uống thêm đến chén thuốc thứ 9.
Khi da đầu bị tróc vảy và cảm thấy nóng râm ran trong người, người bệnh lúc này mới ý thức được hậu quả, dừng không uống thêm, đồng thời lập tức nhập viện.
Qua thăm khám của các bác sĩ khoa Da liễu, người bệnh ngứa nhiều, trên da có nhiều mảng dát đỏ, mụn mủ, loét da, bong vảy, có chỗ nứt da, rỉ dịch lan tỏa thân mình. Người bệnh cũng chưa có tiền sử dị ứng thuốc cũng như các bệnh lý mạn tính ở các cơ quan khác.
Qua đó, người bệnh được chẩn đoán mắc vảy nến (bội nhiễm) và dị ứng chưa xác định (theo dõi dị ứng thuốc nam). Người bệnh được chỉ định sử dụng kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, thuốc chống viêm. Tới nay, người bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, tình trạng da cũng đã ổn định hơn rất nhiều.
Theo các bác sĩ Khoa Da liễu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), vảy nến là một bệnh viêm da mạn tính khá phổ biến. Người mắc bệnh không những có cảm giác đau đớn, ngứa ngáy mà còn chịu nhiều ảnh hưởng về mặt tâm lý, mặc cảm, kém tự tin khi giao tiếp. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị vảy nến nhưng bệnh thường kháng trị hoặc dễ tái phát sau khi ngưng sử dụng thuốc, đặc biệt bệnh có thể trở nên trầm trọng nếu dùng thuốc không đúng chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Tâm lý mặc cảm là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh e ngại khi đến bệnh viện và thường có xu hướng tìm đến những phòng khám tư nhân với mong muốn tìm cách điều trị nhanh, hiệu quả.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp người bệnh dùng các thuốc lá, thuốc nam chữa vảy nến gây hậu quả nặng nề trước khi tới thăm khám, điều trị tại khoa Da liễu Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Cho đến nay y học vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh vảy nến hoàn toàn mà chỉ có thể quản lý bệnh tốt hơn, từ thể nặng sang thể nhẹ và ổn định.
Do đó, người bệnh cần tới những phòng khám chuyên khoa da liễu uy tín để được thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, được áp dụng đúng liệu trình điều trị. Đồng thời, người bệnh phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn. Tuyệt đối không tin những lời đồn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến, tránh tiền tật mang.
Phức tạp hơn tân dược
Theo một số chuyên gia y tế, về nguyên tắc, đã gọi là thuốc, bất kể tân dược (thuốc tây) hay đông dược (thuốc nam) đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc mà dẫn đến hậu quả chết người.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược vì trong thuốc đông y không những có dược chất chính mà còn rất nhiều chất khác, thậm chí tạp chất. Hơn nữa, trong thuốc đông y lại gồm rất nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì nhiều lý do. Trong đó, bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa. Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, nhưng vì đông dược thường là hỗn hợp gồm rất nhiều chất nên khó xác định dị nguyên cụ thể.
Bệnh nhân dùng quá liều (do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định) loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc. Do chất lượng thuốc không đảm bảo vì trồng trọt, chăm bón quá nhiều hóa chất có hại, bảo quản không tốt, bào chế sai quy cách hoặc vì bị nhiễm vi sinh vật có hại, đặc biệt là các loại nấm mốc... dễ gây dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc, có cả tân dược và đông dược cũng dễ dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể.
Do đó, để ngăn ngừa những tai biến do dùng thuốc nam, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.
Về phía thầy thuốc cũng phải khám cụ thể, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc. Cần hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc nam một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi kê đơn cho người bệnh.
Các chuyên gia Y tế cũng khuyến cáo, Thuốc đông y hay tân dược dùng để trị bệnh không phải muốn uống là uống. Việc sử dụng thuốc phải có liều lượng và do thầy thuốc chỉ định. Người bệnh nếu dùng thuốc đông y cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cấp phép để tránh tình trạng mua, sử dụng thuốc bị trộn lẫn các hóa chất độc hại, chất cấm gây ra biến chứng khi sử dụng.
VŨ DUYÊN
09:09 24/11/2024
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão