Cảnh báo nguy cơ sạt lở núi Thiên Văn

11:30 12/10/2018

Nằm ở vị trí trung tâm của quận Kiến An, núi Thiên Văn là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho con người nơi đây. Tuy nhiên, qua thời gian, do tác động của quá trình phong hóa, nhất là quá trình đô thị hóa, người dân làm nhà bao quanh chân núi, đào khoét sâu vào vách núi đã làm mối liên kết giữa lớp đất đá bề mặt với bên dưới không còn vững chắc. Mỗi khi vào mùa mưa bão, cư dân sinh sống quanh núi cũng như chính quyền địa phương lại nơm nớp lo sợ nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào...

Toàn cảnh núi Thiên Văn nằm thơ mộng giữa lòng đô thị

Nguy cơ rình rập...

Núi Thiên Văn có hình dáng và cấu tạo địa chất của vùng trung du với đồng bằng xen đồi. Khí hậu nơi đây mang đặc điểm chung của kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. Mỗi năm trung bình có 145 ngày mưa, lượng mưa đạt từ 1.500 - 1.800mm/năm. Vào tháng 8 hàng năm, lượng mưa lớn nhất trong ngày lên tới 500mm. Điều kiện thoát nước mặt trong khu vực chủ yếu theo độ dốc tự nhiên của núi. Phía trên núi có xây dựng một số các công trình phục vụ mục đích dân sinh.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá của Cty Cổ phần Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng cũng như đơn vị chức năng của quận Kiến An, có nhiều nguyên nhân đe dọa xảy ra tình trạng sạt lở chân núi Thiên Văn. Tựu chung lại là do chính quá trình vận động địa chất và nguyên nhân cốt lõi nhất là do tác động của con người gây ra.

Những năm qua, do điều kiện kinh tế khó khăn, nơi ăn, chốn ở chật hẹp, người dân đã lấn chiếm, đào sâu vào khu vực chân núi, khoét sâu vào sườn núi, để xây dựng nhà cửa và tạo thành những vách núi đất, đá dựng đứng, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Một số khu vực, người dân còn lấn chiếm đất núi xây dựng nhà xưởng sản xuất, cũng như các công trình dân sinh khác. Đã vậy, trong quá trình xây dựng, sinh sống, người dân ở khu vực trên núi lại thiếu ý thức, thường xuyên vứt xả rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt xuống lưng chừng núi. Chính những hành động thiếu trách nhiệm này là tác nhân làm thay đổi cấu tạo địa chất của núi, gây ra tình trạng sạt lở khi mưa lớn kéo dài.

 Vụ lở đất, đá lăn làm sập tường nhà xưởng sản xuất nội thất của ông Vũ Văn Hoan, tại số 19, ngõ 1196 Trần Nhân Tông

Khu vực bị ảnh hưởng sạt lở ở sườn núi Thiên Văn là nơi sinh sống của nhân dân thuộc các tổ dân phố: 13, phường Trần Thành Ngọ và Nam Sơn 3, Cận Sơn 1, Cận Sơn 2, phường Nam Sơn.

Phạm vi mất an toàn khu vực chân núi Thiên Văn cũng đã được các đơn vị chức năng phân  chia ra làm 3 khu vực cụ thể, gồm: Khu vực nhà Bằng, có 12 hộ, với 36 nhân khẩu, thuộc phường Trần Thành Ngọ. Tiếp theo là khu chùa Liên Hoa, tại sườn phía Bắc núi Thiên Văn, có 7 hộ dân, với 24 nhân khẩu sinh sống. Cả 2 khu vực này đều phát hiện vết nứt lớn, có nơi còn bị sụt lún thấp hơn mặt đất liền kề từ 5 đến 7cm. Qua thời gian, những vết nứt ngày càng rộng thêm. Đáng chú ý, phía sau nhà chùa do lấn vào sườn núi, không có kè đá bảo vệ nên có nguy cơ bị đất đá vùi lấp khi xảy ra sạt lở.

Nguy hiểm hơn, khu vực ngõ Chẻ Tăm, thuộc 2 phường Trần Thành Ngọ và Văn Đẩu, có 21 hộ, với 90 nhân khẩu sinh sống xung quanh, được xác định là khu vực đặc biệt nguy hiểm. Vách núi ở đây dựng đứng, cao trên 60m, khi mưa kéo dài hoặc có bão gió, sạt lở núi là điều khó có thể tránh.

Cần giải pháp bền vững...

Hiện, mật độ dân cư sinh sống quanh khu vực chân núi Thiên Văn khá dày đặc. Với sự thiếu ý thức của con người cộng thêm điều kiện thời tiết diễn biết bất thường thì nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào và khó có thể lường trước được hậu quả.

Bằng chứng là, vào 21h ngày 23-5-2012, sau cơn mưa kéo dài khoảng 3h, 50m3 đất, đá bất ngờ đổ xuống làm sập tường nhà xưởng sản xuất nội thất của gia đình ông Vũ Văn Hoan, ở số nhà 19, ngõ 1196, Trần Nhân Tông, thuộc tổ dân cư 24, phường Văn Đẩu. Sau vụ sạt lở, sườn núi tạo thành bức tường thẳng đứng, cao khoảng 15m, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khu vực dưới chân núi.

Nhiều nhà dân nằm sát chân núi có nguy cơ đất đá tràn vào nhà khi mưa lớn

Gần đây nhất, cuối tháng 7 vừa qua, những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tiếp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến khu vực đồi núi Thiên Văn xảy ra hơn 10 điểm sạt lở đất đá, kèm theo đó là tình trạng cây cối đổ gãy. Hàng trăm khối đất đá trong phút chốc đã đổ sập xuống nhà dân dưới chân núi. Trong đó, phường Trần Thành Ngọ có tới 5 điểm sạt lở, nặng nhất là tại số nhà 1240 phố Trần Nhân Tông của hộ gia đình anh Hoàng Văn Tuấn. Đất đá từ trên núi dội xuống ngôi nhà, kèm theo 2 cây gãy đổ khiến nhà anh Tuấn bị sập mái tôn tầng 2.

Khu vực đường Nguyễn Xiển lên đỉnh núi Thiên Văn cũng xảy ra 5 điểm sạt lở với diện tích 500 m2. Đất đá văng xuống khiến bức tường bếp của hộ bà Lê Thị Tuyết, tổ dân phố số 10, phường Trần Thành Ngọ bị đổ. Còn bức tường phía giáp núi của hộ ông Bùi Văn Đoan bị vùi lấp. Mặc dù các vụ sạt lở trên chưa gây thiệt hại về người, song tình trạng sạt lở đất đá trên núi diễn ra phức tạp, gây tâm lý bất an cho người dân và là mối lo ngại của chính quyền các cấp nhiều năm qua. Hiện, mỗi khi có mưa bão, chính quyền địa phương lại huy động lực lượng giúp dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm nhưng về cơ bản thì đây chỉ là giải pháp tình thế.

Được biết, kỳ họp thứ 6, HĐND TP đã thông qua danh mục đầu tư đối với dự án "Phòng, chống hạn chế nguy cơ sạt lở núi Thiên Văn". Chính quyền cũng như người dân địa phương đang mong mỏi dự án sớm được phê duyệt, đi vào triển khai để góp phần phòng, chống, hạn chế tối đa nguy cơ sạt lở, bảo đảm tính mạng cũng như tài sản cho người dân, đồng thời ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất núi và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp để thu hút khách du lịch đến thăm quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp núi Thiên Văn.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích