Cậu học sinh trường làng trở thành tiến sĩ y khoa Pháp

14:17 01/03/2014

  Bác sĩ Vinh tư vấn khám chữa bệnh  

 

1
Bác sĩ Vinh tư vấn khám chữa bệnh

 

Chúng tôi hẹn gặp anh vào cuối buổi chiều khi anh đang bận rộn sắp xếp lại những bộ hồ sơ bệnh án. Với nụ cười duyên và phong cách trò chuyện lịch lãm, khiêm tốn khi nói về bản thân, anh để lại ấn tượng về một lương y tài đức và tận tâm với nghề. Anh là bác sĩ Vũ Hải Vinh (sinh năm 1982), hiện công tác tại khoa truyền nhiễm - Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng. Anh vừa hoàn thành chương trình tiến sĩ Y khoa tại Pháp với 13 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín, là đồng tác giả cuốn Mycologie Médicale (giáo trình cho sinh viên Y khoa Pháp)…

Câu chuyện ngược về quá khứ

Trong câu chuyện chia sẻ về bản thân, anh cho biết mình thích và đam mê theo đuổi nghề y từ những ngày còn nhỏ. Khi ấy, chàng trai Vũ Hải Vinh luôn mang trong mình mơ ước được khoác trên vai chiếc áo blouse trắng, đem hết tài năng và trí tuệ của mình cứu sống bệnh nhân thoát khỏi bàn tay tử thần. Suốt những năm tháng học tập tại ngôi Trường THPT Kiến Thụy, anh xác định tập trung học khối B để thi vào Trường đại học Y và luôn cố gắng nỗ lực để biến ước mơ thành sự thật.

Thời sinh viên, anh thường “rong ruổi” ở các bệnh viện để trau dồi thêm chuyên môn. Tại đây, anh gặp không ít mảnh đời éo le, bất hạnh. Một trong số đó đã để lại xúc động mạnh, mang lại cho anh động lực theo đuổi nghề Y. Anh tâm sự: “Hồi ấy khi đang theo học chuyên ngành bác sĩ Đa khoa, mình thường tham gia các lớp học thêm mùa hè ở khoa. Lúc đi thực tập, mình có gặp 1 bệnh nhân nam còn trẻ bị nhiễm trùng HIV ở giai đoạn cần chăm sóc tích cực nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn (5 người chung sống trong căn hộ hơn chục m2). Điều kiện kinh tế không cho phép bệnh nhân có thể chi trả viện phí, xét nghiệm chẩn đoán bệnh... Khi đó, có một nhóm bác sĩ người Mỹ đang đi hướng dẫn một số đề tài ở khoa thấy trường hợp thương tâm của bệnh nhân kia, người trưởng đoàn đã móc ví quyên góp hết số tiền mình có cho bệnh nhân. Sau đó, tất cả các bác sĩ trong đoàn đều quyên tiền ủng hộ”. Hình ảnh về tình thương người và lòng nhân ái rộng mở của nhóm bác sĩ ngoại quốc để lại cho anh ấn tượng sâu sắc, khiến anh thấy yêu nghề và có động lực phấn đấu nhiều hơn để trở thành một bác sĩ giỏi, tận tụy, hết lòng với bệnh nhân.

Đam mê theo đuổi ước mơ

Được biết đến là một tiến sĩ trẻ tuổi với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, mang tính ứng dụng thực tiễn cao, bác sĩ Vũ Hải Vinh cho biết: Công việc nghiên cứu bắt đầu khi anh theo học thạc sĩ tại Viện Pháp ngữ về Y học nhiệt đới Lào. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Lào, anh về Bệnh viện Việt Tiệp công tác, rồi tiếp tục đi du học bên Pháp. Đây là một quốc gia rất mạnh về nghiên cứu với trình độ khoa học đỉnh cao, họ có những ê-kíp làm việc chuyên nghiệp, chính thống. Ở Pháp, Vũ Hải Vinh học thêm bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa sâu, văn bằng 2 thạc sĩ nghiên cứu và sau đó là tiến sĩ.



1
1

 

Trong thời gian 5 năm nghiên cứu ngành Bệnh học người, chuyên ngành Bệnh Truyền nhiễm, Vũ Hải Vinh tham gia nhiều nghiên cứu khoa học thực nghiệm. Anh đã có 13 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín và có 12 bài phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế về Y học. Ngoài ra, trong lúc biên soạn tài liệu giảng dạy cho các sinh viên Y khoa Pháp, anh cùng nhiều tác giả tham gia viết cuốn sách Mycologie Médicale với một chương nghiên cứu về nhiễm nấm Pericillium marneffei - một bệnh truyền nhiễm thường gặp trên các bệnh nhân nhiễm trùng HIV được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX. Khi làm việc trên bệnh nhân, anh nhận thấy bệnh nấm Pericillium marneffei tương đối phổ biến ở Việt Nam, trong khi hiểu biết về bệnh này, ngay cả với các nhân viên y tế, lại khá hạn chế. Bởi vậy, anh mong muốn tìm hiểu sâu để nâng cao hiểu biết, có một phương pháp chẩn đoán và phác đồ điều trị tốt nhất.

Kể về quãng thời gian làm việc tại Pháp, Vũ Hải Vinh thấy mình may mắn, bởi trong trung tâm nghiên cứu của anh, các giáo sư rất nhiệt tình hướng dẫn, nâng đỡ, nhất là khi anh mới “chân ướt chân ráo” đi vào lĩnh vực nghiên cứu. Đặc biệt, các thầy đều mong muốn có thể tiếp tục hợp tác, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu, ngay cả sau khi anh hoàn thành việc học tập tại Pháp. Mặc dù môi trường bên đó rất lý tưởng với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để nghiên cứu nhưng anh lại lựa chọn trở về Việt Nam. Đó là mục đích anh xác định ngay từ khi bắt đầu: quay về Việt Nam để cống hiến, phục vụ cho nền Y học nước nhà.

“Mỗi bác sĩ giỏi nên là một nhà nghiên cứu tốt”

Sau gần 5 năm du học, quay trở về Việt Nam và mới nhận công tác trên cương vị là bác sĩ lâm sàng của Bệnh viện Việt Tiệp, anh Vinh thú nhận vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và đang dần thích nghi với môi trường làm việc nơi đây. Khi đã quen dần công việc, anh sẽ tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu khoa học.

Anh cho biết: Đối với các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở ngành bệnh truyền nhiễm, mỗi một bác sĩ giỏi thường là một nhà nghiên cứu tốt, kết hợp song hành giữa nghiên cứu và thực tiễn. Theo anh, y học không chỉ dựa trên kinh nghiệm mà cần phải có bằng chứng. “Muốn trở thành một bác sĩ tốt thì thực sự phải có tri thức khoa học hậu thuẫn. Khi đưa ra một ý kiến, một quyết định điều trị phải có cơ sở khoa học, điều đó mới thực sự tốt cho bệnh nhân.

Ngay cả các giáo sư hàng đầu bên Pháp, khi đưa ý kiến cho bệnh nhân, họ cũng phải tham khảo những tài liệu khoa học hoặc những nghiên cứu đã được chứng minh rõ ràng. Vì đối tượng của y học là sức khỏe con người, do đó, mọi việc làm của bác sĩ đều phải thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học đã được chứng minh. Đó mới chính là thái độ có trách nhiệm của bác sĩ đối với sức khỏe người dân. Đây là xu hướng chung cho nền y học trong tương lai, khi mà thế giới đã dần đạt được tiêu chí đó”.

Để thực hiện “lí tưởng” đó, trước tiên anh thay đổi chính bản thân mình. Khi làm công việc thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân hay làm nghiên cứu khoa học, anh luôn cố gắng áp dụng những gì đã được học, cả về tác phong, lối suy nghĩ, cách làm việc, đầu tiên là cho những bệnh nhân trực tiếp của anh rồi đến người thân xung quanh, anh em bạn bè, đồng nghiệp trong khoa. Khoa Truyền nhiễm thường xuyên có những buổi sinh hoạt trao đổi chuyên môn, từ đó hình thành thói quen làm việc chung cho cả ekip, dần dần trở nên chuyên nghiệp và tiến bộ hơn.

Là một người đi trước, lại có những thành công nhất định trong nghề, anh chia sẻ với những bạn trẻ có cùng đam mê theo đuổi nghề Y: “Hãy quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng. Những ai thực sự muốn đứng trong hàng ngũ y tế phải có niềm đam mê, nhiệt huyết lớn lao và phải có sự dũng cảm, xác định trước những khó khăn vất vả sẽ phải vượt qua…”.

Thu Ninh - Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông